• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày 20/11, doanh nhân Nguyễn Thúy Uyên Phương nói gì về quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục?

Rời bỏ vị trí lãnh đạo ở một công ty đa quốc gia với mức lương khủng, doanh nhân trẻ...

Lý do mà doanh nhân Nguyễn Thúy Uyên Phương chọn hình ảnh trái cà chua để làm biểu tượng cho chuỗi trường học của mình khá thú vị. Bởi theo chị, trái cà chua luôn sống một cuộc đời trọn vẹn, hài hòa và nhất quán. Màu vỏ của chúng khi còn xanh thì "xanh từ trong ra ngoài" và khi chín thì "đỏ từ ngoài vào trong".

Chúng không giống như những loài hoa trái khác thường “đỏ vỏ xanh lòng”. Vì vậy, hình ảnh tượng trưng cho sự hài hòa giữa những gì thuộc về bên trong như tâm hồn, trí tuệ và những gì thuộc về bên ngoài như tính cách, dáng vẻ… Chị hi vọng những đứa trẻ lớn lên cũng như những quả cà chua, được giáo dục cả về thể chất, trí tuệ lẫn tâm hồn. 

Thạc sĩ  Nguyễn Thúy Uyên Phương . 
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương

Vì sao chị chọn " giáo dục cảm xúc " để khởi nghiệp?

Tôi là một trong những người đầu tiên đưa chương trình giáo dục cảm xúc về Việt Nam. Vào thời điểm một thập niên trước đây, gần như cả xã hội đều chạy theo giáo dục kiến thức là chủ yếu, mọi người đua nhau cho con học tiếng Anh, toán học…

Khi chương trình giáo dục cảm xúc được mở ra, rất nhiều người đã hỏi tôi giáo dục cảm xúc là gì, tại sao lại phải dạy về cảm xúc?

Như chúng ta đã biết, trí tuệ nhân tạo ra đời và sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã làm cho việc tìm kiếm tri thức khoa học hay một kỹ năng nào đó không quá khó như lúc trước. Các chương trình học online, kho tài liệu được mở khá rộng. Muốn tìm kiếm một câu trả lời nào đó, bạn chỉ cần vào Google, tất cả sẽ được giải đáp từ A đến Z trong vòng vài giây.

Nếu chúng ta chỉ giáo dục cái đầu mà không giáo dục trái tim thì tức là không có giáo dục gì cả.

CEO Nguyễn Thúy Uyên Phương

Nhiều công việc do con người đảm nhận trước đây đã dần dần bị công nghệ, máy móc thay thế. Thậm chí người ta còn dự đoán trong tương lai, rất nhiều ngành nghề sẽ không còn tồn tại nữa vì sẽ có robot làm thay.

Vậy thì giá trị của con người nằm ở đâu? Cái gì sẽ không bị máy móc và trí tuệ nhân tạo có thay thế, đó chính là năng lực về cảm xúc. Đó là năng lực hiểu chính bản thân mình, hiểu người làm việc cùng, nhạy cảm với bối cảnh xung quanh để kiến tạo ra những giải pháp sáng tạo, phù hợp với bối cảnh riêng biệt đó.

Nếu như nhiều năm trước đây IQ (chỉ số thông minh) được xem là chỉ số vàng thì giờ đây EQ (chỉ số cảm xúc) đã dần dần thay thế.

Con đường đưa "giáo dục cảm xúc" đến với trẻ của chị gặp khó khăn gì?

Tôi xuất thân trong gia đình có truyền thống giáo dục, tuy nhiên con đường tôi đang đi lại chẳng giống ai nên xã hội lúc đấy chưa tiếp nhận được triết lý giáo dục mới này. Nhiều phụ huynh đến trường nói với tôi rằng họ muốn con họ biết chữ trước khi vào lớp 1.

Tôi bảo không!

Theo tôi, nếu chúng ta chỉ giáo dục cái đầu mà không giáo dục trái tim thì tức là không có giáo dục gì cả. Nếu chúng ta chú trọng đổ cho đầy kiến thức mà không chú trọng đến cảm xúc, tâm hồn của học sinh thì chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra một con người với cái đầu như bộ máy. Con người đó rất khó để thành công trong tương lai, khi chúng ta không có điểm khác biệt gì so với máy móc hay robot, một nền tảng công nghệ ưu việt hơn chúng ta trong việc ghi nhớ và hành động rất nhiều.

