Với những thành tựu đã đạt được và những cống hiến to lớn cho cộng đồng, bà từng được đề cử giải Nobel Hòa bình.
GS.TS Lê Thị Quý sinh năm 1950 trong một gia đình theo Nho học. Lớn lên khi đất nước vẫn còn chiến tranh nên bà có ý thức tự lực và luôn nỗ lực vượt khó. Sau thời gian sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh và nhận bằng Tiến sĩ tại Viện hàn lâm khoa học năm 1989, khi về nước bà được phân công làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Khoa học và Phụ nữ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ (Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam) và bắt đầu nghiên cứu về nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình. Năm 1996, cùng với một số nhà nghiên cứu Hà Lan, Campuchia, Thái Lan, GS.TS Lê Thị Quý là người đầu tiên triển khai dự án về Phòng chống buôn bán phụ nữ qua biên giới ở Việt Nam. Kết quả của dự án là công trình Các vấn đề về buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới xuất bản năm 2000. Ngay sau đó, đề tài về nạn buôn bán người được đưa lên bàn thảo luận tại nhiều hội thảo chính thức cấp quốc gia và quốc tế. Đồng thời, kế hoạch bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân của nạn buôn bán người hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống bắt đầu được đặt ra trong toàn xã hội.
GS.TS Lê Thị Quý - người dành tâm huyết cho cuộc chiến phòng và chống bạo lực gia đình ở Việt Nam. Ảnh: sow.ussh.vnu.edu.vn |
Nhờ những nghiên cứu tiên phong và gây tiếng vang về bình đẳng giới tại Việt Nam, ngay từ năm 1992, bà được UNESCO, UNIFEM và nhiều quốc gia mời tham dự hội thảo, nghiên cứu, thuyết trình, được Quỹ Fulbright mời giảng tại trường đại học Clark (bang Massachusetts) của Mỹ. Năm 2005, bà là một trong số 1000 phụ nữ trên thế giới được đề cử giải Nobel hòa bình. Cho đến nay, bà là học giả uy tín và quen thuộc của Việt Nam tại nhiều diễn đàn, sự kiện khoa học quốc tế về các chủ đề Giới, Nữ quyền, Công tác xã hội… Bà trở thành nữ giáo sư đầu tiên của ngành xã hội học vào năm 2010. Hiện GS.TS Lê Thị Quý phụ trách bộ môn công tác xã hội ở Đại học Thăng Long.
GS.TS Lê Thị Quý còn có tiếng nói đóng góp quan trọng xây dựng Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và các luật khác liên quan đến Giới như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình. Trong bối cảnh khoa học nghiên cứu về gia đình ở nước ta còn khá mới mẻ, công trình Gia đình học (NXB Lý luận Chính trị, 2007; tái bản năm 2009) - do GS Lê Thị Quý cùng GS Đặng Cảnh Khanh thực hiện - là cuốn sách đầu tiên đưa ra khái niệm Gia đình học với tính cách là một môn khoa học chuyên ngành ở Việt Nam. Cuốn sách được đánh giá là một công trình khoa học công phu, đã hệ thống hoá một cách bài bản các nghiên cứu về Gia đình học trên thế giới và Việt Nam; đồng thời đưa ra và phân tích nhiều tư liệu có giá trị về thực trạng gia đình Việt Nam trong xã hội phong kiến cho tới thời hiện đại mà các tác giả đã dày công nghiên cứu trong hơn 10 năm.
Gia đình ba nhà xã hội học - GS. Lê Thị Quý, GS. Đặng Vũ Khiêu, GS. Cảnh Khanh (hàng đầu tiên, lần lượt từ trái qua). Ảnh: phunuonline.com.vn |
Nhưng điều mà GS.TS Lê Thị Quý được nhiều người nể phục nhất là việc đặt nền móng cho các mô hình phòng chống bạo lực gia đình ở nhiều địa phương. Ba tập trung nghiên cứu bạo lực gia đình ở một số tỉnh như Thái Bình, Phú Thọ, Nam Định… theo lựa chọn ngẫu nhiên. Với sáng kiến lập mô hình với một chuỗi hoạt động ngay tại cộng đồng, dùng chính sức mạnh của cộng đồng giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Đầu tiên là tập huấn cho cán bộ xã, cán bộ thôn, cán bộ các hội, đoàn và cả những người dân có uy tín trong làng, trong xóm. Lập một ban quản lý, mời phó chủ tịch UBND xã đứng ra làm trưởng ban; sau đó là trưởng công an xã, rồi cả một bộ máy lãnh đạo của xã cùng vào cuộc… Từ đó, các tổ nhóm như “đường dây nóng”, “đội can thiệp nhanh”, “địa chỉ tin cậy”… lần lượt ra đời và nhanh chóng phát huy hiệu quả tích cực. Những mô hình này không những giúp nhiều cặp vợ chồng hàn gắn được vết thương đổ vỡ mà còn phát huy được cả tình làng nghĩa xóm. Sau này, khi Luật phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành (2007), những địa chỉ tin cậy trong dự án của GS.TS Lê Thị Quý đã được lấy làm điển hình để phát triển trong các cộng đồng.
Với GS.TS Lê Thị Quý, phụ nữ thiệt thòi do tư tưởng phu quyền đã bén rễ sâu trong ý thức hệ của người Việt Nam. Để thay đổi được thì chính người phụ nữ phải thay đổi nhận thức về mình, không nên biến mình thành nô lệ trong chính ngôi nhà mình ở. Chính vì vậy, khát vọng xây dựng những ngôi làng bình yên cho phụ nữ luôn là tâm niệm của GS.TS Lê Thị Quý và bà sẽ vẫn tiếp tục cống hiến cho khát vọng ấy.