PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào hiện là bác sỹ điều trị, Trưởng khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Đại học Y, Giảng viên cao cấp bộ môn Tai – Mũi - Họng trường Đại học Y Hà Nội. Với hơn 25 năm trong chuyên ngành Tai – Mũi - Họng, chị là chuyên gia điều trị các bệnh: viêm tai, viêm mũi xoang, viêm họng, viêm loét họng, miệng, tăng tiết nước bọt vùng khoang miệng và là chuyên gia về trị liệu các rối loạn giọng sau phẫu thuật, điều trị rối loạn thăng bằng, ù tai, các đau mạn tính vùng sọ mặt, vùng lưỡi...
PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào - rưởng khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Đại học Y, Giảng viên cao cấp bộ môn Tai – Mũi - Họng trường Đại học Y Hà Nội. |
PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào cũng chính là nữ bác sỹ đầu tiên chắp bút cho đề án Bệnh viện vệ tinh tuyến huyện mở ra cơ hội cho các bệnh viện tuyến huyện tiếp cận các kỹ thuật chuyên sâu, giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm chi phí di chuyển và giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương. Trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, đề án khám, chữa bệnh từ xa (được phát triển từ đề án bệnh viện vệ tinh tuyến huyện) qua nền tảng Telehealth của BV Đại học Y Hà Nội đã hội chẩn “vượt không gian” giúp hàng trăm ca bệnh khó vượt qua cơn nguy kịch. Đây cũng là công cụ giúp chia sẻ các bài giảng khoa học, chuyên môn giúp hàng trăm thầy thuốc được học nghề.
PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào bộc bạch, khi mới bắt đầu theo học ngành y, chị đã từng băn khoăn không biết mình có theo được ngành này hay không.
“Khi tôi đỗ trường Y và tôi vào Y 1 thì bắt đầu học môn giải phẫu thực ra đó là một nỗi ám ảnh đối với tôi. Khi tôi bước chân vào phòng xác thì thực sự là đầu óc tôi quay cuồng và không còn cảm nhận gì nữa. Tôi đã từng có ý định là thôi mình thi lại vào một trường khác.”
May mắn là chị được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề Y, có bố là bác sỹ điều trị Tai – Mũi – Họng bệnh viện ĐH Y Hà Nội, do đó khi gặp những vấn đề về tâm lý như vậy ông đã luôn song hành bên con gái.
“Ông thường xuyên đưa tôi đến những ca trực của ông, và qua những buổi như vậy tôi thấy mình tự tin hơn. Tôi học được 6 năm Y và tiếp tục 3 năm nội trú của bộ môn Tai – Mũi – Họng cũng nhờ những động lực đầu tiên như thế” – PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào chia sẻ.
"Tất cả những câu chuyện của người bệnh đã giúp tôi vượt qua được những giai đoạn khó khăn trong nghề, muốn gắn bó với nghề” - PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào chia sẻ |
Một trong những động lực lớn khác, giúp chị giữ được nhiệt huyết và tình yêu với nghề đó chính là hạnh phúc của người bệnh. Chị cho biết, khi học tiến sĩ, chị có làm đề tài về việc giúp những bệnh nhân cắt thanh quản nói được trở lại. Đó là những bệnh nhân ung thư thanh quản giai đoạn cuối, để cứu sống họ, bác sỹ phải cắt đi thanh quản của họ, đồng nghĩa với việc họ mất đi khả năng giao tiếp. Mục tiêu đề tài tiến sĩ của chị là dạy cho những bệnh nhân bị cắt thanh quản nói được trong một phạm vi không gian nhất định bằng thực quản, tức là sử dụng thực quản và dạ dày để tạo ra một nguồn hơi mới và vùng thực quản trở thành một vùng phát âm mới. Kết quả thật đáng kinh ngạc, 60% bệnh nhân trong đề tài tham gia luyện nói giọng thực quản có thể nói được, giao tiếp được trở lại.
“Tôi được chứng kiến những khoảnh khắc vui mừng, hạnh phúc của bệnh nhân khi họ có thể nói chuyện được với con họ, với vợ, với bố mẹ của họ… Tất cả những câu chuyện của người bệnh đã giúp tôi vượt qua được những giai đoạn khó khăn trong nghề, muốn gắn bó với nghề.”
PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào cho biết ý tưởng khởi phát đề án bệnh viện vệ tinh tuyến huyện bắt đầu từ những chuyến đi thực tiễn tại các bệnh viện tuyến huyện ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
“Thực ra trước khi chúng tôi triển khai đề án bệnh viện vệ tinh thì rất nhiều bệnh viện cũng đã – đang thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh. Tuy nhiên, các mô hình chủ yếu là từ tuyến trung ương chuyển giao kỹ thuật cho tuyến tỉnh, sau đó tuyến tỉnh mới chuyển giao cho các bệnh viện tuyến huyện. Chúng tôi băn khoăn việc chuyển giao kiến thức từ tuyến trung ương xuống các tuyến dưới theo hình thức gián tiếp như vậy có thực sự hiệu quả hay không? Qua thực tiễn khi đi giảng dạy chúng tôi thấy, các kiến thức khi chuyển giao gián tiếp qua một giai đoạn như vậy cũng có sự thay đổi”
Sau thời gian đi hỗ trợ trực tiếp tại một số bệnh viện tuyến huyện có đường biên giới dài nhất ở Việt Nam như bệnh viện tuyến huyện của Mường Khương, PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào đã mô tả các vấn đề thực tiễn còn tồn tại trong đề án gửi Bộ Y tế. Nhận thấy những giá trị, lợi ích từ đề án, Bộ Y tế đã đồng ý cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là bệnh viện thí điểm thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh trực tiếp chuyển giao từ tuyến trung ương xuống tuyến huyện từ năm 2016.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai dự án Bệnh viện vệ tinh với chín bệnh viện thuộc các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Nam. Kết quả, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện 42 gói đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho 229 học viên thuộc các bệnh viện vệ tinh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại các địa bàn xa trung tâm, vùng cao còn nhiều khó khăn về hạ tầng y tế. Đề án cũng được coi là giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí và thời gian cho người bệnh đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Các bác sỹ bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn khám chữa bệnh từ xa qua nền tảng TeleHealth trong mùa dịch COVID-19. |
“Sau khi Bộ Y tế chấp nhận cho triển khai bệnh viện vệ tinh xuống tuyến huyện, qua 4 năm thực hiện (từ 2016 – 2020) cho thấy: số ca bệnh nhân phải chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến huyện xuống bệnh viện trung ương giảm từ 35% - 45%, khảo sát chất lượng điều trị, thời gian điều trị với cùng một bệnh cũng rút ngắn, bản thân nhân viên y tế cũng nhiệt huyết, vui vẻ hơn khi thấy quá trình điều trị cho bệnh nhân có kết quả tốt và bệnh nhân đến với họ nhiều hơn. Ví dụ: tại bệnh viện Mường Khương khi chúng tôi đến khám từ thiện giai đoạn đầu thì số lượng người bệnh nhân đến khám tại bệnh viện chỉ có 50-100 bệnh nhân/ ngày. Nhưng từ khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì tới năm 2020, chúng tôi tổng kết có 300 – 500 bệnh nhân/ ngày đến khám tại bệnh viện đa khoa huyện Mường Khường. Qua những con số đó chúng ta thấy người dân hài lòng hơn với chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến huyện. Đây cũng là khởi điểm cho đề án khám chữa bệnh từ xa trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19” - PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào cho biết.
Trong quá trình triển khai đề án bệnh viện vệ tinh cũng như đề án khám chữa bệnh từ xa PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào và đồng nghiệp thấy có rất nhiều trường hợp bệnh nhân hoàn toàn có thể ở bệnh viện tuyến huyện điều trị và có sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trung ương mà không cần phải di chuyển lên tuyến trên. PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào kể lại: “Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng, có cụ già tại Mường Khương bị viêm phổi và tràn dịch màng phổi. Bình thường, khi bệnh viện tuyến huyện không thể xử lý được những trường hợp như vậy thì họ phải di chuyển trong khoảng thời gian là 6 giờ đồng hồ từ bệnh viện Mường Khương lên tới Hà Nội. Do Covid-19, người bệnh không thể di chuyển, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn ca bệnh qua nền tảng Telehealth – Nền tảng công nghệ thông tin thăm khám từ xa và chúng tôi đã hỗ trợ các nhân viên y tế bệnh viện huyện Mường Khương có thể xử lý được ca bệnh đó. Trong vòng 1 tuần, người bệnh đã khỏi và được ra viện.”
“Chúng tôi hy vọng trong tương lai các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến huyện có sự gắn kết, song hành, hỗ trợ giải quyết các khiếm khuyết mà hệ thống y tế đang tồn đọng” - PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào bày tỏ.
Trên cương vị là một giảng viên của trường Đại học Y Hà Nội, nhân kỷ niệm 68 ngày Thầy thuốc Việt Nam, PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào đã nhắn nhủ tới những thầy thuốc tương lai: “Tôi hy vọng học viên của tôi cũng như những học viên đang theo học tại các trường đào tạo ngành Y khác trong cả nước xác định được nhiệm vụ là phục vụ sức khỏe của nhân dân. Và sức khỏe của nhân dân chính là niềm vui của mình”.