• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những gương mặt nữ giáo viên trẻ tiêu biểu 2021

Những giáo viên nữ tiêu biểu có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy học, khơi dây niềm...

1. Cô giáo Trần Thị Cường, Tổ trưởng Tổ Vật lý, Trường THPT Ngô Gia Tự (Cam Ranh, Khánh Hòa)

Trong kỳ thi học sinh giỏi năm học 2020 – 2021, Trường THPT Ngô Gia Tự (Cam Ranh, Khánh Hoà) có một học sinh đạt giải Ba môn Vật lý cấp tỉnh và giải Nhì cấp quốc gia. Có được kết quả đó có một phần không nhỏ công sức bồi dưỡng của cô giáo Trần Thị Cường, Tổ trưởng Tổ Vật lý.

Mặc dù không là người trực tiếp tham gia bồi dưỡng cho học sinh khi em được lựa chọn vào đội tuyển của tỉnh, nhưng cô Cường luôn theo sát và hỗ trợ thêm cho học sinh mỗi khi cần thiết.

Cô Trần Thị Cường là giáo viên nhiều năm trực tiếp đào tạo đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý của Trường THPT Ngô Gia Tự.
Cô Trần Thị Cường là giáo viên nhiều năm trực tiếp đào tạo đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý của Trường THPT Ngô Gia Tự.

Nhiều năm trực tiếp đào tạo đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý của Trường THPT Ngô Gia Tự, cô Cường chia sẻ nhiệm vụ hàng đầu của giáo viên là phải khơi gợi ở học sinh sự đam mê, khả năng tìm tòi, khám phá để không sao nhãng mục tiêu học tập. Muốn vậy, người giáo viên phải thường xuyên tự “nâng cấp” mình, luôn tìm tòi, cập nhật những kiến thức mới. Nhờ ngọn lửa đam mê từ cô, nhiều học sinh có thêm động lực theo học đội tuyển luyện thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cũng có rất nhiều học sinh theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học hoặc chọn theo trở thành nhà sư phạm Vật lý tương lai.

Bên cạnh việc bồi dưỡng đội tuyển của trường, cô Trần Thị Cường nhận phụ trách hoạt động nghiên cứu Khoa học kỹ thuật của nhà trường, hướng dẫn học sinh nghiên cứu Khoa học kỹ thuật. Học sinh của cô liên tục có giải cao ở cuộc thi cấp tỉnh và 3 lần đạt giải nhì cấp quốc gia.

Khác với luyện học sinh giỏi môn Vật lý, với cuộc thi nghiên cứu Khoa học kỹ thuật, đòi hỏi các em phải có sự tổng hợp kiến thức liên môn để giải quyết một vấn đề từ thực tế cuộc sống, có tư duy sáng tạo, có cả sự khéo léo cũng như kỹ năng làm việc nhóm…

“Giáo viên hướng dẫn, ngoài hỗ trợ cho học sinh về mặt kiến thức liên môn, khơi gợi được sự sáng tạo, liên tưởng, còn phải cùng các em giải quyết nhiều vấn đề khác trong nghiên cứu như thiết bị, linh kiện, thậm chí là kinh phí. Chẳng hạn, chỉ cần một chi tiết cơ khí cần phải hàn, học sinh cũng phải có sự hỗ trợ từ các xưởng cơ khí. Đôi khi, GV còn phải kết nối với các giảng viên đại học, các viện nghiên cứu để hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho học trò…” – cô Cường chia sẻ.

Nhờ sự đam mê, tận tâm với trò với nghề, cô được Bộ Giáo dục – Đào tạo vinh danh giáo viên tiêu biểu năm 2021.

2. Cô Mai Thị Chi Thoa - Giáo viên Trường Mầm non Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định)

Nhờ tình yêu trẻ thơ và lòng say mê công việc, 17 năm gắn bó với Trường Mầm non Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định) cô Mai Thị Chi Thoa luôn có những giải pháp, sáng kiến để hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa giáo dục, vừa chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.

Cô Mai Thị Chi Thoa - Giáo viên Trường Mầm non Quy Nhơn, TP Quy Nhơn, Bình Định
Cô Mai Thị Chi Thoa - Giáo viên Trường Mầm non Quy Nhơn, TP Quy Nhơn, Bình Định

Trong năm học 2020 – 2021, cô Thoa đã đư ra sáng kiến “Phát triển tư duy cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thông qua phương pháp học dựa vào vấn đề”, nhờ vậy trẻ có được vốn từ phong phú, khả năng diễn đạt tốt.

Để hướng dẫn trẻ mầm non về giới tính, cô Chi Thoa đã có cách truyền đạt thật dễ hiểu nhưng cũng phải khéo léo và đặc biệt làm sao để trẻ không tò mò mà vẫn đảm bảo được sự an toàn của bản thân. Nhờ vậy, trẻ biết khi thay quần áo phải chọn nơi kín đáo, cách giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt là quy tắc “5 vòng tròn giúp trẻ an toàn”. Từ kinh nghiệm truyền dạy thực tế, cô Chi Thoa đúc rút thành sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao nhận thức giáo dục giới tính cho trẻ trong trường mầm non” trong năm học 2019 – 2020.

Giờ học vui nhộn ở lớp Lá do cô Mai Thị Chi Thoa đứng lớp.
Giờ học vui nhộn ở lớp Lá do cô Mai Thị Chi Thoa đứng lớp.

Với những sáng tạo không ngừng, mỗi giờ lên lớp của cô Chi Thoa thật sự sinh động và hấp dẫn. Cô đã trở thành gương mặt tiêu biểu của nhà trường và là cộng tác viên tích cực tham gia dạy các hoạt động minh họa chuyên đề chuyên môn do Sở GD&ĐT Bình Định, Phòng GDĐT thành phố Quy Nhơn tổ chức.

3. Cô giáo Nguyễn Thị Duyên, Trường THPT Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du luôn đưa ra nhiều sáng kiến trong dạy học để giúp học sinh tiếp cận với cách học mới, khơi gợi hứng thú và niềm say mê học tập.

Cô Nguyễn Thị Duyên – giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Nghi Xuân, Hà Tĩnh nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT. Ảnh:giaoducthoidai.vn
Cô Nguyễn Thị Duyên – giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Nghi Xuân, Hà Tĩnh nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT. Ảnh:giaoducthoidai.vn

Cô chia sẻ: “Chỉ khi học sinh có hứng thú, đam mê thật sự trong việc tiếp cận tri thức thì việc học mới có hiệu quả. Khi học sinh có động lực và mục tiêu học tập rõ ràng, có niềm tin và quyết tâm cùng với định hướng của thầy cô về phương pháp học tập phù hợp và được trang bị đầy đủ các kĩ năng thực hiện nhiệm vụ học tập chắc chắn học sinh sẽ thành công và hạnh phúc với việc học tập và nghiên cứu khoa học”.

Với định hướng đó, bản thân cô Duyên đã luôn học hỏi để nâng cao và hoàn thiện mọi mặt từ chuyên môn nghiệp vụ đến rèn luyện phẩm chất, phát triển các năng lực, kĩ năng…

Ngoài giờ học, cô Duyên còn xây dựng nhiều tiết ngoại khóa Book reviews “7days7books”, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh theo định kì một tháng một chủ đề; tổ chức thực hiện song song các dự án dạy học và giáo dục…

Các dự án dạy học này có tính thực tiễn, gắn với địa phương nhằm kết hợp giáo dục địa phương giúp các em học sinh hiểu biết về miền quê mình sinh sống, thêm yêu mến và tự hào về quê hương.

Với những cố gắng và nỗ lực của mình trong suốt 14 năm dạy học, cô Duyên đã gặt hái nhiều thành công và được đơn vị, ngành Giáo dục công nhận.

Năm 2021, cô Duyên vinh dự được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào Tạo Hà Tĩnh đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2020-2021; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước từ năm học 2018-2019 đến 2010-2021.

4. Cô giáo Huỳnh Kim Hương, giáo viên tiếng Anh Trường tiểu học Nhơn Nghĩa 1 (TP Cần Thơ)

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng làm quân nhân xa nhà, bận rộn con nhỏ và trường học ở xa nhưng cô Huỳnh Kim Hương vẫn cố gắng thu xếp mọi việc để lên lớp đúng giờ. Bên cạnh đó, cô còn cố gắng học lên đại học hay học thêm lớp các bồi dưỡng chuyên môn, chứng chỉ, luôn tìm tòi nhiều biện pháp học tập mới giúp các em hứng thú hơn trong giờ học tiếng Anh.

Hơn 15 năm qua cô đã đưa những tiêt học ngoại ngữ đơn giản, dễ hiểu giúp học sinh vùng quê Tây Đô được tiếp xúc và thực hành tiếng Anh. Nhằm giúp các em học sinh tiểu học nắm bắt và hiểu bài nhanh, cô Hương thường tranh thủ 15 phút đầu tiên truyền đạt kiến thức cho học sinh nắm bài trước, sau đó mới cho các em làm bài, viết bài, vui chơi… từ đó lớp học sẽ đạt hiệu quả hơn.

Cô Huỳnh Kim Hương
Cô Huỳnh Kim Hương

Riêng những em chậm hiểu, cô chọn phương pháp động viên, khuyến khích trao đổi, nói chuyện ngọt ngào để các em giao tiếp và thực hành nhiều hơn. Cô Hương chia sẻ: So với học sinh ở nơi có điều kiện, học sinh vùng quê thiệt thòi rất nhiều nên ngoài giờ dạy trên lớp, cô tranh thủ các khoảng thời gian trống để bồi dưỡng kiến thức cho các em.

Thành quả đạt được  của cô trong công tác bồi dưỡng học sinh tài năng tiếng Anh khá ấn tượng. Cấp huyện có 2 giải nhất; 1 giải ba; 1 giải khuyến khích; 3 giải công nhận. Trong đó có 3 em đạt công nhận  tại hội giao lưu tài năng tiếng Anh cấp thành phố.

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1 chia sẻ: Năm học 2020-2021, nhà trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, trong những thành tích đó có sự cống hiến, đóng góp rất nhiều của cô Hương.

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ vinh danh 191 nhà giáo tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước, các trường đại học, cao đẳng sư phạm trên toàn quốc.

Đây là những tấm gương thầy, cô đến từ các trường phổ thông có thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục, bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, còn có các giảng viên thực sự gương mẫu đi đầu trong việc kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cập nhật kiến thức tiên tiến, hiện đại, với những công trình nghiên cứu khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống kinh tế-xã hội.

Diệu Thuần (T/H)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật