GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu |
Học giỏi để khẳng định giá trị bản thân
Bất cứ ai tiếp xúc với bà cũng cảm nhận được bầu nhiệt huyết, đam mê và cả sự bộc trực của một người con xứ Quảng. Lên cấp ba, tập kết ra miền bắc, học tiếp hết cấp III ở trường Trung học Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), rồi học Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956), với bộn bề khó khăn, cô nữ sinh Trân Châu tự nhủ kiến thức luôn là vốn quý nhất và phải gắng học thật giỏi để khẳng định giá trị bản thân. Thích học toán, nhưng với sự truyền lửa trong giờ sinh học của thầy giáo cấp III khiến tình yêu với bộ môn này lớn dần. Những ứng dụng thiết thực trong đời sống, nhất là những bài thuốc chữa bệnh từ cỏ cây, hoa lá càng thôi thúc khát khao khám phá.
Bí quyết học tốt chính là sự chuyên cần, ham học hỏi ở mọi nơi, mọi lúc; tập trung nghe giảng trên lớp, đọc thêm sách, tài liệu. Môn sinh học với thế giới động, thực vật phong phú về họ, loài đòi hỏi nắm chắc nhiều đặc tính, công thức, số liệu cũng không làm khó được cô trò chăm ngoan, biết khai thác thế mạnh là khả năng tổng hợp, tự hệ thống kiến thức bằng sơ đồ, bảng biểu để hàng ngày nghiền ngẫm cho dễ nhớ. Càng học càng say mê, càng nhanh tiến bộ.
Ra trường cô nữ sinh trong top đầu của khóa học được chọn giữ lại trường, làm cán bộ giảng dạy ở khoa Sinh học. Ước mơ cháy bỏng bấy lâu trở thành hiện thực. Bản tính vốn cầu toàn, trong những buổi đầu, nữ giảng viên trẻ chọn con đường “chậm mà chắc”, giảng thử từng chương, cần mẫn học hỏi từ những người đi trước, các đồng nghiệp, sách vở, thực tiễn, khi tích lũy đủ kinh nghiệm và tự tin cả về kiến thức và cách truyền đạt mới chính thức đứng lớp.
May mắn trong cuộc đời Trân Châu là có cơ hội được học nhiều thầy giáo, nhà khoa học chân chính luôn yêu nghề, mến trò. Họ không chỉ truyền thụ kiến thức, phương pháp, niềm say mê khoa học mà cả cách đối nhân xử thế và đạo đức nghề nghiệp. Con đường theo đuổi nghiên cứu sau này được phát khởi từ Giáo sư Trương Long Tường, Phó Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) - một người thầy khả kính, luôn tận tình chỉ dạy trong một năm bà thực tập khoa học tại trường. Sự quan tâm còn thể hiện qua từng cử chỉ. Cuối ngày đông học trò xếp hàng chờ đợi, thầy luôn ưu tiên cho cô nghiên cứu sinh ngoại quốc, để đỡ mất phần cơm ở ký túc xá nếu lỡ về muộn. Khả năng tự học, tự nghiên cứu cũng được phát huy dần trong 7 năm học ở Ba Lan: học tiếng Ba Lan, làm và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ rồi Tiến sĩ Khoa học. Ba năm để hoàn thành luận án đúng hạn theo yêu cầu của Tiến sĩ Khoa học quả thật rất vất vả, phải bám riết phòng thí nghiệm từ sáng đến tận đêm khuya, nhiều ngày chỉ ngủ 3 giờ. Điều bà trân quý nhất là được các giáo sư, cố vấn khoa học đào tạo, hướng mình trở thành nhà khoa học có khả năng làm việc độc lập; tổ chức, đứng đầu, hướng dẫn nhóm nghiên cứu.
Tìm niềm vui trong công việc
Dù đã ngoài 80, nhưng GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cống hiến hết mình cho công việc và lãnh đạo Hội Nữ trí thức |
Kiến thức, kinh nghiệm quý báu học hỏi, tích lũy được ở nước ngoài cùng ý chí phấn đấu hết sức mình đã mang đến thành công. Trở về nước, bà làm bạn với cây dứa - nguyên liệu rẻ tiền và dễ kiếm với phương thức nghiên cứu mang đậm bản sắc dân Tổng hợp: đi từ những vấn đề rất cơ bản. Sau nhiều ngày miệt mài cùng sinh viên, cộng tác viên làm thí nghiệm, phân tích hàm lượng proteinaza (enzyme phân giải protein) trong từng bộ phận của cây/quả/lá dứa để so sánh, cuối cùng đã phát hiện được chồi ngọn dứa là nguyên liệu kinh tế nhất để thu nhận proteinaza từ dứa. Chế phẩm này đã được ứng dụng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống thường nhật như đánh tan da chết, tan cặn bã trong răng, làm nước mắm ngắn ngày, chế biến bột cá từ cá tạp, tẩm ướp làm mềm thịt bò để “nâng cấp” thịt… Tìm ra cái mới đã vui sướng, kết quả nghiên cứu được ứng dụng hạnh phúc càng gấp bội. Và đó cũng là cách để bà trả ơn đời, đáp lại công lao đào tạo của Nhà nước, nhà trường, những tấm thịnh tình đã giúp đỡ mình trước đây. Một lần vào Viện bỏng quốc gia, chứng kiến cảnh thương binh kêu gào đau đớn khi thay băng, do gạc băng dính chặt vào mủ ở vết thương, bà suy tư trăn trở rồi phối hợp với xí nghiệp dược phẩm chế kem vô trùng có chứa proteinaza sẽ làm loãng mủ ở vết thương, thay băng sẽ dễ dàng hơn, ít đau đớn. Được Giám đốc Viện bỏng quốc gia Lê Thế Trung khích lệ, tạo điều kiện, bà phối hợp với Viện để thử nghiệm chế phẩm này trên bệnh nhân, kết quả thật rõ ràng.
Với tâm niệm nghiên cứu không phải chỉ để công bố, mà quan trọng nhất là cống hiến phục vụ cộng đồng, bà và cộng sự đã nghiên cứu quy trình thích hợp để sử dụng proteinaza của dứa thủy phân các loại protein khác nhau thành các sản phẩm có khối lượng phân tử thấp mà theo tài liệu là dễ hấp thu nhất, để làm bột dinh dưỡng cho trẻ em. Sản phẩm “bột dinh dưỡng cao cấp” ngon, bổ, rẻ được sử dụng ở nhiều tỉnh thành đã góp phần phục vụ chương trình phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em thời bấy giờ. Nhiều doanh nghiệp trân trọng và biết ơn bà bởi sự trợ giúp tận tình trong nghiên cứu, sản xuất nhiều sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Những nghiên cứu từ thực tiễn cũng bổ trợ cho các bài giảng sinh động, hấp dẫn sinh viên hơn. “Dạy học vốn là một nghề, đòi hỏi người dạy phải vững kiến thức, giỏi truyền thụ, luôn chịu khó tìm tòi làm mới mình, tránh trở thành máy nói, dạy chay đơn điệu. Thầy giỏi mới có trò hay” – bà trải lòng.
Giới khoa học trân trọng sức bền của bà lão tuổi cao mà đam mê công việc chẳng thua kém cánh trẻ. Cũng bởi, bà thích học từ nhỏ, học mà không thấy mệt, thấy khổ. Không ít người thắc mắc “có thời điểm bà đảm nhiệm nhiều công việc, quá bận rộn, làm sao có thể chu toàn tất cả”, bà cười hiền đáp “ngày có 24 tiếng, phải biết sắp xếp công việc hợp lý và đành… bớt giờ nghỉ ngơi, giờ ngủ”. Có những ngày đến 9 giờ tối mới rời phòng thí nghiệm, ăn tối qua loa, cũng là chuyện thường tình. Hai khóa là đại biểu Quốc hội (khóa IX và X), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội khóa X, bà học được thêm nhiều điều về xã hội ở tầm vĩ mô. Ở Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam từ khóa IV đến nay, bà là Phó Chủ nhiệm và hiện nay là Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học - Giáo dục và Môi trường, khóa VIII. Trong bà lúc nào cũng đau đáu những nỗi niềm trăn trở về tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận thầy và trò, chân giá trị hình như đã thay đổi khi đồng tiền trở thành thước đo, hệ lụy của ô nhiễm môi trường ....
Là NTT tiêu biểu, là tác giả và đồng tác giả của hàng chục đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, nhiều công trình được công bố trong và ngoài nước, nhiều sách giáo trình/ sách tham khảo chuyên ngành được xuất bản, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu đã được trao giải thưởng Kovalevskaia (1988). Bà luôn quan tâm bảo vệ quyền lợi của chị em, cố gắng tạo điều kiện cho thế hệ kế cận phát triển, cống hiến. Thế nên, dù đã ở tuổi ngoài thất thập, khi được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội NTT Việt Nam, bà không quản ngại xông pha. Những buổi “vạn sự khởi đầu nan” khó khăn cả kinh phí và cơ sở vật chất, bà cùng một số chị tâm huyết nhất, xoay xở tìm kinh phí sửa sang phòng làm việc, mua sắm những thứ cần thiết của một văn phòng..., rồi xin hai dự án của Bộ Khoa học công nghệ để có kinh phí hoạt động nghiên cứu, quảng bá kết quả của NTT, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Vóc dáng bé nhỏ, xinh đẹp, nền nã... nhưng đầy quyết đoán trong công việc. Những ai từng gặp bà đều biết, bà là một phụ nữ đặc biệt, rất khó có thể gặp người thứ 2 như thế trong đời.