• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bà Hồ Thể Lan - vợ cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan có gia thế như thế nào?

Bà Hồ Thể Lan là con gái Giáo sư Hồ Đắc Di, cháu nội của cụ Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc...

Một trong những người phát ngôn Bộ Ngoại giao để lại nhiều ấn tượng nhất với phóng viên trong và ngoài nước là bà Hồ Thể Lan, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí giai đoạn 1987-1996, vợ của cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan. 

Tên tuổi và hình ảnh của bà gắn liền với vai trò người đưa ra những tuyên bố chính thức về lập trường ngoại giao của đất nước đối với các vấn đề chính trị lớn. Bà luôn có những nhận xét sắc sảo nhưng giản dị và thực tế: "Với phóng viên nước ngoài, nhất là từ các nước phương Tây, tôi luôn tâm niệm rằng không thể đòi hỏi họ viết hệt như ta. Nếu bài viết của họ thuận cho ta dăm bảy phần đã quý lắm rồi. Nếu ta hiểu được, chân thành với họ thì đây chính là "đội quân đặc dụng" vì tiếng nói của họ được dư luận tiếp thu dễ dàng hơn".

Bà Hồ Thể Lan và chồng - cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan Ảnh: Ðức Hùng
Bà Hồ Thể Lan và chồng - cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan Ảnh: Ðức Hùng

Bà Hồ Thể Lan là con gái Giáo sư Hồ Đắc Di, cháu nội của cụ Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung, Cử nhân Nho học, kết hôn với Công nữ Á Nam. Cụ Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung, tước Thái tử Thiếu bảo Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Học kiêm Bộ Hộ rồi Bộ Lễ kiêm Bộ Công, Đông các Đại học sĩ, sung Cơ mật đại thần, tứ trụ đại thần triều đình thời vua Duy Tân và Khải Định. Cụ cũng là Quốc trượng (bố vợ) của vua Khải Định.

Ông Vũ Khoan và bà Hồ Thể Lan - con gái đầu Giáo sư Hồ Đắc Di vốn là bạn học trong trường Thiếu sinh quân ở Việt Bắc, sau đó được chuyển sang Quế Lâm rồi xuống Nam Ninh (Quảng Tây - Trung Quốc) học phổ thông.

Năm 1954, cả hai được chọn đi học tiếng Nga ở Mát-xcơ-va (Liên Xô). Từ bạn đồng môn đã nảy sinh tính cảm. Sau ngày miền Bắc được giải phóng, ông Vũ Khoan được lấy ra Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, còn bà Hồ Thể Lan về nước làm việc ở trường Đại học Y Hà Nội.

Ông Vũ Khoan từng chia sẻ về lần đầu gặp GS Hồ Đắc Di: “Là “nhân viên đưa đón" của Đại sứ quán tôi đã đón và chăm lo mọi chuyện cho cụ trong thời gian ở Mát-xcơ-va. Nói là gặp nhưng tôi không dám chuyện trò gì, cũng không thấy cụ nói năng gì và càng không biết cụ suy nghĩ gì về chàng rể tương lai. Mãi sau này tôi mới hay, khi về, cụ bà hỏi, cụ mới nói lên cảm tưởng của mình rằng “nó còn trẻ lắm". Còn cảm tưởng của tôi về cụ từ buổi đầu gặp mặt cho tới khi cụ qua đời là ông cụ rất hiền”.

“Tôi còn nhớ lúc đó cả nhà “vô tình” ở trên gác để "xem mặt” tôi. Cả nhà nói ở đây bao gồm chú, mẹ nhà tôi (theo thói quen của dân Huế, cha gọi là "chú"), vợ chồng Giáo sư Tôn Thất Tùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên...”. Khi đó, ông Vũ Khoan cũng lo lắng vì hai gia đình không môn đăng hậu đối. 

“Nhưng kể từ giờ phút ấy và trong suốt những năm dài sống chung sau đó, chú mẹ tôi không mảy may tính toán gì về sự “chênh lệch" giữa hai gia đình và bản thân tôi là một anh tốt đen, bằng phổ thông trung học cũng chưa có, chứ đừng nói gì về bằng đại học. Hơn thế nữa chú, mẹ tôi luôn luôn yêu thương, chăm sóc tôi quá con đẻ”.

Ông Hồ Đắc Di không can thiệp vào việc học tập của con cái dù là người có danh tiếng, chức vị. Ông cũng không can thiệp khi người con trai duy nhất được gọi nhập ngũ vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ leo thang ác liệt nhất.

  Từ phải qua trái: GS Hồ Đắc Di cùng con gái Hồ Thể Lan và con rể Vũ Khoan tại Mát-xcơ-va (1968). Ảnh: Tư liệu gia đình ông Vũ Khoan.

Từ phải qua trái: GS Hồ Đắc Di cùng con gái Hồ Thể Lan và con rể Vũ Khoan tại Mát-xcơ-va (1968). Ảnh: Tư liệu gia đình ông Vũ Khoan.

Ông Vũ Khoan giải thích: “Cái tính “không can thiệp” này bắt nguồn từ triết lý tự trọng của ông cụ, đồng thời nó cũng bắt nguồn từ lòng mong muốn con cái cũng tự trọng, không dựa dẫm trên đường đời. Cái tính "không can thiệp" này đã truyền lại cho cả thế hệ con cháu về sau, giúp chúng tôi trải qua không ít sóng gió, trưởng thành không chỉ về cương vị xã hội, mà cái chính là nên người”.

Trong cuộc đời làm công tác tuyên truyền báo chí, bà Lan đã trải qua nhiều giai đoạn "kịch tính" như vấn đề Campuchia hay lúc đất nước ta bị bao vây cấm vận và thời kỳ đổi mới, rồi giai đoạn "đọ pháo"  với các đồng nghiệp Bắc Kinh để chứng minh chính nghĩa và lập trường chính đáng của Việt Nam đã cứu giúp nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng như thế nào.

Thanh Mai (Tổng hợp)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật