Họa sĩ Đặng Thị Khuê kể, đến nay bà có hai lần rùng mình. Sinh năm 1946 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức theo cách mạng, quê gốc Nam Định. Năm 1966, bà tốt nghiệp khóa Trung cấp, Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (Trường Mỹ thuật Đông Dương trước đây) rồi về công tác ở Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Thọ. Thời gian này chính là thời gian “cái rùng mình thứ nhất” đến với bà.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê. |
Đó là vụ việc nhiều chị em của một đơn vị nọ bị một tay giám đốc quấy rối tình dục. Tin tưởng chị Khuê là một người dũng cảm, có tiếng nói, các chị em đã gửi đơn tố cáo thông qua bà. Thế nhưng, đến khi thanh tra cấp trên xuống làm việc, tất cả các chứng cứ, đầu mối, đã bị kẻ vi phạm xóa sạch.
Trong cuộc họp đối diện với thanh tra cấp trên và các bên đối chứng, chỉ có một mình bà đại diện cho phía tố cáo, trong khi các tang chứng đều không còn. Nếu không chứng minh được hành vi của kẻ phạm tội, không chỉ các chị em thấp cổ bé họng sẽ tiếp tục bị trù dập, hành hạ, mà ngay bản thân bà cũng sẽ bị kỷ luật.
Bà kể, trước lúc phát biểu trong cuộc họp, bà rùng mình một cái rồi “tự nhiên như trở thành một con người khác”, bình tĩnh, kiên quyết trình bày các sự việc. Sau này nhớ lại, bà Khuê không nhớ được mình đã nói những gì để thuyết phục đoàn thanh tra. Nhưng cuối cùng, đoàn thanh tra đã đồng thuận với những lời trần tình đầy uy lực của bà, và kẻ phạm tội phải cúi đầu nhận kỷ luật đích đáng…
Tác phẩm sắp đặt trong triển lãm Tây Nguyên năm 2014 của họa sĩ Đặng Thị Khuê. |
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1976, năm 1978 bà được điều về Hội Mỹ thuật Việt Nam, nơi bà sẽ trở thành Thường vụ Ban Chấp hành, Trưởng ban sáng tác kiêm Chánh Văn phòng Hội. Nhưng đấy là về sau, trước đấy, mới được hai năm thì “cái rùng mình thứ hai” lại xảy ra.
Đó là tác phẩm của bà trong triển lãm toàn quốc 1980 (triển lãm quan trọng nhất trong lịch trình 20 năm mỹ thuật XHCN) bị quy kết là… trái với “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa”, có mầu sắc “trừu tượng” (ý là là theo phương pháp sáng tác của “tư bản”). Bấy giờ bị quy kết tư tưởng thì trở thành tội rất to. Lần này bà cũng phải một mình đối diện những mũi dùi quy kết này trong một cuộc họp của Bộ Văn hóa. Và bà đã nói để bảo vệ mình, bảo vệ tác phẩm thành công cũng sau một cái rùng mình, “thoắt nhiên trở thành một con người khác”.
Một trong những tác phẩm trong triển lãm sắp đặt của họa sĩ. |
Kết quả, tác phẩm năm 1980 ấy được chấm giải hạng nhất cùng các tác giả trẻ khác. Từ đó, cùng với các cộng sự nhiệt tâm, bà Đặng Thị Khuê đã lãnh đạo Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam trở thành nơi thu hút những tác giả hàng đầu của mỹ thuật cả nước từ năm 1984 tới 1989, xây dựng thành công sự nghiệp Đổi Mới trong mỹ thuật, có ảnh hưởng cho tới tận bây giờ. Bà cũng là đại diện duy nhất của mỹ thuật thời đó là Đại biểu Quốc hội (khóa VII).
Trong sáng tác, bà trở thành một tác giả nữ có tên tuổi của thời kỳ Đổi Mới và về sau, với phương châm đào sâu vào vốn nghệ thuật dân tộc, để mở rộng cánh cửa hiện đại đi ra thế giới. Ở tuổi 70, bà vẫn không ngừng nghỉ công việc sáng tạo trên nhiều lĩnh vực của nghệ thuật tạo hình, chẳng hạn như đạo diễn triển lãm sắp đặt “Mỗi làng một sản phẩm – OVOP Việt Nam” hồi tháng 12/2016 trước tượng đài Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội...
Tác phẩm trong triển lãm sắp đặt của họa sĩ Đặng Thị Khuê. |
Trong truyện cổ Grim, nhân vật chính đi qua cái gian giảo của con người, cái biến hóa của ma quỷ đều không biết sợ và chiến thắng bằng sự dũng cảm, thực thà của mình. Còn với họa sĩ Đặng Thị Khuê, bà “rùng mình” trưởng thành bởi trước hết là để bảo vệ con người, sau đó là bảo vệ niềm tin vào nghệ thuật. Đó là phẩm chất mạnh mẽ cá nhân, nhưng cũng luôn mang đầy nữ tính theo cách riêng của người phụ nữ, người chị, người mẹ Việt Nam…