Lên ngôi từ năm 25 tuổi, thời gian trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II trải dài qua nhiều thời đại, với 14 đời thủ tướng khác nhau của Vương quốc Anh. Nữ hoàng đã gặp gỡ 13 vị tổng thống Mỹ, và cùng nước Anh vượt qua những bất ổn cũng như những sóng gió của gia đình hoàng gia Anh.
Được tổ chức ở London, Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì Vương Quốc Anh và 14 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung của Nữ hoàng Elizabeth II bắt đầu từ ngày 2/6 và kéo dài đến ngày 5/6. Ở tuổi 96, Nữ hoàng Elizabeth II không chỉ người trị vì lâu nhất nước Anh, mà còn là vị nguyên thủ quốc gia cao tuổi nhất thế giới.
NĂM 1947: CỐNG HIẾN CUỘC ĐỜI CHO DỊCH VỤ CÔNG
Năm 1947, khi 21 tuổi và còn là công chúa Elizabeth, Nữ hoàng có chuyến công du đến Nam Phi và đã có bài phát biểu trước công chúng. "Tôi tuyên bố trước tất cả mọi người rằng toàn bộ cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ cống hiến cho việc phục vụ mọi người và cho gia đình hoàng gia vĩ đại mà tất cả chúng ta thuộc về", Nữ hoàng nói trong một bài phát biểu trên đài phát thanh từ Cape Town, Nam Phi.
Công chúa Elizabeth phát biểu tại Cape Town, Nam Phi, vào sinh nhật thứ 21, năm 1947. Ảnh: AP |
NĂM 1953: LÊN NGÔI NỮ HOÀNG CỦA VƯƠNG QUỐC ANH
Tháng 2 năm 1952, ở tuổi 25, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành người kế vị sau khi vua cha George VI qua đời. Lễ đăng quang chính thức của Nữ hoàng được tổ chức vào tháng 6 năm 1953, tại Tu viện Westminster (London), được truyền hình trực tiếp qua đài BBC với sự theo dõi của hàng triệu người ở Anh và trên khắp thế giới.
"Mặc dù kinh nghiệm của tôi chưa nhiều và công việc vẫn còn mới lạ, nhưng tôi có cha mẹ và ông bà là những tấm gương tôi có thể tự tin và tin tưởng noi theo. Cảm ơn tất cả mọi người từ cả trái tim", Nữ hoàng phát biểu trước công chúng vào ngày đăng quang.
Nữ hoàng Elizabeth II và chồng là Hoàng thân Philip vẫy tay chào từ Cung điện Buckingham vào ngày đăng quang 2 tháng 6 năm 1953. Ảnh: Getty Images |
NĂM 1957: CHUYẾN THĂM CẤP NHÀ NƯỚC ĐẦU TIÊN TỚI MỸ
Nữ hoàng Elizabeth II đã thực hiện hơn 90 chuyến thăm cấp nhà nước, bên cạnh những chuyến đi trong Khối thịnh vượng chung Anh. Nữ hoàng đã giúp tăng cường mối quan hệ với các đồng minh và với các quốc gia như Ấn Độ, Nga, Nam Phi và Ireland.
Nữ hoàng có chuyến thăm Tổng thống Harry S. Truman vào năm 1951, khi bà còn là công chúa, nhưng chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ với tư cách là nữ hoàng vào năm 1957, khi gặp gỡ cố Tổng thống Dwight D. Eisenhower nhân dịp kỷ niệm 350 năm ngày lập khu định cư ở Jamestown, bang Virginia.
Nữ hoàng Elizabeth II mỉm cười ngay trước khi kết thúc bài phát biểu trên truyền hình vào năm 1957. Ảnh: Getty |
NĂM 1957: LẦN ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN TRÊN SÓNG TRUYỀN HÌNH
Năm 1957, Nữ hoàng Elizabeth II lần đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình đọc bài phát biểu Giáng sinh tới toàn bộ người dân.
NĂM 1965: TRAO HUY CHƯƠNG DANH DỰ CHO THE BEATLES
Một trong những khoảnh khắc văn hóa đáng chú ý của Nữ hoàng Elizabeth II là khi nhóm The Beatles tới Cung điện Buckingham ở London vào ngày 26 tháng 10 năm 1965. Hàng nghìn người đã leo lên cổng cung điện và cột đèn để gặp nữ hoàng, khi các thành viên John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr của The Beatles đến.
Nữ hoàng đã trao huy chương danh dự cho các biểu tượng văn hóa nhạc pop của Anh. "Bà ấy rất thân thiện. Bà đối với chúng tôi giống như một người mẹ", McCartney nói sau buổi gặp gỡ.
NĂM 1966: THẢM HỌA Ở ABERFAN
Ngày 21 tháng 10 năm 1966, khối chất thải tồn dư sau khai thác than trên sườn núi đã bất ngờ đổ xuống làng Aberfan ở xứ Wales, giết chết 116 trẻ em và 28 người lớn.
Khi cả nước thương tiếc về thảm kịch, Nữ hoàng Elizabeth II đã bị chỉ trích vì từ chối đến thăm, và mãi 8 ngày sau bà mới đến thăm những người sống sót. Nữ hoàng cho biết việc không đến thăm Aberfan ngay sau thảm họa là điều khiến bà rất hối tiếc.
Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip đến thăm Aberfan ở xứ Wales để an ủi gia đình của 144 người thiệt mạng. Ảnh: Getty |
NĂM 1969: CUỘC GẶP GỠ CÁC PHI HÀNH GIA TÀU APOLLO 11
Khám phá không gian là một trong số những tiến bộ khoa học và công nghệ dưới thời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II. Sau khi trở thành những người đầu tiên trở về từ Mặt Trăng, ba phi hành gia tàu Apollo 11 Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin đã có chuyến tham quan thiện chí toàn cầu. Họ đã đến Cung điện Buckingham gặp gỡ Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 14 tháng 10 năm 1969.
Nữ hoàng Elizabeth II gặp các phi hành gia Apollo 11, từ trái sang phải, Michael Collins, Neil Armstrong và Buzz Aldrin, tại Cung điện Buckingham. Ảnh: Bettmann |
NĂM 1970: ĐI DẠO GIỮA ĐÁM ĐÔNG
Nữ hoàng Elizabeth II đã phá vỡ truyền thống hàng thế kỷ trong chuyến công du của hoàng gia đến Australia và New Zealand vào năm 1970. Lúc đó, thay vì vẫy tay chào mọi người từ khoảng cách xa, Nữ hoàng đã đến gần chào hỏi mọi người. Bà mặc váy màu vàng chanh, phối với chiếc mũ đặc trưng và túi xách, bước qua đường phố Sydney tươi cười và nói chuyện với mọi người.
Kể từ đó, cách chào hỏi này đã trở thành thông lệ của nhiều thành viên trong gia đình hoàng gia.
Nữ hoàng Elizabeth II trong chuyến công du tới Sydney, Australia vào tháng 5 năm 1970. Ảnh: Getty |
NĂM 1981: CUỘC HÔN NHÂN CỦA CHARLES VÀ DIANA
Một trong những giai đoạn gập ghềnh trong cuộc sống gia đình của Nữ hoàng Elizabeth II bắt đầu với đám cưới cổ tích của con trai cả, và người thừa kế, là Thái tử Charles với Diana Spencer vào ngày 29 tháng 7 năm 1981. Có tới một triệu người đã đến xem đám cưới ở trung tâm London, trong khi BBC ước tính có 750 triệu người trên thế giới theo dõi trên truyền hình.
Mặc dù được gọi là "công chúa của nhân dân", Công nương Diana và Thái tử Charles trải qua một cuộc hôn nhân rắc rối, với những cáo buộc không chung thủy.
Cả hai ly thân vào năm 1992, năm mà Nữ hoàng gọi là "một năm thảm khốc" vì diễn ra cuộc ly thân của Hoàng tử Andrew, cuộc ly hôn của Công chúa Anne và một vụ hỏa hoạn tại lâu đài Windsor.
NĂM 1986: QUỐC VƯƠNG ANH ĐẦU TIÊN ĐẾN THĂM TRUNG QUỐC
Tháng 10 năm 1986, Nữ hoàng Elizabeth II có chuyến thăm Trung Quốc và tham quan Vạn Lý Trường Thành, trở thành thành viên hoàng gia Anh đầu tiên đến quốc gia này. Chuyến đi được coi là một phần quan trọng trong nỗ lực ngoại giao của Anh, khi nước này chuẩn bị trao trả Hong Kong cho Trung Quốc kiểm soát.
NĂM 1996: GẶP GỠ TỔNG THỐNG NELSON MANDELA
Tháng 7 năm 1996, cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đến Anh 4 ngày trong chuyến thăm cấp nhà nước. Nữ hoàng Elizabeth II tiếp đón vị tổng thống tại Cung điện Buckingham, và đưa ông tham quan trung tâm London bằng xe ngựa.
Được biết, Nữ hoàng và ông Nelson Mandela có mối quan hệ khá gần gũi, vì vậy cố Tổng thống Nam Phi không mấy bận tâm tới các quy tắc của hoàng gia.
NĂM 1997: CÁI CHẾT CỦA CÔNG NƯƠNG DIANA
Năm 1997, tin tức Công nương Diana qua đời trong một vụ tai nạn ô tô ở Paris đã gây chấn động thế giới và khiến công chúng soi mói vào hoàng gia Anh. Nữ hoàng phải đối mặt với những lời chỉ trích vì phản ứng chậm.
Những ngày sau đó, bà nói với người dân cả nước từ Cung điện Buckingham: "Những ai biết đến Diana sẽ không bao giờ quên cô ấy. Hàng triệu người khác chưa bao giờ gặp Diana, nhưng vẫn cảm thấy họ biết và sẽ nhớ đến Diana. Tất cả chúng tôi đã cố gắng dùng mọi cách để ứng phó".
NĂM 2007: KỶ NIỆM 50 NĂM PHÁT BIỂU TRÊN TRUYỀN HÌNH
Năm 2007, Nữ hoàng đánh dấu 50 năm ngày bà lần đầu tiên phát biểu trên truyền hình năm vào Giáng sinh năm 1957 qua một bài phát biểu trên YouTube.
Bà nói: "Một trong những đặc điểm khi già đi là nhận thức ngày càng được nâng cao. Để nhớ lại những gì đã xảy ra cách đây 50 năm có nghĩa là phải nhận thức được những điều đã thay đổi trong khoảng thời gian đó. Nó cũng khiến mọi người hiểu được được những gì không thay đổi".
Nữ hoàng Elizabeth II gửi thông điệp ngày Giáng sinh vào năm 2007, đánh dấu 50 năm ngày bà lần đầu tiên phát biểu trên truyền hình năm vào Giáng sinh năm 1957. Ảnh: Getty |
NĂM 2012: THẾ VẬN HỘI LONDON
Nữ hoàng Elizabeth II đã khiến khán giả tại Thế vận hội Olympic London 2012 ngạc nhiên khi xuất hiện trong một đoạn video ngắn cùng siêu điệp viên James Bond ,do tài tử Daniel Craig đảm nhiệm.
Đoạn phim có nội dung là cuộc hộ tống nữ hoàng từ cung điện Buckingham tới sân vận động Olympic. Nữ hoàng được đích thân 007, nhân vật điệp viên hư cấu nổi tiếng toàn cầu, hộ tống ra trực thăng để bay tới lễ khai mạc. Cả hai đã nhảy dù từ trực thăng xuống sân vận động Olympic trong tiếng vỗ tay cuồng nhiệt của những người hâm mộ. Một lát sau, nữ hoàng thật cũng xuất hiện trên sân vận động, với quần áo giống như trong đoạn video.
NĂM 2020: HOÀNG TỬ HARRY VÀ VỢ MEGHAN RỜI HOÀNG GIA
Đám cưới của Hoàng tử Harry với nữ diễn viên, nhà nữ quyền kiêm hoạt động chính trị người Mỹ Meghan Markle diễn ra vào năm 2018. Năm 2020, Hoàng tử Harry quyết định rời gia đình hoàng gia Anh, vì truyền thông và báo chí ở Anh "hủy hoại" sức khỏe tinh thần, không tham gia các hoạt động của hoàng tộc với tư cách thành viên hoàng gia.
Trước sự việc này, Nữ hoàng viết trong một tuyên bố: "Mặc dù chúng tôi muốn họ tiếp tục là Thành viên Hoàng gia, nhưng chúng tôi tôn trọng và hiểu mong muốn của họ được sống một cuộc sống độc lập của một gia đình, trong khi vẫn là một thành phần của gia đình tôi".
NĂM 2021: HOÀNG THÂN PHILIP QUA ĐỜI
Ngày 9 tháng 4 năm 2021, Cung điện Buckingham thông báo Hoàng thân Philip, người chồng có cuộc hôn kéo dài 73 năm với Nữ hoàng Elizabeth, qua đời ở tuổi 99. Tang lễ của ông, giữa đại dịch Covid-19, chỉ có các thành viên gia đình và bạn bè thân thiết tham dự. Nữ hoàng ngồi một mình trên ghế dài, đeo khẩu trang màu đen, tuân theo các quy định phòng dịch.
Mối tình lãng mạn của Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Elizabeth II đã vượt qua thử thách của thời gian. Cả hai luôn dành sự tôn trọng và ngưỡng mộ cho đối phương và kỷ niệm 73 năm ngày cưới vào tháng 11 năm 2020. Đây là một trong những chuyện tình dài nhất trong lịch sử của hoàng gia Anh.
NĂM 2022: ĐẠI LỄ BẠCH KIM
Vào sáng ngày 2 tháng 6 năm 2022, Anh đã tổ chức diễu hành mừng Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II, người đầu tiên trị vì Vương quốc Anh trong 70 năm.
Lễ kỷ niệm bắt đầu với cuộc diễu hành quân sự qua London, 82 phát đại bác được bắn và 70 máy bay của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh bay lượn trên bầu trời. Nữ hoàng xuất hiện trên ban công của Cung điện Buckingham khi hàng nghìn người Anh suy ngẫm về cuộc đời và thời gian trị vì lâu dài của bà.