Đệ nhất phu nhân - đại diện đẹp đẽ của người Mỹ
Từ thời điểm kiểm phiếu và thường là trong suốt quá trình tranh cử diễn ra nhiều tháng trước đó, các hoạt động của vợ ứng viên tổng thống luôn được giới báo chí theo sát, và điều đó sẽ còn kéo dài trong suốt nhiệm kỳ của người đứng đầu Nhà Trắng sau đó.
Xuyên suốt lịch sử, dư luận đã chứng kiến sự quan tâm đến mức thái quá của giới truyền thông đối với người phụ nữ giữ vị trí danh giá này. Từ cách hành xử, dáng vẻ bề ngoài, cho đến cách lựa chọn trang phục, Đệ nhất Phu nhân luôn phải đối mặt với cái nhìn dò xét từ công chúng, truyền thông và cả những người xung quanh trên chính trường. Và điều đó diễn ra trước khi họ có thể đánh giá sự hiệu quả trong các công việc mà Đệ nhất Phu nhân thực hiện như một "nhân viên nhà nước không chính thức và không được hưởng lương".
Lịch sử đã cho thấy nhiều Đệ nhất Phu nhân ban đầu nhận được sự tán thưởng từ dư luận, và sau đó là sự quay ngắt 180 độ khi cho rằng Đệ nhất Phu nhân đó không đáp ứng được kì vọng của họ.
Hình ảnh của họ, trong trường hợp này, không chỉ là hình thức và trang phục, mà là ấn tượng mà Đệ nhất Phu nhân tạo ra, xuất phát từ sự kết hợp giữa tính cách và hình thức bề ngoài. Và nhiều người trong số đó đã trở thành nạn nhân của chính hình ảnh của mình vốn được đồng thời ca ngợi hay vũ khí hoá, dựa vào thái độ của đám đông.
Leah Wright Rigueur, giáo sư tại trường Harvard Kennedy cho rằng các Đệ nhất Phu nhân được coi như "hình ảnh đại diện đẹp đẽ của người Mỹ".
Khi các cử tri lần đầu bầu một tổng thống da màu vào năm 2008, bà Michelle Obama đã trở thành Đệ nhất Phu nhân da màu đầu tiên, và với nhiều người, đó là biểu tượng của hy vọng, và cơ hội để thay đổi. Nữ giới trên toàn thế giới đều nhìn vào người phụ nữ đến từ tiểu bang Chicago mà khi đó đã bắt đầu cuộc sống tại nơi nổi tiếng nhất nước Mỹ - Nhà Trắng.
Tuy nhiên, các chỉ trích nhắm vào bà lại có cái nhìn khác về sự tự tin và tính cách mạnh mẽ của bà, và họ không ngần ngại đưa ra các ý kiến có phần phân biệt chủng tộc hay giới tính. Trong các chiến dịch tranh cử của các ứng viên đối lập, bà được mô tả như một người hay cáu giận, cũng như bị đánh dấu hỏi về lòng trung thành và tình yêu với nước Mỹ.
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Ảnh: CNN. |
Trong những tháng đầu tiên khi ông Obama lên nắm quyền, việc bà Michelle ưa thích sử dụng các bộ váy không tay áo cũng vấp phải sự chỉ trích lớn từ dư luận.
"Họ tập trung vào cánh tay của bà ấy bởi đó không phải là cánh tay mảnh dẻ của một phụ nữ da trắng", Robin Givhan, biên tập viên từng đoạt giải Pulitzer của tờ Washington Post nói. "Những người da màu Mỹ trong nhiều năm qua vẫn luôn coi các Đệ nhất Phu nhân da trắng là đại diện cho họ. Nhưng tôi nghĩ sẽ rất khó khăn để những người Mỹ da trắng có cách nghĩ tương tự".
Những bộ váy truyền thông điệp của các Đệ nhất phu nhân
Ngược lại, Jackie Kennedy thường được ca ngợi bởi vẻ đẹp và phong cách sang trọng. Trong khi bà vẫn phải đối mặt với các chỉ trích về các sở thích tốn kém, từ thời điểm chồng bà tuyên thệ Tổng thống, Jackie đã chính thức trở thành Đệ nhất Phu nhân "sành điệu". Ở độ tuổi 31, bà là biểu tượng của tuổi trẻ. Bà xuất hiện trên Đồi Capitol cùng với chồng như một "nhánh hoa đẹp" trong một bó hoa nhàn nhạt, nhà sử học Thurston Clarke viết trong một tác phẩm của ông vào năm 2004.
Nhà báo Evan Thomas trong bài phỏng vấn trên CNN cho rằng Jackie biết nhà Kennedy đang sử dụng mình và từng nói "họ coi tôi như một tài sản".
Nếu lịch sử đi theo một hướng khác, Jackie có thể sẽ chỉ được nhắc đến như một bình hoa đẹp (bà thường giành thời gian chủ yếu trong Nhà Trắng để trang trí đồ vật). Nhưng trong một hoàn cảnh bi kịch khi chồng bà bị ám sát, Jackie đã có cơ hội để cho thế giới thấy tính cách mạnh mẽ của mình.
Nhiều giờ sau khi Tổng thống Kennedy bị bắn ngay bên cạnh, bà đã đưa ra một lựa chọn đầy mạnh mẽ: đối mặt với công chúng một lần nữa với bộ váy hồng dính máu mặc trong thời điểm xảy ra vụ ám sát, và nói với các nhân viên Nhà Trắng: "Tôi muốn họ nhìn thấy những gì đã làm với Jack".
Đó là một khoảnh khắc thảm hoạ trong lịch sử nước Mỹ, và cũng là một ví dụ điển hình về sức mạnh của trang phục: một bộ váy cũng có thể gửi đi một thông điệp.
Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy . Ảnh: CNN. |
Trong hồi ký "Becoming" của bà Michelle Obama, cựu Đệ nhất Phu nhân tiết lộ quá trình khó khăn để tự tạo hình ảnh cho mình trước công chúng. Bà cũng nhắc đến những thách thức mà mình phải đối diện khi là một người Mỹ gốc Phi. "Là một phụ nữ da màu, tôi hiểu mình sẽ bị chỉ trích khi thể hiện mình là người thích khoe khoang hay sành điệu, hay quá sơ sài trong ăn mặc. Do vậy tôi đã kết hợp mọi thứ với nhau: một chiếc váy sang trọng của Michael Kors với chiếc áo của Gap. Có thể một ngày tôi mặc trang phục của Target và sau đó là Diane von Furstenberg", bà nói.
Bà hiểu rõ công chúng sẽ không vừa lòng, và đã có hành động để thích ứng với xã hội. Nhưng cuối cùng, người chiến thắng lại chính là Michelle. Những gì mà người ta nhớ đến bà là những nỗ lực trong các vấn đề về sức khoẻ, giáo dục và giới. Bà tận dụng hình ảnh của mình để tạo cơ hội cho các nhà thiết kế thời trang trẻ phát triển, như Jason Wu, Prabal Gurung, hay Tracy Reese, bên cạnh những tên tuổi nổi tiếng.
"Với tôi, sự lựa chon luôn là sử dụng mối quan hệ gây tò mò của mình với công chúng để thúc đẩy sự phát triển", bà viết.
Giống như Jackie, Michelle tận dụng thực tế mình luôn bị dư luận dò xét để tạo thành lợi thế cho bản thân.
Hình ảnh Đệ nhất phu nhân mạnh mẽ khiến bà Hillary Clinton thất bại?
Trong khi đó, bà Hillary thường vấp phải chỉ trích của dư luận Mỹ với hình ảnh một người phụ nữ coi trọng sự nghiệp. Bà Hillary lại bị cho rằng không chú tâm vào hình ảnh người phụ nữ đứng sau chồng.
Sự quyết liệt của bà bị chỉ trích là quá mạnh mẽ để có thể đứng sau nhằm tạo hình ảnh cho chồng, hay quá yếu đuối để dứt bỏ khi chồng mình bị phát hiện không chung thuỷ.
Trong nhiều lần, bà đã vượt lên các chỉ trích. Trang phục "văn phòng" trở thành hình ảnh của bà, khiến công chúng nhớ đến bà là một Đệ nhất Phu nhân với bằng luật, một sự nghiệp độc lập, và cuối cùng, bà đã chứng minh rằng khi rời Nhà Trắng tiếp tục giữ vai trò là Thượng nghị sĩ của New York, thay vì "thất nghiệp" như chồng.
Bà đã tận dụng hình ảnh của mình trong đợt tranh cử Tổng thống vào năm 2016, và trong cuốn sách "What Happened", bà giải thích: "là một người phụ nữ tranh cử Tổng thống, tôi muốn tạo nên hình ảnh rằng mình vừa khác biệt vừa có sự tương đồng với nam giới".
Nhưng cuối cùng chiến lược đó đã không thành công, và trong suốt cuộc bầu cử được coi là xấu xí nhất trong lịch sử nước Mỹ, bà Hillary thường phải đối mặt với nhiều chỉ trích, lúc thì không đủ sức hút, hay là một người "dối trá".
Nhưng vấn đề lớn nhất, và có vẻ như vẫn vậy? một lần nữa, hình ảnh của bà không phù hợp với cái nhìn của công chúng - bởi Tổng thống thường là nam giới.