Khởi nghiệp đến đâu thất bại đến đó
Theo Hoàng Tuấn Anh, 15 tuổi anh xa gia đình du học tại Australia. Mỗi sáng, anh dậy từ 5h sáng phụ người ta dọn hàng, bán hàng ngoài chợ trời đến tận 7h tối và chỉ được nghỉ 15 phút để ăn trưa. Ở nước ngoài mỗi người phải làm việc trung bình từ 12-14 giờ mỗi ngày là chuyện rất bình thường.
Anh cho biết khoảng thời gian sống tự lập tại nước ngoài việc gì anh cũng làm qua từ việc bồi bàn cho đến cọ rửa toilet. “Đối với tôi lao động chân chính là vinh quang. Tôi không phân biệt công việc sang hèn”.
Sau khi lên đại học, anh bắt đầu bán những sản phẩm điện tử trên mạng, nhờ đó anh tích lũy được khoản tiền kha khá và bắt đầu khởi nghiệp với dự án lắp đặt tấm cách nhiệt miễn phí cho các hộ dân của Chính phủ Australia. Với dự án này, trong thời gian ngắn anh đã kiếm được 2 triệu USD, nhưng sau đó chính phủ đột ngột dừng chương trình khiến anh mất trắng thậm chí còn tốn thêm kinh phí khá lớn để hủy số hàng mua dự trữ cho dự án.
Năm 2013, anh về Việt Nam và tiếp tục đầu tư 1 triệu USD vào Rubik Zoo tại Thảo Cầm Viên (quận 1). Đây là mô hình kinh doanh tái chế những container đã qua sử dụng thành khu mua sắm… Dự án gây tiếng vang khá lớn thời điểm bấy giờ nhưng cũng nhanh chóng thất bại.
Theo anh Tuấn Anh, mô hình kinh tế này phát triển khá tốt và hiệu quả trên thế giới vì nó tiết kiệm kinh phí và nguyên vật liệu cho dự án, nhưng vì mô hình còn quá mới với người Việt và họ chưa thích nghi.
Liên tục kinh doanh thất bại, tưởng chừng như gục ngã, nhưng mẹ anh đã luôn ở bên động viện thậm chí bà còn bán đất để hỗ trợ con trai tiếp tục khởi nghiệp. Chính tình yêu thương ấy đã giúp anh đứng dậy tiếp tục khởi nghiệp với dự án khóa điện tử PHGLock, thậm chí sau này là “ATM gạo”.
Câu chuyện đằng sau chiếc khóa điện tử
Nhiều người thắc mắc tại sao sau nhiều thất bại anh lại bắt đầu với khóa điện tử mà không là một lĩnh vực khác? Anh Tuấn cho biết trước đây khi sống ở nước ngoài đối diện với áp lực công việc nhưng anh lại tốn rất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm chìa khóa nhà. Nhanh thì 15 phút thậm chí là không tìm ra, rồi hình ảnh mẹ cầm trên tay cả chùm chìa khóa nặng trĩu quản lý chuỗi nhà trọ khiến anh suy nghĩ.
Điều này còn chưa kể nhiều khi đang họp hay chơi thì lại nhận điện thoại về mở cửa cho ba mẹ hay người thân dưới quê lên chơi. Hay đang chuẩn bị đi xem phim thì phải ngồi canh người lao công quét dọn nhà cửa xong để khóa cửa rồi mới đi.
Chủ nhà không làm chủ được ngôi nhà của mình mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố do dùng khóa cơ, khiến bạn thất thời gian cho những việc tưởng chừng như không có gì.
“Ở nước ngoài, thời gian là vàng bạc nên họ thiết kế rất nhiều thiết bị thông minh trong đó có khóa điện tử thì tại sao mình không đem về việt Nam?”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Cụ thể khóa điện tử có thể kết nối với điện thoại và thiết bị camera, bạn có thể đóng mở cửa, kiểm soát ngôi nhà của mình từ xa.
Anh Tuấn Anh nhận định, tiềm năng thị trường này còn khá lớn, khi thị trường khóa điện tử chỉ chiếm 0,1% chủ yếu nằm trong tay các công ty nước ngoài. Trong khi nhiều dự án bất động sản phát triển như vũ bão. Theo anh dự tính khoảng 10 năm sẽ bùng nổ các thiết bị thông minh, lúc đó khóa điện tử sẽ phát triển. Chính vì thế anh quyết định đi trước đón đầu thị trường khóa điện tử.
Vì khóa điện tử còn quá mới, trong khi đại đa số người dân dùng khóa cơ nên công ty anh Tuấn Anh phải tốn kinh phí và thời gian định hướng người dùng. Anh bỏ ra số tiền lớn để tặng miễn phí khóa điện tử cho các chủ tiệm bán khóa để họ trải nghiệm và giới thiệu người tiêu dùng.
Anh đánh giá đây là giai đoạn đầu tư không phải giai đoạn thu lợi nhuận. Trong khi các đơn vị khác ồ ạt bán khóa thì anh lại đầu tư cho hệ thống bảo trì, đào tạo nhân viên bán hàng, tư vấn và bảo hành sản phẩm …
Tuy nhiên khi mang khóa điện tử vào thị trường Việt Nam, công ty anh gặp không ít khó khăn. Tuổi thọ khóa điện tử nước ngoài từ 5-10 năm nhưng tại thị trường Việt Nam cứ 2-3 năm là hỏng. Tỷ lệ sản phẩm hư lên đến 20-30%. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến doanh thu cũng như uy tín và chất lượng của sản phẩm.
Để giải quyết bài toán này, công ty anh đã mất khá nhiều thời gian nghiên cứu và phát hiện vấn đề nằm ở cách sử dụng khóa của người Việt Nam khác hoàn toàn so với người nước ngoài. Người Việt thường dùng cửa 2 đến 3 bản lề trong khi nước ngoài phải đạt chuẩn 4 bản lề. Người Việt thường dùng cửa gỗ tự nhiên điều này khiến cửa dễ bị co giãn theo nhiệt độ, chưa kể khí hậu nóng ẩm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khóa.
Để giải quyết bài toán này anh đã sáng tạo ra máy kiểm tra cửa và phân loại công năng. Ví dụ tỷ lệ sử dụng khóa cửa phòng ngủ sẽ thấp hơn bệnh viện hay trường học nên sẽ chọn loại khóa phù hợp với từng công năng cửa với giá thành rẻ hơn rất nhiều.
Hiện tại, công ty khóa điện tử của anh Tuấn Anh có giá bán dao động từ khoảng 2 triệu đến 20 triệu đồng/cái với trên 2.000 điểm phân phối và thầu các dự án bất động sản nhờ ở, khu nghỉ dưỡng… Doanh thu đạt 100 tỷ đồng/năm. Trong tương lai, doanh nhân triệu đô này dự định lấn sân sang lĩnh vực nhà thông minh.
Sáng chế “ATM gạo” vì mẹ
Khi dịch bệnh xảy ra, ai cũng khó khăn, bản thân công ty của Hoàng Tuấn Anh cũng phải gồng gánh vượt qua đại dịch. Nhưng anh thấy những người dân nghèo, buôn gánh bán bưng đang chật vật kiếm ăn từng bữa là bị ảnh hưởng nhiều nhất, nên anh muốn giúp đỡ họ. Nhưng giúp như thế nào? giúp ra sao khi sức lực mình quá bé nhỏ.
Lúc đầu anh định làm băng chuyền vừa tránh tiếp xúc vừa chuyển gạo đến người dân nhưng chi phí cho băng chuyền thấp nhất cũng vài trăm triệu đồng. Sau nhiều đêm suy nghĩ anh quyết định dùng các thiết bị máy kiểm tra cửa sẵn có ở công ty để chế tạo ra một chiếc máy có thể phát gạo cho người dân đảm bảo đúng lệnh giãn cách.
Theo đó, máy hoạt động như cây ATM, chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động tuôn ra, mỗi lần được 1,5kg gạo, dành cho 2-3 người ăn trong khoảng 1 tuần. Không ngờ tiếng lành đồn xa, nhiều người đã chở gạo đến tặng ngày càng nhiều.
Sau “ATM gạo” anh tiếp tục sáng tạo thêm chiếc máy “ATM khẩu trang” để người lao động có khẩu trang bảo vệ mình giữa mùa dịch.
Hoàng Tuấn Anh cho biết, “ATM gạo” là món quà anh dành tặng mẹ. “Trong suốt quá trình khởi nghiệp thất bại nhiều hơn là thành công. Anh may mắn có một người mẹ luôn ở bên động viện, khích lệ mỗi khi vấp ngã nhưng khi bà mất vẫn chưa nhìn thấy con trai thành công.
"ATM gạo" không chỉ dành tặng cho những mảnh đời bất hạnh, tôi còn dành tặng chính người mẹ của mình, người luôn dạy tôi phải sống tử tế và lương thiện”.
HOÀNG TUẤN ANH
Liên tục mang những mô hình kinh tế mới về Việt Nam như Rubik Zoo, tìm những giải pháp trong chính công ty khóa điện tử và những bài toán mà xã hội đang cần: ATM gạo, khẩu trang… Hoàng Tuấn Anh cho biết anh rất thích cảm giác căng não giải những bài toán khó của xã hội.
“Tôi luôn muốn giải những bài toán làm thế nào để bỏ ra chi phí thấp nhất nhưng lại mang lại lợi ích và hiệu quả cao nhất. Ví dụ như “ATM gạo” tôi chỉ bỏ kinh phí nhỏ làm khoảng 30 máy nhưng có thể kêu gọi được 3.000 tấn gạo từ mạnh thường quân tặng cho người nghèo”, doanh nhân Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.