Những đứa trẻ cấp tiểu học cần trải nghiệm về cảm xúc nhiều hơn là đổ đầy kiến thức.
Những đứa trẻ cấp tiểu học cần trải nghiệm về cảm xúc nhiều hơn là đổ đầy kiến thức.

Theo chị, nên làm gì để trẻ hứng thú với việc học ngay từ lớp 1?

Điều quan trọng nhất của trẻ vào lớp 1 và bậc tiểu học là làm sao để các em duy trì được sự hứng thú với việc học tập. Các em có cả một hành trình để học và tiểu học chỉ là cánh cửa đầu tiên để giới thiệu với các em việc học sẽ như thế nào? Cho nên, nếu giới thiệu việc học quá nặng nề thì học sinh sẽ mất đi sự hứng thú với việc học ngay từ những năm đầu tiên. Và một khi đã không hứng thú thì khó đạt được kết quả xuất sắc ở hành trình kế tiếp.

Mục tiêu vô cùng quan trọng với bậc tiểu học là khám phá bản thân mình là ai, mình giỏi cái gì, thích cái gì?. Những năm cấp hai, cấp ba sẽ là giai đoạn lý tưởng, để chuẩn bị kiến thức chuyên sâu cho học sinh. Vì thế trong giai đoạn này, nhà trường nên hướng học sinh đến các hoạt động trải nghiệm, khám phá bản thân, hình thành tình yêu đối với việc học.

Làm sao để cân bằng giữa "cảm xúc" và hiệu quả học tập của các em?

Bất kỳ phụ huynh nào cũng mong muốn con mình có một môi trường học hiệu quả mà vẫn hạnh phúc.  Phụ huynh bị giằng xé giữa hai chữ hiệu quả và hạnh phúc. Nếu như quá nghiêng về kết quả thì con sẽ đánh mất sự yêu thích trong học tập. Còn nếu thì yêu chiều theo sở thích con, thì có khi con không có được những năng lực cần thiết để chinh phục đích đến trong cuộc đời.

 

Cái khó nhất trong giáo dục là tìm được điểm cân bằng giữa hiệu quả và hạnh phúc. Hai yếu tố này, tôi tin nó không hoàn toàn mâu thuẫn. Chúng ta sẽ có những cách giúp con học tập hiệu quả vẫn mà có niềm vui khi đến trường.

Chúng ta nên lấy học sinh làm trung tâm chứ không phải thành tích nhà trường làm trung tâm hay kỳ vọng của cha mẹ làm trung tâm... Đừng để việc học tập của con trở thành mục tiêu để thực hiện những kỳ vọng của người lớn.

Việc đầu tư hiệu quả nhất của ba mẹ dành cho con đó chính là thời gian. Chưa hẳn chúng ta bỏ nhiều tiền cho con học thêm ở những trung tâm lớn là hiệu quả. Tôi đã quan sát học sinh đến từ nhiều điều kiện khác nhau và nhận thấy tiền bạc của cha mẹ không tạo ra một đứa trẻ hiệu quả và hạnh phúc.

Một đứa trẻ hiệu quả và hạnh phúc là được tạo ra từ bậc cha mẹ dành nhiều thời gian cho con, hiểu con muốn gì, tôn trọng giá trị của con, đồng hành cùng với con..... thì đó là đầu tư quan trọng nhất.

Thời buổi hiện đại, cha mẹ tất bật với cơm áo gạo tiền, việc đầu tư thời gian cho con với nhiều gia đình là câu chuyện khó. Nhưng có một thực tế là nếu chúng ta tiết kiệm thời gian với con thì những hệ quả sau này cực kỳ khủng khiếp, có khi chúng ta phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để khắc phục những hệ lụy trước đó.

Cha mẹ nên dành nhiều thời gian đồng hành cùng trẻ trong những giai đoạn đầu đời.
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian đồng hành cùng trẻ trong những giai đoạn đầu đời.

Triết lý giáo dục của chị là gì?

Tôi rất tâm đắc với hai chữ “thân giáo”, tức là giáo dục con trẻ bằng chính tấm gương của mình. Ngày nay, có rất nhiều phương pháp mới du nhập vào Việt Nam. Mỗi phương pháp đều có một khía cạnh rất hay, tuy nhiên những phương pháp đấy chỉ là những dòng chữ hay ho được viết ra trên sách vở thôi.

Nhưng chính những người xung quanh đứa trẻ như cha mẹ, ông bà, thầy cô những người các con tiếp xúc là tấm gương để con quan sát và học hỏi. Nếu như bản thân những người đó không là tấm gương cho trẻ thì dù phương pháp giáo dục hay đến đâu cũng chỉ là những dòng chữ được viết ra mà thôi.

Tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều phương pháp, trường phái và triết lý giáo dục khác nhau. Nhưng dù phương pháp nào thì cũng phải dựa trên giá trị nhân văn của con người.

Có bao giờ chị cảm thấy hối tiếc vì chọn giáo dục để khởi nghiệp?

Tôi chưa từng hối tiếc vì lựa chọn của mình, thậm chí bây giờ với tôi nếu không làm giáo dục thì tôi cũng chẳng làm được gì cả, vì nó cứ quấn lấy tôi. Dù tôi đi đâu, làm gì, thăng tiến bao xa trong công việc thì tôi cũng quay trở lại với điểm xuất phát có lẻ vì tôi "nặng nợ" với giáo dục.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương là người sáng tập và điều hành rất nhiều dự án và chương trình về giáo dục. 
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương là người sáng tập và điều hành rất nhiều dự án và chương trình về giáo dục. 

Chị làm thế nào để cân bằng giữ cuộc sống riêng và sự nghiệp của mình?

Rất nhiều người đã hỏi tôi câu này. Tôi có một thói quen là không bao giờ rời tầm mắt khỏi những mục tiêu quan trọng nhất của mình đó chính là sức khỏe, gia đình, con cái.

Những sai lầm mà chúng ta hay mắc phải là trước những cái áp lực hằng ngày, chúng ta rất dễ xa rời những mục tiêu quan trọng đó. Chúng ta cho rằng sức khỏe là quan trọng nhất nhưng khi chúng ta có quá nhiều việc, quá nhiều đam mê thì chúng ta sẽ quên mất, bỏ bê sức khỏe của mình. Chúng ta hoàn toàn hiểu con cái là quan trọng nhất, nhưng gánh nặng và áp lực cuộc sống khiến chúng ta không có nhiều thời gian chất lượng dành cho con.

Có những lúc tôi bị cuốn theo áp lực công việc và đam mê của chính mình, thường lúc đó tôi dành cho mình những khoảng lặng, tự nhìn nhận lại bản thân và đặt câu hỏi rằng liệu tôi có đang rời tầm mắt khỏi mục tiêu quan trọng của mình hay không? Mỗi khi tôi tự vấn về điều đó, tôi lại nhanh chóng tìm về những gì mà tôi cho là quan trọng nhất.

Không ai trong chúng ta có thể dễ dàng đạt được sự cân bằng giữa công việc và gia đình một cách nhẹ nhàng. Vì tôi biết cuộc sống không phải lúc nào cũng là đường thẳng trải đầy hoa hồng, đôi lúc sẽ có những khúc cua ngoằn ngoèo điều quan trọng là chúng ta biết đường quay trở về với mục đích quan trọng của đời mình.

Xin cám ơn chị!

Nguyễn Thúy Uyên Phương người sáng lập và điều hành TOMATO Education, chuỗi trường học ngoại khóa chuyên sâu dành cho trẻ em đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài ra Uyên Phương còn là người sáng lập và Điều hành Học viện YES, FAROS Education & Consulting, Design for Change Vietnam. Chủ tịch Hội đồng Trường - Hệ thống trường Mầm non - Tiểu học ICS. Đồng sáng lập và chủ tịch The Caterpies – Center for Early Childhood Education. 

CẨM VIÊN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật