• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trần Uyên Phương - Điểm khởi đầu cho giấc mơ châu Á của Tân Hiệp Phát

Với sự có mặt của Trần Uyên Phương, Tân Hiệp Phát giờ đây có vẻ ngoài hiện đại và tự...

Ngoài việc hoàn toàn “phó thác” cơ nghiệp cho thế hệ sau, các công ty gia đình Việt Nam còn có một thế hệ kế cận nhưng chưa tiếp quản hẳn. Nhiều năm qua, giới kinh doanh dần quen mắt với trưởng nữ Trần Uyên Phương của ông Trần Quý Thanh , nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát , xuất hiện tại nhiều sự kiện, hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy chỉ giữ chức Phó Tổng Giám đốc, nhưng Uyên Phương đang được xem là người dẫn dắt chính cho Tân Hiệp Phát và được nhắm chắc ghế kế thừa cơ nghiệp tỷ đô mà cha cô truyền lại.

Trần Uyên Phương - Điểm khởi đầu cho giấc mơ châu Á của Tân Hiệp Phát
 

“Kết hôn với Tân Hiệp Phát”

Mỗi lần gặp Uyên Phương, báo giới đều gật đầu ở chỗ, cô là một người con gái nhỏ nhắn, nói giọng nhẹ nhàng và ăn mặc giản dị. “Nhỏ nhưng có võ”, giới kinh doanh khó bác bỏ việc con gái rượu của ông Thanh giỏi. Người ta kể rằng, cô hai nhà họ Trần làm việc bất kể ngày đêm, có khi 4h sáng đã dậy đi làm, có ngày chỉ ngủ vỏn vẹn 3 tiếng. Người ta thấy cô Phương liên tục bay xuyên quốc gia, mới gặp ở công ty đã thấy cô lên ti vi đi sự kiện hay hoạt động cộng đồng, vậy mà lâu lâu lại “trồi” ra cuốn sách!

“Sinh ra ở vạch đích” nhưng người ta ít thấy Uyên Phương “sang chảnh”. Nếu quan tâm tới chuyện nhà “Dr Thanh”, ai cũng hiểu, không có chuyện con gái ông Quý Thanh được đi học nước ngoài mà không mảy may lo đến học phí, càng không có chuyện cô “công chúa” được người khác chăm sóc, nuông chiều, tha hồ đỏng đảnh.

Trần Uyên Phương thường diện đồ không quá cầu kỳ, ít đeo phụ kiện. Ảnh: THP
Trần Uyên Phương thường diện đồ không quá cầu kỳ, ít đeo phụ kiện. Ảnh: THP

Trần Uyên Phương sống một cuộc đời mà theo chính ông Thanh từng nhận định, vừa may mắn, vừa “bạc phước”. Điều may mắn có lẽ ai cũng hiểu, còn “bạc phước”, theo ông, là do công ty càng thành công, trách nhiệm đè lên vai thế hệ kế cận ngày càng nặng. Năm 19 tuổi, Uyên Phương theo học ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Bradford, Singapore. Một thời gian sau, cô lại tiếp tục sang Mỹ học ở Đại học Harvard.

Sau khi về nước, Uyên Phương “kết hôn với Tân Hiệp Phát”, theo lời chị tự ví. Mỗi ngày cô dành 10-12 tiếng để làm việc. Với cô, làm việc mình thích cũng giống như đi chơi nên không cần thời gian xả stress. Uyên Phương tiết kiệm mọi thời gian cho công việc. Cô chọn nhà cũng gần công ty để tiện việc đi lại. Cô không mua siêu xe để đỡ tốn công chăm sóc.

Nghe qua, không ít người hình dung ngay về một Trần Uyên Phương nghiêm túc, khô khan, chỉ biết cắm đầu vào công việc. Nhưng Phương lại là một người trẻ cởi mở. Cô quan niệm rằng: “Chia sẻ thành công của mình cũng là cách mình học hỏi”.

Theo cô, chia sẻ chỉ là 1, nhưng khi mình học được từ những phản hồi sẽ là 10. Cô luôn xác định, chủ động cho đi sẽ nhận lại rất nhiều, không cần chờ được nhận lại thì mới cho đi. “Đối với hầu hết doanh nghiệp, những kinh nghiệm, tình huống cụ thể trong kinh doanh là cái bảo mật hoặc là bí quyết của họ. Bây giờ cũng là thời đại công nghệ 4.0 rồi, không phải quá khó để có thể bảo mật thông tin theo cách cũ nữa”, cô nói.

“Điểm khởi đầu” sau 20 năm của Tân Hiệp Pháp

Vào ngày kỷ niệm 20 năm thành lập, Chủ tịch Trần Quý Thanh ví chặng đường phát triển của doanh nghiệp rằng: “20 năm trước, Tân Hiệp Phát là chỉ là ‘trang nháp’. Bây giờ mới là ‘điểm khởi đầu’”. Và điểm khởi đầu chính là Uyên Phương.

Con gái rượu của ông Trần Quý Thanh có công đưa Tân Hiệp Phát số hoá thành công. Ảnh: THP
Con gái rượu của ông Trần Quý Thanh có công đưa Tân Hiệp Phát số hoá thành công. Ảnh: THP

Năm 2003, cô trở thành giám đốc dự án ERP , đưa Tân Hiệp Phát từ việc điều hành và kiểm soát bằng giấy lên vi tính hóa. Con gái ông Thanh giúp doanh nghiệp “già” thay đổi hoàn toàn quy trình, đưa hệ thống kiểm soát, quản lý phần mềm tích hợp từ tài chính, kho, mua hàng, kế hoạch và sản xuất.

Lúc bấy giờ, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp Việt đầu tiên của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam triển khai ứng dụng giải pháp phần mềm ERP quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp. Uyên Phương từng cho biết, đây là dự án nhiều triệu USD, đem lại hệ thống quản trị hiện đại hàng đầu thế giới, hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế.

Nhiều năm tiếp xúc với trời Tây giúp Uyên Phương nhận ra một điều, các doanh nghiệp ngoại “rất máu” với marketing . Nhưng đây lại là “tử huyệt” của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên với Tân Hiệp Phát khi có Uyên Phương, đây lại là vũ khí.

"Doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, làm tốt sản phẩm, nhưng như thế là chưa đủ. Chúng tôi cần có một kênh truyền thông đối với bên ngoài, cho người tiêu dùng hiểu, giúp thay đổi nhận thức của xã hội”, Uyên Phương nhấn mạnh.

 

 

 

Theo đó, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát đặc biệt lưu tâm đến các hoạt động marketing, quảng cáo. Là doanh nghiệp trong ngành đồ uống, Phương cho biết số lượng khách hàng phải tiếp cận lên đến chục triệu người. Bài toán đặt ra là làm thế nào để người tiêu dùng hiểu doanh nghiệp, sản phẩm trong thời gian ngắn nhất.

"Nếu như họ không thể hiểu chúng tôi trong 15 - 30 giây thì chúng tôi sẽ không bán sản phẩm được. Một sản phẩm đầu tư đến vài trăm triệu nhưng khi ra bên ngoài nó chỉ còn có giá 10.000 đồng thôi. Làm thế nào để trong 30 giây, chúng tôi phải truyền tải được ý tưởng, khiến khách hàng ghi nhớ", cô từng phân tích.

Và Phương chọn TVC (các đoạn phim quảng cáo ngắn) là công cụ quan trọng nhất. Ở Tân Hiệp Phát, để đưa ra một TVC cần khoảng 6 tháng với ngân sách khoảng 100.000 USD. Còn chi phí phát hành có thể lớn hơn gấp 10 lần.

Những ngày này, đi ngang cầu Sài Gòn, người ta đều hướng mắt lên tấm biển quảng cáo sáng đèn ngày đêm, dòng chữ to to chạy liên hồi bên dưới chai trà sữa vừa được siêu mẫu Võ Hoàng Yến nếm thử. Đó là kết quả có được khi Tân Hiệp Phát mạnh tay tài trợ độc quyền cho chương trình truyền hình thực tế The Face Vietnam 2018.

Nhắc đến tài trợ độc quyền, người ta quen tay với các thương hiệu ngoại, từ Hàn Quốc, Trung Quốc đến Mỹ, Thái Lan,… Thế mà một bà phó tổng giám đốc của một công ty Việt Nam lại lên sóng truyền hình, ngồi làm giám khảo khách mời trên một trong những chương trình “ăn khách” nhất.

Uyên Phương ngồi ghế giám khảo khách mời trên chương trình truyền hình thực tế. Ảnh: Multi Media
Uyên Phương ngồi ghế giám khảo khách mời trên chương trình truyền hình thực tế. Ảnh: Multi Media

Nhưng Uyên Phương không “đốt tiền” để chạy truyền thông. Với những hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), lĩnh vực giúp cho người tiêu dùng có thêm nhiều thiện cảm với doanh ngiệp nhưng lại tốn rất nhiều chi phí, Uyên Phương luôn thống nhất quan điểm: Có ích cho cộng đồng nhưng phải gắn với doanh nghiệp. “Không phải hoạt động nào doanh nghiệp cũng nhảy vào. Các hoạt động cần có sự gắn kết và lợi ích được chia sẻ mới tạo ra được sự bền vững", cô khẳng định.

Theo đó, Tân Hiệp Phát đã chọn những hoạt động liên quan đến thể thao, mong muốn tạo ra những sân chơi lành mạnh. Những hoạt động này đồng thời cũng có nhu cầu cao về thức uống.

"Con gái nhỏ của ba Thanh"

Các thế hệ kế cận luôn sợ mác “con của ông này”, “cháu của bà nọ”. Trần Uyên Phương cũng ngại điểm này nhưng cô ít khi ngại thừa nhận sự sát cánh của ba trong việc quản trị Tân Hiệp Phát. Người ta luôn thấy, luôn nghe cô kể về những lần ba Thanh đồng hành cũng con gái nhỏ trước những quyết sách quan trọng.

Và với Phương, ba cô luôn là hình mẫu cho cô vươn tới về nghị lực và là người truyền lửa cho cô. Trong lần chia sẻ với báo giới khi ra mắt cuốn sách viết về gia đình, Phương nói, cô cảm thấy rất tự hào khi được ở bên ba, được sống với ba từng ngày. Phương học được từ ba niềm hạnh phúc, cách tương tác và sự cống hiến.

Những ai từng đọc Chuyện nhà Dr Thanh đều nhận thấy rõ, con gái rượu của ông Thanh rất quan tâm, chu đáo và luôn quý trọng ba. Uyên Phương nhớ rõ những biến cố cuộc đời của người trụ cột gia đình, thuật lại như in những cuộc trò chuyện ngắn nhưng chứa đầy bài học. Sách Phương viết ra là để cho ba Thanh và má Nụ.

Cô nói: “Tôi quan niệm, nếu mình có thể làm được điều gì lúc ba má còn có thể hưởng thụ được, cảm nhận được sự chia sẻ thì mình làm. Chứ khi ba má mất rồi, có viết một cuốn nhật ký ‘oách xà lách’, rất chỉn chu, rất ‘đẳng cấp’ thì ba má có nhận được đâu”.

Trần Uyên Phương không ngại chia sẻ việc ông Thanh vẫn dẫn dắt cô trong việc điều hành công ty. Ảnh: THP
Trần Uyên Phương không ngại chia sẻ việc ông Thanh vẫn dẫn dắt cô trong việc điều hành công ty. Ảnh: THP

Đi đến đâu, trả lời phỏng vấn báo đài nào, người ta cũng thường nghe Phương nói về triết lý kinh doanh “không gì là không thể” của ông Quý Thanh. Theo Phương, ba cô là người thầy “ra thầy”, không hề lộ chiêu thức nhưng thực sự đã dẫn dắt được hò trò bước vào bài học, sống, trải nhiệm và lớn lên trong những bài học.

Uyên Phương viết trong cuốn Chuyện nhà Dr Thanh: “Tôi nghĩ thật đơn giản, với tôi, ba má tôi là ba Thanh, má Nụ. Vậy thôi, tôi không thích gọi kèm theo tên họ là ông bán vé số, bà bún ốc, là tỷ phú hay chính trị gia”.

Trước đây, ông Thanh thường hay mơ về một “công ty hàng đầu châu Á”. Giờ đây, con gái ông là người sẽ tiếp sức ông thực hiện điều này. Chia sẻ với báo chí, Trần Uyên Phương từng kỳ vọng, Tân Hiệp Pháp sẽ trở thành công ty top 10 châu Á trong ngành giải khát và thực phẩm. 


Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật