Sương Nguyệt anh |
Ngày 01/02/2023, Google Doodle đã tôn vinh bà Sương Nguyệt Anh là nữ tổng biên tập của đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp của một cây bút tài hoa, tưởng nhớ nữ sĩ tiên phong trong công cuộc đấu tranh, khẳng định vị thế phái nữ.
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê (theo "Nguyễn chi thế phổ"), nhưng tên ghi trên bia mộ lại là Nguyễn Ngọc Khuê, tự là Nguyệt Anh.
Bà sinh ngày 1 tháng 2 năm 1864 (Giáp Tí) tại An Bình Đông (nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Bà là con thứ tư của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và bà Lê Thị Điền (người làng Thanh Ba thuộc huyện Cần Giuộc), cho nên trong gia tộc thường gọi bà là Năm Hạnh.
Cuộc đời nhiều đau thương, mất mát của nữ sĩ tài hoa
Lớn lên giữa cảnh nước mất, nhà tan, lại được sự giáo dục kỹ lưỡng của người cha danh tiếng, khí tiết lẫy lừng Gia Định, Sương Nguyệt Anh không chỉ sớm nổi danh cả về tài sắc lẫn đức hạnh, mà còn có bản lĩnh hơn người và luôn nuôi ước vọng tạo nên “một sự nghiệp”.
Được cha (Đồ Chiểu) truyền dạy nên Sương Nguyệt Anh và chị là Nguyễn Thị Xuyến đều giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Sương Nguyệt Anh cũng thường làm thơ bằng chữ Hán hay quốc ngữ để bày tỏ tâm sự trước cảnh lầm than đau khổ của nhân dân. Như nhân chuyến tuần du của vua Thành Thái vào Sài Gòn, bà có viết bài “Thành Thái nghị Yến Sài Gòn”:
“Ngàn thu nay gặp hội minh lang,
Thiên hạ ngày nay chí mở mang
Tấc đất ngọn rau tràn dưới mắt,
Đài cân bầu nước chật ven đàng!
Vui lòng thánh đế nơi xe ngựa
Xót dạ thần dân chốn lửa than
Nước mắt cố cùng, trời đất biết
Biển dâu một cuộc nghĩ mà thương”.
Lời thơ nhắc nhở, vua trong lúc bên yến tiệc xa hoa, ngựa xe đón rước, chớ quên dân chúng trong tay giặc, lầm than, nghèo đói, lam lũ. Ngôn từ kín đáo mà nghĩa khí tràn đầy của nữ sĩ khiến nhiều đấng nam nhi đương thời cũng khó bề sánh nổi...
Năm 1888, Đồ Chiểu mất, khi đó Sương Nguyệt Anh 24 tuổi. Tri phủ Ba Tường - ông Phủ Xuyên có đến hỏi bà làm vợ nhưng không được bà chấp thuận nên đem lòng oán hận. Để tránh tai họa, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển tới Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, bà kết duyên với một phó tổng sở hiền lành, góa vợ tên Nguyễn Công Tính (có sách ghi Nguyễn Công Trinh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Công Tín), sau đó sinh được cô con gái là Nguyễn Thị Vinh.
Nhưng khi con gái bà vừa lên 2, lên 3 thì ông Tính (chồng bà) mất, khi đó Sương Nguyệt Anh mới 30 tuổi. Nhiều người mong bà tục huyền nhưng là người có học, nho nhã, bà thêm chữ “Sương” (Sương trong nghĩa sương phụ là người đàn bà goá) ở trước tên hiệu để tỏ rõ ý chí thủ tiết thờ chồng nuôi con.
Nữ chủ bút tiên phong đòi bình quyền nam nữ, chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà.
Năm 1917, bà Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ yêu nước mời làm chủ bút tờ "Nữ giới chung" (Tiếng chuông của nữ giới). Đây là là tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam được xuất bản tại Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX. Tờ báo có chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương, đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội.
Được mời làm chủ bút, trước khi xuất bản, Sương Nguyệt Anh đã tìm gặp và bàn bạc việc mở tờ nữ báo với Nguyễn Quyền - một người Duy tân đã cùng với Lương Văn Can mở trường Đông kinh Nghĩa thục ở Hà Nội, khi ông đang bị đày an trí tại Mỹ Tho. Bà muốn tìm hiểu và học hỏi cách làm của nhữngngười quan tâm đến vận nước ở Hà Nội - một cách “mượn gậy ông đập lưng ông” của các sĩ phu Bắc Hà. Khi Nữ Giới Chung ra đời, Sương Nguyệt Anh đã biết vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt những gì các văn thân Đông kinh Nghĩa thục đã từng làm ở Hà Nội. Khi Nữ Giới Chung đã xuất bản đều đặn, Sương Nguyệt Anh vẫn giữ quan hệ mật thiết với Nguyễn Quyền, Vũ Hoành. Giữa họ luôn có sự bàn bạc, bằng mọi cách để tờ báo đi theo hướng có lợi nhất.
Bà là người đặt tên, định ra tôn chỉ cho tờ báo và trên cương vị chủ bút, bà cũng trực tiếp viết bài đăng trên Nữ Giới Chung.
Lời tựa đầu của nữ chủ biên Sương Nguyệt Anh nêu rõ lý do lựa chọn tên báo là "Nữ giới chung". Ảnh: Bảo tàng lịch sử Việt Nam. |
Trong số đầu tiên xuất bản ngày 1/2/1918, bà chủ bút nói rõ mục đích của tờ báo là truyền bá chữ Quốc ngữ, nâng cao luân lý, dạy cách sống hằng ngày, chú trọng đến thương mại và tiểu công nghệ, tạo sự tiếp xúc giữa những con người với nhau…
Xuyên suốt 22 số báo, nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh dành trọn cả tài năng và tâm huyết của mình lên tiếng đòi nam nữ bình quyền, vận động giới phụ nữ hãy học hành, đấu tranh được ngang hàng với nam giới...; lấy những gương sáng của phụ nữ các nước tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ để khuyến khích chị em, góp phần làm chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà.
Trong một bài bàn về nữ quyền, bà Sương Nguyệt Anh viết:
“Thời thế bể dâu, cục diện đã khác...
Ngày nay ngọn sóng Âu tràn qua Nam Hải, các khoa học mênh mông, công nghệ thế ấy, học thuật thế kia. Trông người mà ngẫm đến ta, tình cảm buồn mà không buồn, lại buồn cảnh bông tàn trăng khuyết, lý tưởng làm sao mà lạ vậy?
Kìa ta mở cặp mắt ngó ra Hoàng Hải, người Âu Mỹ làm thầy giáo cũng đàn bà, mà thầy Kiện cũng đàn bà, trong tay sẵn có một nghề, không phải nương nhờ người nam tử. ấy cái học người ta như thế, há như người mình không bệnh mà rên!
Chị em ơi!... Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam giới thì (chẳng những) việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng, tình thế trong ngoài cũng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng”
Những tư tưởng của bà so với đương thời, thật tiến bộ, văn chương mạnh mẽ, như những lời kêu gọi của Đông Kinh nghĩa thục và phong trào Duy Tân thời ấy.
Bà cũng cho đăng nhiều bài thơ đề cao tinh thần quật khởi của các nữ anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu hoặc đăng những bài thơ đề cao nữ quyền; đăng những bài thơ khuyên thanh niên Việt Nam không nên đi lính cho Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918, trong đó có thể kể đến bài Chinh Phụ thi của Sương Nguyệt Ánh:
Đình thảo thành hào liễu hữu ty,
Chinh phu hà nhật thị quy kỳ
Bán liêm tàn nguyệt thương tâm dạ
Nhất chẩm đề quyên lạc lệ thi
Tái bắc vân trường cô nhạn ảnh
Giang nam xuân lạc lạo nga my
Tái lai cử đệ tương tư mộng,
Tằng đáo quân biên tri bất tri?
Thơ Chinh Phụ
Cỏ rạp sân thềm liễu rủ tơ,
Chàng đi bao thuở lại quê nhà?
Nửa đêm trăng xế, lòng ngao ngán,
Chiếc gối quyên gào lụy nhỏ sa.
Ải Bắc mây giăng che bóng nhạn,
Vườn Xuân nắng tắt rẻ mày nga
Nhớ nhau mấy lúc chiêm bao thấy
Ngàn dặm lang quân biết chẳng là?
Mặc dù ngòi bút của Sương Nguyệt Anh vô cùng nhuần nhị, khéo léo nhưng tầm ảnh hưởng của tờ tuần báo “Nữ giới chung” đã khiến mật thám Pháp e ngại. Cuối cùng, vào tháng 7/1918, tờ báo đã bị chính quyền thuộc Pháp buộc đình bản sua gần một năm hoạt động. Cũng trong năm ấy, con gái độc nhất của bà (Nguyễn Thị Vinh) vừa sinh nở xong ngã bệnh qua đời.
Những năm cuối đời, Sương Nguyệt Anh dẫn cháu ngoại trở về Mỹ Chánh Hoà (Ba Tri), nương náu nơi nhà người em út tên là Nguyễn Đình Chiêm để chạy chữa đôi mắt, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đôi mắt bà bị mù lòa hẳn. Từ đấy, sớm chiều bà lại tiếp tục dò dẫm bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn. Sáng sớm 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (tức ngày 9/1/1922), do sức khỏe quá yếu, Sương Nguyệt Anh trút đã hơi thở cuối cùng, thọ 58 tuổi.
Mộ Nguyễn Đình Chiểu (giữa), mộ vợ ông (phải), phía ngoài bên trái là mộ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh tại Khu di tích nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: baotanglichsu.vn |
Dành cả cuộc đời đấu tranh cho phụ nữ, phụng sự đất nước, nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh đã để lại trong tâm trí người Việt Nam hình ảnh đẹp về một nhà thơ đa tài và một người tiên phong trong công cuộc đấu tranh vì quyền lợi, địa vị của phụ nữ Việt Nam. Những năm đầu thế kỷ XX, tên tuổi của bà được nhắc đến trên nhiều văn đàn ở Nam Bộ. Ngày nay, tên bà được đặt cho một con đường ở quận I và một ngôi trường ở quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước khi được vinh danh vào ngày 01/02/2023, tên tuổi của bà cũng nằm trong danh sách những người phụ nữ tiên phong của nhân loại do Google Doodle liệt kê.