• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ bác sĩ tâm huyết với ngành gây mê hồi sức

PGS.TS. BS cao cấp Trần Thị Kiệm người đặt nền móng và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực...

Là phó giáo sư nữ đầu tiên về chuyên ngành gây mê hồi sức ở Việt Nam, PGS.TS. BS cao cấp Trần Thị Kiệm từng công tác và làm việc tại Cộng Hoà Pháp. Bà có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào các mặt bệnh về gây mê hồi sức và là tác giả và đồng tác giả của hàng trăm Tạp chí Y học danh tiếng như Tạp chí Y học Lâm sàng và Thực Hành.

PGS.TS. BSCC Trần Thị Kiệm sinh năm 1958 và lớn lên Hải Phòng. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa ngoại sản trường Đại học Y Hà Nội (khoá 1975-1981), bà được ở lại phân hiệu 2 ĐH Y Hà Nội. Sau 2 năm học BSCKI ngoại, bà làm giảng viên bộ môn Ngoại, trường ĐH Y dược Hải Phòng và là nữ phẫu thuật viên trong gần 10 năm ở BV Việt - Tiệp (Hải Phòng). Sau đó do yêu cầu của trường; bà chuyển sang học chuyên khoa gây mê ở BV Việt Đức (Hà Nội) liên tục trong 3 năm để tốt nghiệp chuyên khoa cấp I về gây mê hồi sức. Vì say mê với nghề nên không chịu dừng lại ở một bác sĩ đa khoa giỏi, mà bà còn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Bà kể: “Năm 1995, tôi thấy một vị bác sĩ người Pháp mang sang Việt Nam một loại thuốc gây mê rất hay (PROPOFOL) mà bấy giờ ở nước mình chưa có. Nhận thấy thuốc này vừa mê nhanh, tỉnh nhanh và điều quan trọng là giữ được trí nhớ rất tốt. Điều đó thôi thúc tôi muốn làm cái gì đó giúp cho ngành gây mê mà ứng dụng được ngay tại BV Mắt T.Ư bởi lúc ấy tôi đang học BSCKII ở đây”.

PGS.TS. BSCC Trần Thị Kiệm.
PGS.TS. BSCC Trần Thị Kiệm.

Trong quá trình giảng dạy ở Trường ĐH Y dược Hải Phòng, năm 2000, bà được sang Pháp để chuẩn bị bài giảng về thuốc gây mê bằng tiếng Pháp do tổ chức các trường đại học Pháp ngữ (AUPELLUREF) tài trợ. Suốt 3 tháng ở đó, bà thấy đồng nghiệp sử dụng Mask thanh quản trong cấp cứu gây mê hồi sức. Thấy hay, bà đã xin một cái về tìm hiểu. Khi về nước, suốt thời gian dài (2002 - 2007), bà bắt tay vào đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng. Là người luôn tiên phong trong nghiên cứu khoa học và giỏi về chuyên môn, khi BV Bạch Mai thành lập Viện Tim mạch, bà là người đầu tiên được mời về làm gây mê hồi sức cho phẫu thuật tim mở của bệnh viện Bạch Mai. Có lẽ nhờ lòng say mê mới nghiên cứu khoa học mà năm 2013, bà được phong hàm phó giáo sư nữ gây mê hồi sức đầu tiên ở Việt Nam.

Theo nữ PGS: kỹ thuật gây mê hồi sức ngày càng được quan tâm và ứng dụng nhiều trong quá trình vô cảm cho người bệnh khi can thiệp thủ thuật, phẫu thuật. Khi chưa có Mask thanh quản, ống nội khí quản là một trong những loại ống thở được ứng dụng nhiều nhất để duy trì hô hấp cho BN. Tuy nhiên, khi sử loại ống này cũng có một số khó khăn nhất định như: kỹ thuật thực hiện khó, cần có đèn soi thanh quản, bác sĩ chuyên khoa và có thể gặp các tai biến… Vì vậy, Mask thanh quản ra đời là phương pháp tốt nhất cho những người không đặt được ống nội khí quản, đặc biệt khắc phục được những khó khăn kể trên. Nữ PGS hy vọng, Mask thanh quản không chỉ ứng dụng cho gây mê phẫu thuật tai xương chũm, mà còn được ứng dụng rộng rãi trong phẫu thuật các bệnh tai mũi họng và phổ cập hơn cho các nhân viên cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt trong cấp cứu suy hô hấp cấp, cấp cứu ngừng tuần hoàn và trong gây mê phẫu thuật.

Hiện nay, PGS.TS. BSCC Trần Thị Kiệm hiện là trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng và vẫn dành thời gian cho đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của mình, với mong muốn kỹ thuật Mask thanh quản đến được với đồng nghiệp ở Trường Sa. Trước đó, bà đã gửi tặng cuốn sách “Mask thanh quản Proseal sử dụng trong gây mê phẫu thuật tai - xương chũm” cho các bác sĩ, bộ đội đang ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là cuốn sách viết về kỹ thuật nhằm kiểm soát đường thở trong gây mê hồi sức rất dễ thực hiện. Khi ấy kỹ thuật sẽ được nhân rộng cho những người không có kinh nghiệm, không chuyên sâu trong việc cấp cứu bệnh nhân ngừng thở, nhất là những người lính cảnh sát và ngư dân vùng biển.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật