Ngày 13/10/2021 tại Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã trao tặng Giải thưởng di sản cho bà Henrietta Lacks (một người phụ nữ da màu) vì đã góp phần tạo bước đột phá lớn về y dược hiện đại.
Nhưng trong nhiều năm qua cộng đồng khoa học toàn cầu từng giấu giếm chủng tộc của Henrietta Lacks và câu chuyện thực sự về bà. Đại diện WHO cho rằng đây là một sai lầm lịch sử mà sự công nhận là cách để sửa chữa điều ấy. “Điều xảy ra với Henrietta Lacks là sai lầm. Cô đã bị lợi dụng và là một trong nhiều phụ nữ da màu có cơ thể của họ bị ngược đãi bởi khoa học. Cô đã đặt niềm tin và hệ thống y tế để được điều trị. Nhưng hệ thống này lại tước đi một thứ từ cơ thể Henrietta Lacks mà chưa được sự đồng thuận của cô”. Ông Tedros chia sẻ.
“Đây cũng là cơ hội để công nhận phụ nữ - đặc biệt là phụ nữ da màu - những người đã có những đóng góp đáng kinh ngạc cho khoa học y tế nhưng thường không thể thấy được”. Ông Tedros cho biết:
Đóng góp của Henrietta Lacks cho y học
Henrietta Lacks là một nữ nông dân người Mỹ gốc Phi trồng thuốc lá tại Virginia. Năm 1951, Henrietta Lacks đến khám tại Bệnh viện Johns Hopkins do xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo kéo dài. Khi khám, bác sĩ Howard Jones đã phát hiện ra một khối u ác tính lớn trên cổ tử cung của cô.
Sau đó, bà Lacks bắt đầu trải qua các đợt điều trị ung thư cổ tử cung bằng radium. Đây là phương pháp điều trị y tế tốt nhất vào thời điểm đó cho căn bệnh khủng khiếp này. Một mẫu tế bào ung thư của cô ấy được lấy trong quá trình sinh thiết đã được gửi đến phòng thí nghiệm mô của Tiến sĩ George Gey, mà không thông qua sự đồng ý của bà. Mặc dù bà Lacks cuối cùng đã qua đời vào ngày 4 tháng 10 năm 1951, ở tuổi 31, các tế bào của bà vẫn tiếp tục tác động đến thế giới.
Tiến sĩ Gey là một nhà nghiên cứu ung thư và virus học nổi tiếng. Ông đã thu thập các tế bào từ những bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung đến từ Bệnh viện Johns Hopkins trong nhiều năm, nhưng các mẫu tế bào ông thu thập đều nhanh chóng chết trong phòng thí nghiệm. Kỳ lạ thay, các tế bào của bà Lacks không giống với bất kỳ tế bào nào mà ông từng thấy, chúng không hề bị chết ngược lại còn nhân đôi sau mỗi 20-24 tiếng đồng hồ.
Điều này đã giúp các nhà khoa học có được các tế bào “bất tử” đầu tiên. Chúng có thể được nhân bản vô hạn, được trữ lạnh trong nhiều thập niên, phân tách và được các nhà khoa học chia sẻ với nhau. Những tế bào ấy được đặt tên là “HeLa”, ghép từ hai chữ cái đầu tiên của họ và tên của Henrietta Lacks.
Các tế bào HeLa (bên phải) và "mẹ đẻ" Henrietta Lacks |
Tế bào HeLa đã trở thành viên gạch nền móng cho y dược hiện đại, cho phép tạo ra những đột phá khoa học khôn lường như vaccine ngừa virus gây u nhú ở người (HPV), vaccine bại liệt, thuốc điều trị HIV, ung thư cổ tử cung, và gần đây nhất là nghiên cứu quan trọng về COVID-19.
Giải thưởng được trao cho Lawrence Lacks, con trai 87 tuổi của bà Henrietta Lacks, tại văn phòng WHO tại Geneva. Ông Lacks đi cùng với một số cháu nội, chắt và các thành viên khác trong gia đình của Henrietta Lacks.
“Chúng tôi rất xúc động khi nhận được sự công nhận lịch sử này đối với mẹ tôi, Henrietta Lacks. Những đóng góp của mẹ tôi, từng được giấu kín, giờ đây đang được tôn vinh một cách xứng đáng vì tác động toàn cầu của nó ” ông Lawrence Lacks cho biết. “Mẹ tôi là người cống hiến cho cộng đồng, giúp những người khác sống một cuộc sống tốt hơn và quan tâm đến người khác. Ngay cả sau khi chết, bà ấy vẫn tiếp tục giúp đỡ thế giới. Di sản của bà vẫn tồn tại trong chúng tôi và chúng tôi cảm ơn bạn đã nhắc tới tên của bà - Henrietta Lacks . "
Ông Lawrence Lacks, con trai 87 tuổi của bà Henrietta Lacks nhận giải thưởng Di sản tại văn phòng WHO. |
Năm vừa qua, đánh dấu 100 năm kỷ niệm ngày sinh của Henrietta Lacks', trùng với năm WHO đẩy mạnh chiến lược toàn cầu nhằm thúc đẩy việc loại bỏ ung thư cổ tử cung. Chiến dịch lịch sử này đánh dấu lần đầu tiên tất cả các Quốc gia thành viên của WHO cùng quyết tâm loại bỏ căn bệnh ung thư quái ác này.
Những thành viên còn lại trong gia đình của bà Henrietta Lacks cũng tham gia với WHO trong việc vận động bình đẳng trong việc tiếp cận với vắc-xin HPV, loại vắc-xin phòng chống một loạt bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư cổ tử cung. Mặc dù đã được WHO kiểm định chất lượng hơn 12 năm trước, những hạn chế về nguồn cung và giá cả cao vẫn khiến trẻ em gái ở các nước có thu nhập thấp và trung bình không thể tiếp cận đủ liều lượng.
Tính đến năm 2020, ít hơn 25% các quốc gia có thu nhập thấp và dưới 30% các quốc gia có thu nhập trung bình thấp được tiếp cận với vắc-xin HPV thông qua các chương trình tiêm chủng quốc gia của họ, so với hơn 85% các quốc gia có thu nhập cao.