Mới đây, nhóm nhà khoa học của GS John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đã đưa ra danh sách "100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng" nhất trong năm 2022, xây dựng trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus được Elsevier công bố. Theo đó, TS. Lê Thái Hà xếp hạng 49.666 – là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách. TS. Thái Hà từng là một trong hai gương mặt nữ trong top 10 nhà kinh tế Việt Nam có nhiều nghiên cứu được xuất bản ở các tạp chí quốc tế theo bảng xếp hạng của Dự án nghiên cứu kinh tế Repec.
Chân dung nữ TS. Lê Thái Hà. |
TS. Lê Thái Hà tốt nghiệp đại học và tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Trong thời gian học tại đây, Lê Thái Hà có thời gian hoàn thành luận án Tiến sĩ ngắn kỷ lục với thời gian là 2 năm và có kết quả điểm học các bộ môn coursework cao nhất khóa (4.92/5.0). Thành tích nghiên cứu xuất sắc về kinh tế năng lượng với hai bài báo được chấp nhận đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Lĩnh vực này đã trở thành xu hướng quan tâm nóng bỏng trong một thập kỷ nay. TS. Lê Thái Hà hiện là Giám đốc điều hành của Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture. Trước đó, TS. Thái Hà đã có gần 3 năm kinh nghiệm làm Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên Cao cấp tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) và 7 năm kinh nghiệm làm Giảng viên Cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam. Chuyên ngành nghiên cứu của TS. Thái Hà gồm kinh tế năng lượng, kinh tế môi trường và kinh tế ứng dụng.
Trong gần một thập kỷ đầu sự nghiệp, TS. Thái Hà tập trung phát triển đam mê nghiên cứu trong không gian học thuật chuyên môn của mình với các bài báo khoa học công bố xuất bản quốc tế đa dạng. Sự nghiệp của Thái Hà chuyển sang bước ngoặt mới sau khi trở thành chủ biên của tạp chí quốc tế Fulbright Review of Economics and Policy (FREP) của Đại học Fulbright xuất bản trên hệ thống của NXB Emerald Group Publishing (Anh). Tạp chí FREP là nền tảng xuất bản nghiên cứu kết nối cộng đồng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chính sách, học giả quốc tế trong không gian nghiên cứu đối thoại cởi mở do Fulbright khởi xướng. FREP hoạt động theo cơ chế bình duyệt để xuất bản các bài viết, nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm có chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế và chính sách công.
Trong năm đầu xây dựng tạp chí, TS. Thái Hà gặp vô vàn khó khăn. Cô thất bại nhiều lần trong việc liên hệ, tìm nhà xuất bản phù hợp, tìm hiểu các quy trình pháp lý quốc tế về xuất bản nghiên cứu quốc tế, tổ chức hội đồng biên tập xuất bản… Nhưng sức ép lớn nhất đó là việc quy tụ được các nhà nghiên cứu và xây dựng được chất lượng của tạp chí như kỳ vọng. Điều khích lệ là dù FREP là cái tên mới trong cộng đồng xuất bản nghiên cứu học thuật quốc tế, nhưng một Hội đồng Biên tập gồm những nhà khoa học, học giả tên tuổi ở các trường đại học uy tín hàng đầu trên thế giới và ở Hoa Kỳ nhận lời làm thành viên cố vấn cho tạp chí.
TS. Lê Thái Hà (phải) và TS. Lê Việt Phú trong một buổi hội thảo. |
Tính đến nay, TS. Thái Hà đã công bố khoảng 60 bài báo nghiên cứu khoa học trên các tạp chí học thuật quốc tế uy tín, bao gồm nhiều tạp chí hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế ứng dụng, kinh tế năng lượng và môi trường. Theo xếp hạng của các chuyên gia thuộc Đại học Stanford được đăng trên tạp chí khoa học PLoS Biology vào năm 2021, TS. Thái Hà có tên trong top 1% các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong tất cả lĩnh vực khoa học và là nhà nghiên cứu nữ người Việt duy nhất ở trong xếp hạng này. TS. Lê Thái Hà cũng là thành viên trẻ nhất (và là nữ duy nhất) của Ủy ban Khoa học kinh tế nhiệm kỳ 2022-2024 của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ngoài ra, TS. Thái Hà còn là nhà phê bình độc lập cho chương trình Khoa học Xã hội và Nhân văn Vici thuộc Chương trình Tài năng NWO, Hội đồng Nghiên cứu Hà Lan (NWO).
Du luôn bận rộn nhưng TS. Thái Hà coi việc làm nghiên cứu là một cách để thư giãn, giải tỏa những áp lực trong công việc và cuộc sống. Nữ TS trẻ xác định không có thành công nào dễ dàng. Đằng sau những bài báo công bố xuất bản thành công là rất nhiều bài nghiên cứu gửi đi thất bại, bị từ chối. Bởi vậy, TS. Thái Hà định nghĩa công thức thành công trong nghiên cứu khoa học của mình là nhờ sự chăm chỉ và cần mẫn theo đuổi đam mê.