• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nữ PGS đam mê với rừng

PGS. TS Lê Thị Hương là người đam mê nghiên cứu khoa học gắn với các loại thực vật ở...

PGS. TS Lê Thị Hương sinh năm 1986 tại Triệu Sơn (Thanh Hóa). Với niềm đam mê được khám phá, tìm hiểu thế giới tự nhiên xung quanh mình Lê Thị Hương đã lựa chọn khoa Sinh (Đại học Vinh).

Ngay năm học đầu tiên, Lê Thị Hương đã thể hiện niềm đam mê với cây cỏ khi theo các anh chị học viên cao học và thầy giáo hướng dẫn để cùng được thực hiện các công việc nghiên cứu về phân loại thực vật. Thành quả của niềm đam mê ấy là 1 công trình nghiên cứu đầu tiên đã được đăng trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nhóm nghiên cứu khi Hương mới chỉ là sinh viên năm thứ 2. Với thành tích xuất sắc của mình sau khi tốt nghiệp, Lê Thị Hương được giữ lại làm giảng viên của Trường Đại học Vinh. Đến nay, PGS. TS Lê Thị Hương đã có hơn 100 đề tài, bài báo được công bố, trong đó có 70 bài báo quốc tế và 30 bài báo được đăng trên tạp chí quốc gia.

Chân dung PGS. TS Lê Thị Hương.
Chân dung PGS. TS Lê Thị Hương.

Trong quá trình nghiên cứu, PGS. TS Lê Thị Hương tập trung vào hai hướng chính là sự đa dạng thực vật và tài nguyên thực vật. Bởi PGS.TS Hương thấy rằng các khu bảo tồn ở khu vực Bắc Trung Bộ có tính đa dạng rất cao, nhưng còn nhiều điều chưa được khám phá. Chẳng hạn nhóm nghiên cứu của PGS Hương phát hiện được 3 loại trà hoa vàng là trà hoa vàng Nghệ An, trà hoa vàng Pù Khoạt và trà hoa vàng Pù Khạc. 3 loại này đều thuộc trà hoa vàng và là sản vật có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác trà hoa vàng chủ yếu mới xuất phát từ người dân nhưng chưa khai thác hệ thống, vẫn đang bị lẫn lộn. Vì thế, khi đánh giá chất lượng, chúng ta chưa phân biệt được từng loại và đó là lý do vì sao giá trị kinh tế của trà hoa vàng Nghệ An chưa cao như các tỉnh khác. Từ thực tế này, trong quá trình nghiên cứu, mong muốn của nhóm không chỉ là phát hiện được nhiều loại trà hoa vàng mà còn phải đánh giá được trong các loại trà hoa vàng loại nào là có chất lượng tốt nhất để có thể phát triển thành thương hiệu.

Một trong những đề tài mà PGS. TS Lê Thị Hương tâm đắc nhất là việc công bố một loài Gừng mới ở vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) vào năm 2019. Bởi Gừng là đối tượng nghiên cứu chuyên sâu của nữ PGS trẻ trong thời gian qua. PGS. TS Hương bộc bạch: “Để có thể công bố một loài thực vật mới là cả một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu. Người nghiên cứu phải đi rất nhiều lần vào các thời điểm khác nhau để biết được đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của loài thực vật. Đặc biệt, là phải nghiên cứu được đặc điểm về cấu tạo của hoa (đặc điểm của cánh hoa, nhị hoa, nhụy hoa) và quả. Đây là những bộ phận của thực vật ít bị thay đổi theo điều kiện sống của môi trường. Do đó, tôi cũng không nhớ mình và đồng nghiệp đã đi bao nhiêu lần để tìm hiểu, và cuối cùng đã có được thành quả mình mong muốn, loài Gừng mới đã được công bố và đặt tên tại Vườn Quốc gia Vũ Quang”.

PGS. TS Lê Thị Hương trong một chuyến thực địa.
PGS. TS Lê Thị Hương trong một chuyến thực địa.

 Thời gian gần đây, nhóm của PGS Hương tập trung nghiên cứu nhiều hơn ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong, Nghệ An). Đây là Khu bảo tồn mới được thành lập năm 2013, với địa hình phức tạp, hiểm trở, điều kiện khí hậu, tự nhiên ở đây cũng rất phong phú nên hệ động thực vật cũng vô cùng phong phú và đa dạng và còn tiềm ẩn nhiều điều thú vị cần nghiên cứu. Do đó, nhóm tin rằng sẽ có nhiều loài mới còn chưa được phát hiện trong khu vực này. Mỗi loài thực vật đều mang trong mình một bí ẩn riêng, đặc biệt hoạt tính sinh học của các loài có ứng dụng rất cao trong thực tiễn và y học. Hàng trăm bài thuốc dân gian của các dân tộc ở vùng cao đã được sử dụng trong thực tiễn để điều trị các loại bệnh rất hiệu quả cũng có những "ẩn số" cần được giải đáp. Nếu tìm hiểu được các cây thuốc, bài thuốc, thành phần của từng loại thực vật hoạt chất sinh học của nó trong bài thuốc sẽ có tính ứng dụng rất cao. Đây cũng là một hướng đi mà nữ PGS hướng đến trong tương lai, nhưng chặng đường này sẽ gặp không ít trở ngại vì hầu hết những bài thuốc dân gian đều là những bài thuốc bí truyền trong các gia đình, dòng họ và họ sẽ rất ít, thậm chí không chia sẻ với người ngoài.

PGS. TS Lê Thị Hương tự nhủ: mình phải làm được cái gì và hướng nghiên cứu của mình có giúp được gì cho xã hội mới là cái đích cuối cùng của một người làm khoa học. Vì vậy, nữ PGS luôn xem cái khó là động lực để vươn lên. Hy vọng trong tương lai PGS Hương sẽ hoàn thành những dự định của mình, để những loài thực vật có thể phát huy hết tiềm năng phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của con người.

DIỆU HƯƠNG (T/H)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật