Francesca từ Barcelona (s. XIV - s. XV): Nữ bác sĩ phẫu thuật đầu tiên hành nghề công khai
Bức vẽ mô tả lại công việc của Francesca de Barcelona |
Y học thời trung cổ là không gian dành riêng cho nam giới. Phụ nữ không được chấp nhận tại các Khoa Nghiên cứu tổng quát hoặc Trường Y. Tuy nhiên, kể từ giữa thế kỷ 14, người ta đã ghi nhận sự hiện diện của phụ nữ hành nghề y trong lãnh thổ của Vương quốc Aragon (dưới thời trị vì của Peter III the Ceremonious và John I the Hunter).
Thực tế, việc hành nghề này đối với phụ nữ là một thực hành phổ biến ở ba nền văn hóa lớn có mặt trên lãnh thổ Catalan trong thời kỳ trung cổ, giữa người Do Thái, Ả Rập và Cơ đốc giáo. Chỉ một số phụ nữ thực hiện theo các đặc quyền của hoàng gia do các vị vua của Aragon chỉ định hoặc theo luật pháp của cộng đồng.
Francesca de Barcelona, góa phụ của Berenguer Satorra - thủy thủ và công dân của Barcelona, là người nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất vì bà hành nghề phẫu thuật một cách công khai mặc dù biết rằng Hiến pháp của Catalonia cấm hành nghề khi chưa qua kiểm tra thích hợp. Vì lý do này, vào đầu những năm 1390, bà đã phải đối mặt với những rắc rối pháp lý đầu tiên khi bị tố cáo hành nghề y mà không có bất kỳ bằng cấp nào - "đặt cơ thể bệnh nhân vào tình trạng nguy hiểm".
Có tài liệu báo cáo rằng, ngày 15/8/1392, Vua John I đã ân xá cho Francesca nhưng bắt bà phải nộp phạt 10 florin vàng đồng thời không cho phép tiếp tục hành nghề y. Francesca trả tiền phạt nhưng phớt lờ sắc lệnh của hoàng gia. Thậm chí, bà đã cống hiến hết mình để hỗ trợ phụ nữ mang thai và chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em. Danh tiếng của bà lớn mạnh tới nỗi đã đạt được sự công nhận cao nhất từ Vua Joan I. Dù chưa từng học tại bất kỳ Khoa Nghiên cứu Tổng quát nào hay tham gia kỳ thi y khoa, nhà vua cuối cùng đã ra lệnh phạt 1.000 florin vàng cho những người cố gắng ngăn cản công việc hành nghề y của bà.
Blanca Catalán de Ocón y Gayolá: Nữ thực vật học đầu tiên của Tây Ban Nha
Chân dung Blanca Catalán de Ocón y Gayolá |
Nữ thực vật học người Tây Ban Nha đầu tiên chào đời ở Calatayud (Zaragoza) vào ngày 22 tháng 8 năm 1860. Bà là con gái lớn của cặp vợ chồng quý tộc Loreto de Gayolá (1839-1887) và Manuel Catalán de Ocón (1822-1899). Theo ghi chép của Học viện Lịch sử Hoàng gia, bà mẹ Loreto de Gayolá là người có học vấn từng được đào tạo ở Thụy Sĩ. Ông muốn hai con gái của mình trở thành những phụ nữ có trí tuệ và sở thích. Mặc dù cả hai đều không tham gia các lớp học ở trường đại học, nhưng đều nhận được một nền giáo dục tốt ở nhà và trong các trường cao đẳng ở Teruel.
Quan tâm sâu sắc đến lịch sử tự nhiên, Loreto de Gayolá đã đánh thức trong các con gái niềm đam mê nghiên cứu tự nhiên cháy bỏng. Trong thời gian dài ở Thung lũng Cabriel (Sierra de Albarracín), nơi gia đình sở hữu một dinh thự ngay gần đầu nguồn một con sông, các cô gái đã bị cuốn hút bởi thế giới khoa học tự nhiên. Dưới sự dạy dỗ của người mẹ, Blanca đã phát triển rõ ràng theo thiên hướng nghiên cứu về thực vật học, trong khi Clotilde mê mẩn công việc nghiên cứu côn trùng.
Blanca Catalán de Ocón đã cố gắng tạo ra một nền văn hóa sâu rộng nhờ ảnh hưởng của mẹ cô và thư viện chọn lọc mà họ có ở nhà. Từ khi còn là một đứa trẻ, cô đã nuôi dưỡng tình yêu với thực vật học một cách mãnh liệt. Không chỉ mang ý nghĩa sở thích đơn thuần, đây dần trở thành nhiệm vụ mà cô thực hiện với mức độ nghiêm túc và chính xác ngày càng cao. Người phụ nữ trẻ đã thu thập các loài thực vật trong khu vực và vẽ chúng cẩn thận vào một cuốn sổ, ghi chi tiết đặc điểm của chúng với những mô tả chính xác, cũng như địa điểm và ngày tháng của bộ sưu tập. Cô đã quản lý để thành lập một vườn thảo mộc nhỏ và chọn lọc với các mẫu vật hầu như không được biết đến vào thời điểm ấy.
Vào năm 1880, tác phẩm Danh mục các loài thực vật được Blanca Catalán de Ocón ở Valldecabriel sưu tầm đã được xuất bản trên tờ báo La Provincia. Đây là nghiên cứu mô tả nhiều loài có tên khoa học tương ứng của chúng. Nhà tự nhiên học Bernardo Zapater đã nhận định: Cô gái Blanca Catalán de Ocón đã tự tay thu thập những loài thực vật rất đáng chú ý nhằm trình bày với giới khoa học một cách đáng ngưỡng mộ.
Nhận ra tài năng của cô gái trẻ, Bernardo Zapater đã nhờ bạn mình, nhà thực vật học uy tín người Đức Heinrich Moritz Willkomm (1821-1895), một học giả nổi tiếng về hệ thực vật Tây Ban Nha, để tìm hiểu về công trình của Catalán de Ocón. Willkomm đã viết thư cho Zapater thừa nhận đã nhận được các cuộc điều tra mà Blanca Catalán de Ocón đã thực hiện. Nhà thực vật học người Đức kết thúc bức thư của mình bằng cách suy ngẫm về công lao của người phụ nữ Aragon với câu ca ngợi: "Tôi sẽ giữ bức thư Blanca đã viết như một bút tích của nhà thực vật học đầu tiên ở Tây Ban Nha."
Để vinh danh nhà thực vật học người Aragon, cuốn sách Prodromun Florae Hispanicae (Thần đồng của hệ thực vật Tây Ban Nha), một tác phẩm mở rộng với hình ảnh minh họa và mô tả thực vật do người Đức xuất bản giữa năm 1861 và năm 1880, đã đặt tên một loài hoa mới là Saxifraga blanca (hay còn được gọi là Saxifraga granulata). Thuật ngữ có nguồn gốc La-tinh “saxifrage” dùng để chỉ những gì được sinh ra giữa những viên đá, và chính xác là những viên đá mà Blanca đã tìm thấy và đưa bông hoa đó ra ánh sáng. Ở thời điểm ấy, không có bất cứ ai chú ý hay đặt tên cho nó.
Loài hoa mang tên Blanca |
Năm 1888, Blanca Catalán rời khỏi Thung lũng Cabriel và từ bỏ hoạt động thực vật của mình khi kết hôn với thẩm phán Enrique D. Ruiz de Castillo, người được chỉ định vào triều đình Vitoria. Cặp đôi có hai con, nhưng Catalán de Ocón qua đời vì bệnh phổi vào ngày 17 tháng 3 năm 1904 ở tuổi 44.
Ngày nay, hai khu thảo mộc của Blanca Catalán de Ocón và Gayolá vẫn được bảo tồn. Một trong số đó mang tên Recuerdos de la Sierra de Albarracín, bao gồm gồm các loài thực vật quý hiếm của Valdecabriel. Khu thứ hai mang tên Souvenir des Aigues-Bonnes, gồm những loài thực vật quý hiếm của thung lũng Ossau.
Năm 2019, nhà văn Claudia Casanova, thành viên của Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ, đã xuất bản cuốn tiểu thuyết Historia de una flor, lấy cảm hứng từ cuộc đời của Blanca Catalán de Ocón.
Maria Winkelmann Kirch (1670-1720): Người phụ nữ đầu tiên phát hiện ra sao chổi
Chân dung Maria Winkelmann Kirch |
Maria là nhà thiên văn học người Đức. Bà được dạy dỗ bởi cha và chú, những người tin rằng các bé gái cũng xứng đáng được hưởng nền giáo dục tương đương với các bé trai. Niềm yêu thích của bà được gây dựng trong khoảng thời gian theo học với nhà thiên văn học Christopher Arnold. Thông qua Arnold, Maria đã phát triển mối quan hệ với nhà thiên văn học và nhà toán học nổi tiếng Gottfried Kirch. Mặc dù hơn nhau 30 tuổi, họ đã kết hôn và nuôi dạy bốn người con. Tất cả đều lớn lên theo học ngành thiên văn cùng cha mẹ.
Maria và Gottfried đã làm việc cùng nhau về các quan sát và tính toán, cũng như quan sát thời tiết, để tạo ra lịch và nhật ký được sử dụng để điều hướng. Tuy nhiên, Maria thường được coi là trợ lý của Gottfried hơn là một thành viên bình đẳng trong nhóm. Dẫu vậy, vào năm 1702, Maria đã trở thành người phụ nữ đầu tiên phát hiện ra sao chổi của chính mình (C/1702H1).
Theo quy định, sao chổi sẽ được đặt tên theo người phát hiện ra nó. Nhưng cái tên được chấp nhận cuối cùng lại là Gottfried. Nhiều khả năng, tồn tại những rào cản nhất định vào thời điểm đó không cho phép bà xuất bản khám phá trên tạp chí khoa học duy nhất của Đức - Acta Eruditorum. Mặc dù Gottfried đã thừa nhận sự thật gần một thập kỷ sau đó, ngôi sao chổi vẫn chưa bao giờ được đổi tên.
Maria không nản lòng và tiếp tục xuất bản công việc của mình trong lĩnh vực thiên văn học trên các ấn phẩm của Đức. Đặc biệt lưu ý là những quan sát của bà về Aurora Borealis vào năm 1707, sự kết hợp của Mặt trời với Sao Thổ và Sao Kim vào năm 1709, và sự kết hợp đến gần của Sao Mộc và Sao Thổ vào năm 1712, đã trở thành những đóng góp lâu dài trong thiên văn học.
Sau cái chết của chồng vào năm 1710, Maria cố gắng đảm nhận vị trí của ông với tư cách là nhà thiên văn học và nhà sản xuất lịch tại Học viện Khoa học Hoàng gia, nhưng bà đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Không có gì lạ khi các góa phụ tiếp quản công việc kinh doanh của chồng, và bà tuyên bố đã thực hiện hầu hết công việc của ông trong thời gian chồng bà bị bệnh từ đó ông qua đời. Dù nhận được sự ủng hộ của của chủ tịch Học viện, Hội đồng đã từ chối để bà tiếp tục công việc. Bất kể Maria liên tục thỉnh cầu nhưng vẫn bị từ chối. Sau đó, Johann Heinrich Hoffmann, một người đàn ông có ít kinh nghiệm, đã nhận công việc thay thế. Sự thiếu kinh nghiệm ngay lập tức được bộc lộ. Lúc này, Maria lại nhận được đề nghị trở thành trợ lý cho Hoffmann.
Tuy nhiên, Maria đã quyết định làm việc cho một người bạn của gia đình, nhà thiên văn nghiệp dư nhiệt tình Bernhard Friedrich Baron von Krosigk. Maria làm việc trong đài thiên văn của ông và huấn luyện các con làm trợ lý để tiếp tục công việc thiên văn của gia đình là sản xuất lịch và niên giám.
Năm 1716, con trai của Maria là Christfried trở thành giám đốc Đài thiên văn Berlin của Học viện Khoa học Hoàng gia, sau cái chết của Hoffmann. Maria và con gái Christine, trở thành trợ lý cho Christfried. Tuy nhiên, các thành viên của học viện phàn nàn rằng bà đóng một vai trò quá nổi bật. Maria đã từ chối ngồi lại trong các chuyến thăm của bà đến đài quan sát. Bà thậm chí bị buộc phải nghỉ hưu và từ bỏ ngôi nhà của mình, vốn được đặt trong khuôn viên của đài quan sát. Maria tiếp tục làm việc nhưng các điều kiện ngặt nghèo đến khó hiểu cuối cùng buộc bà phải từ bỏ mọi công việc thiên văn trước khi qua đời vào năm 1720. Ba người con gái trong gia đình tiếp tục phần lớn công việc sau khi bà qua đời và hỗ trợ tích cực cho người anh trai Christfried - nhà thiên văn học bậc thầy.
24 nữ khoa học gia bị lãng quên vì lý do giới tính
Một góc triển lãm Invisibles i Ocultes Được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Barcelona từ ngày 14 cho tới hết tháng 5/2022, triển lãm Invisibles i Ocultes (tạm dịch những người không thể được nhìn thấy và bị giấu kín) đã tái hiện lại sự nghiệp của 24 nhà khoa học nữ từ Ai Cập thời cổ đại cho đến Vương quốc Anh thế kỷ 21. Danh sách này bao gồm những cái tên nổi bật như Tapputi Belatekallim - nhà hóa học đầu tiên trong lịch sử hay bác sĩ Hy Lạp chuyên về thai nghén (thế kỷ 4 trước Công nguyên), mẹ của thuật giả kim - Mary the Jewess (Ai Cập), một trong những nữ hộ sinh đầu tiên ở Tây Ban Nha - Francesca de Barcelona, nhà thực vật học Tây Ban Nha - Blanca Catalán de Ocón hay người phụ nữ đầu tiên phát hiện ra sao chổi, María Winkelman (Đức).
Triển lãm do Mireia Alcaine giám tuyển, đã góp phần tái hiện lại sự nghiệp của 24 nhà khoa học nữ trên thế giới từng bị lãng quên hay thậm chí bị xóa khỏi lịch sử khoa học vì lý do giới tính. Tôn vinh những người phụ nữ tiên phong trong triển lãm này chính là bước đi đầu tiên hướng tới sự thay đổi và sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học.
Theo Mireia Alcaine, phải mất nhiều năm hay hàng thế kỷ, chúng ta mới có thể phục hồi danh tiếng cho 24 nhà khoa học, nhờ chủ nghĩa xét lại lịch sử với quan điểm về giới bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 20 và đã đạt được động lực không thể ngăn cản trong thế kỷ 21. Là cá nhân dành nhiều năm thu thập thông tin về các nhà khoa học nữ bị lịch sử lãng quên, Mireia Alcaine khẳng định triển lãm này không thể mang lại tiếng nói cho tất cả các nhà khoa học nữ ẩn mình, bởi còn rất nhiều rất nhiều người chưa được biết tới. Và nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm kiếm, nhận dạng từng người và phải đặt họ vào đúng vị trí xứng đáng trong lịch sử khoa học.
Để chống lại sự phân biệt đối xử, Ngày Quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong Khoa học (11/2) đã được thành lập vào năm 2016 để tưởng nhớ và ghi nhận quỹ đạo của tất cả những phụ nữ đã đóng góp cho sự tiến bộ của khoa học và công nghệ. Tôn vinh những người phụ nữ tiên phong trong triển lãm này chính là bước đi đầu tiên hướng tới sự thay đổi và sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học. Giống như họ, bạn có thể trở thành nhà khoa học, bạn có thể trở thành bất cứ ai bạn muốn.