• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ bác sĩ dành trọn tâm huyết cho sức khỏe cộng đồng

Giải thưởng Kovalevskaia 2020 vinh danh PGS.TS Trương Thanh Hương – nữ bác sĩ tim mạch hàng đầu...

PGS.TS. Trương Thanh Hương hiện là giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Y Hà Nội, thuộc Bộ Y tế. Là một trong những nhà khoa học nữ, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch tại Việt Nam, chị đã có nhiều công trình đồ sộ mang lại giá trị lớn cho ngành y khoa Việt Nam.

PGS.TS Trương Thanh Hương - nhà khoa học hàng đầu về tim mạch tại Việt Nam
PGS.TS Trương Thanh Hương - nhà khoa học hàng đầu về tim mạch tại Việt Nam

Nữ bác sĩ dành trọn tâm huyết chăm lo sức khỏe cộng đồng

Bác sĩ (BS) Trương Thanh Hương là một trong hai bác sĩ nội trú (BSNT) tim mạch khóa đầu tiên của Đại học Y Hà Nội, do đó chị sớm có cơ hội tiếp cận, và được đào tạo bài bản tại các trung tâm y khoa của thế giới. Tốt nghiệp với thành tích cao, chị được nhận vào công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai và là giảng viên Trường đại học Y Hà Nội.

Năm 1997, sau khi được cử đi tu nghiệp về tim mạch học lâm sàng và siêu âm - Doppler tim tại Đại học Paris VI, Bệnh viện Saint Antoin Paris; tiếp đó là tim bẩm sinh tại Bệnh viện Robert Debre trở về, BS. Trương Thanh Hương là một trong số rất ít bác sĩ có kiến thức chuyên môn cận lâm sàng chuẩn chỉnh, tiệm cận xu thế điều trị hiện đại. Nhiều giáo sư hàng đầu của ngành y lúc đó đều mong muốn hướng BS. Thanh Hương theo con đường siêu âm tim.

Tuy nhiên, qua quá trình đào tạo và thực tiễn lâm sàng, BS. Thanh Hương nhận thấy tăng huyết áp (THA0 và tăng mỡ máu đều là các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành. Nếu hai yếu tố đó song hành với nhau thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành càng lớn. Do đó, chị tha thiết xin hội đồng xét duyệt nghiên cứu sinh thông qua đề tài: Mối liên hệ giữa rối loạn lipid máu và THA. Không chỉ khó khăn trong quá trình thuyết phục hội đồng xét duyệt thông qua đề tài, chị còn gặp rất nhiều chông gai trong quá trình nghiên cứu.

Thời kỳ đó, xét nghiệm lipid máu mới chỉ định lượng ở hai yếu tố đó là cholesterol, tryglycerid, chứ chưa có HDL Cholesterol, LDL_Cholesterol... Nhưng qua thực tế điều trị, BS. Trương Thanh Hương nhận thấy đó là những chỉ số rất quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh... Nếu trong quá trình điều trị cho bệnh nhân bác sĩ không được cung cấp các dữ liệu toàn diện về tình trạng của người bệnh rất khó đưa ra các chẩn đoán xác định rối loạn lipid máu, qua đó đưa ra phác đồ điều trị chuẩn cho từng thể trạng bệnh nhân...

Ngoài việc duy trì phát triển hoạt động siêu âm, BS. Hương lại lao vào khám sàng lọc bệnh nhân, tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học để chia sẻ kiến thức với bạn bè đồng nghiệp. Thông qua các hoạt động trao đổi đó, chị và các đồng nghiệp đã phát hiện ra nhiều bệnh nhân rối loạn mỡ máu. Việc chỉ định bilan lipid được mở rộng đến các bác sĩ của khoa khám bệnh miễn là đúng hướng cần làm lipid máu, có nguy cơ của bệnh mạch vành. Qua thực tiễn điều trị, mối liên hệ giữa rối loạn lipid máu và THA đã được khẳng định.

Từ 20 năm trở lại đây, xét nghiệm lipid máu đã trở thành xét nghiệm thường quy và cơ bản cho mỗi bệnh nhân trung niên khi đến viện. Đây bước tiến và là kết quả của quá trình nghiên cứu nghiêm túc, khả năng nhạy bén trong nghề nghiệp và sự kiên gan, bền chí với con đường đã chọn dù nó đầy chông gai của BS. Trương Thanh Hương.

Nhờ những kết quả và thành tựu của đề tài nghiên cứu trên, BS. Thanh Hương đã tiếp tục nghiên cứu và có thêm nhiều công trình khoa học nổi bật, như: "Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam" và công trình "Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam". Công trình đã đưa ra quy trình sàng lọc, chẩn đoán, xét nghiệm gen, hướng dẫn tư vấn di truyền và mô hình quản lý bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam. Các kết quả này đã chuyển giao đến các cơ sơ y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cần biết rằng, tăng cholesterol máu gia đình là di truyền ảnh hưởng đến các thế hệ trong gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ, gây biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người trẻ tuổi. Nhờ đó, bệnh nhân và gia đình họ có thể có cơ hội được tiếp cận việc chẩn đoán, điều trị tối ưu, nhờ đó có thể hạn chế xảy ra các biến chứng tim mạch, nhất là ở thanh thiếu niên, qua đó giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân, góp phần bảo toàn năng suất lao động, ổn định kinh tế - xã hội cho đất nước.

Công trình khoa học lớn thứ hai là "Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam" của BS. Trương Thanh Hương đã được chuyển giao để chế tạo chíp sinh học chẩn đoán nhanh đa hình gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc Clopidogrel đặc hiệu cho người Việt Nam. Điều này có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn, mở ra cơ hội hiện thực hóa việc cá thể hóa điều trị thuốc chống ngưng tập tiểu cầu Clopidogrel tại Việt Nam. Việc sử dụng chíp sinh học này trong cá thể hóa điều trị hứa hẹn góp phần giảm tối đa biến chứng và tử vong cho hàng trăm người bệnh, tiết kiệm chi phí chăm sóc y tế hàng năm cho đất nước.

PGS.TS. Trương Thanh Hương từng tham gia và chủ trì 19 đề tài khoa học các cấp, công bố 75 bài báo khoa học trong và ngoài nước. Chị cũng tham gia đào tạo cho nhiều học viên, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa và là chủ biên và thành viên soạn thảo của 20 giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu y khoa có giá trị.

Người thầy nhiệt thành và tận tụy trong công tác đào tạo

Là giảng viên cao cấp của Trường Đại học Y Hà Nội, chị luôn đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Để tăng cường tính chủ động, tích cực, khả nặng tự học của sinh viên, chị đã áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại được đào tạo tại Úc như phương pháp giảng dạy tăng cường năng lực lâm sàng như Objective Structural Clinical Examination (OSCEs), Mini Clinical Evaluation Excerise (Mini-CEX) cho sinh viên ngành y, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, PGS.TS. Trương Thanh Hương còn tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế. Chị đã trực tiếp hướng dẫn khoa học cho hơn 40 tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ nội trú và trực tiếp giảng dạy, chuyển giao các công nghệ tiên tiến cho hàng trăm bác sỹ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trong cả nước.

PGS. TS Trương Thanh Hương góp phần là cầu nối cho nhiều bác sĩ, nhà khoa học trẻ có cơ hội tiếp cận môi trường khoa học quốc tế để học tập và phát triển năng lực tối ưu, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

PGS.TS Trương Thanh Hương khám thiện nguyện phát hiện tim bẩm sinh tại Yên Bái
PGS.TS Trương Thanh Hương khám thiện nguyện phát hiện tim bẩm sinh tại Yên Bái

Hơn 35 năm nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân, PGS.TS. Trương Thanh Hương luôn quan tâm đến sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, tham gia tích cực vào phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao là phụ nữ, đặc biệt là trực tiếp đào tạo, hướng dẫn cho hơn 20 nhà khoa học nữ. PGS. TS. Trương Thanh Hương cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, chị thường xuyên tổ chức hàng chục Đoàn khám bệnh thiện nguyện đến các trường học và khu dân cư ở các vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc, với đối tượng ưu tiên là trẻ em.

Năm 2012, PGS.TS Trương Thanh Hương nhận được Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam; được trao tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" vào năm 2014. Từ năm 2014 - 2018, PGS.TS. Trương Thanh Hương đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III với những thành tích xuất sắc trong công tác. Năm 2016, chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chị cũng nhận được hàng chục Bằng khen của các cấp, ngành, cùng nhiều danh hiệu Chiến sĩ thi đua ở mọi vị trí công tác.

Với những cống hiến to lớn cho khoa học và nền y học nước nhà, PGS.TS Trương Thanh Hương đã vinh dự được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia 2020, dự kiến lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 5/3/2021.

Chân dung PGS.TS Trương Thanh Hương 
Chân dung PGS.TS Trương Thanh Hương 

Nhà giáo Ưu tú - PGS.TS.Trương Thanh Hương: Lĩnh vực nghiên cứu chính là lĩnh vực Bệnh lý tim mạch bẩm sinh và di truyền, Dược lý học di truyền trong cá thể hóa điều trị bệnh tim mạch, Phát triển các kỹ thuật mới về siêu âm tim, điện tim.  

 Quá trình công tác

 - Từ 1987 - 1995: bác sĩ điều trị tại Viện Tim mạch

 - Từ 1995 - 2008: Phó trưởng Phòng Điện tâm đồ và thăm dò điện sinh lý tim

 - Từ 9/5/2012 đến nay: Chủ nhiệm Trung tâm tim mạch trẻ em Viện Tim mạch (C5 cũ)

 - Từ 1987 đến nay: Giảng viên bộ môn Tim mạch - Trường Đại học Y Hà Nội

 - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học Viện Tim mạch

Minh Khang (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật