• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách đối với nhà khoa học nữ - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Bài viết này giới thiệu khái quát về những kinh nghiệm khuyến khích phụ nữ tham gia hoạt...

Trên thế giới hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học không quá phụ thuộc vào việc quốc gia đã phát triển hay đang phát triển mà chính là phụ thuộc vào Chính phủ có quan tâm đến nhà khoa học nữ hay không? Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và một số tổ chức quốc tế đã rất quan tâm đến việc khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học và có nhiều cơ chế, chính sách cụ thể trong việc bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận diện những rào cản đối với nhà khoa học nữ được xuất phát từ những đặc thù riêng của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học. Những rào cản này có ảnh hưởng không nhỏ đến đóng góp của nhà khoa học nữ. Trong xã hội, phụ nữ là đối tượng yếu thế nên rất cần được sự quan tâm. Đồng thời, để hạn chế vấn đề định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới đối với phụ nữ trong nghiên cứu khoa học sẽ cần nhiều biện pháp khác nhau, trong đó xây dựng chính sách dành cho nhà khoa học nữ là một trong nhiều cách mà các quốc gia đã lựa chọn.

Mục đích các quốc gia đã thực hiện các công cụ chính sách là để khuyến khích sự bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học, nhằm làm giảm bớt những thiệt thòi cho phụ nữ và khắc phục những rào cản vốn có của người phụ nữ. Trong hệ thống chính sách, có những quốc gia tập trung vào chính sách đào tạo, thu hút, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhà khoa học nữ, có những chính sách nhằm tôn vinh nhà khoa học nữ có thành tích nổi bật, có những chính sách nhằm tăng thu nhập và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để nhà khoa học được sáng tạo, cống hiến và có khả năng thăng tiến nghề nghiệp,…

Bài viết này giới thiệu khái quát về những kinh nghiệm khuyến khích phụ nữ tham gia hoạt động KH&CN ở một số nước trên thế giới và đánh giá các vấn đề trong chính sách hỗ trợ phụ nữ trong hoạt động KH&CN của Việt Nam, từ đó đưa ra những khuyến nghị để giúp các nhà khoa học nữ khắc phục được những khó khăn từ chức năng kép của mình, tiếp cận nhiều hơn cơ hội nghiên cứu khoa học và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách đối với nhà khoa học nữ ở một số quốc gia trên thế giới

Trung Quốc

Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụngđãi ngộtôn vinh phụ nữ hoạt động KH&CN được Trung Quốc thể hiện rõ trong các văn bản chiến lược, quy hoạch phát triển trung và dài hạn như: Quy hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 2006 - 2020; Quy hoạch phát triển nhân tài giai đoạn 2011 - 2020,…; trong đó có một số nội dung cơ bản liên quan đến nhà khoa học nữ. Năm 2010, văn kiện chung của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước đã đề ra giải pháp chính sách nhằm giúp phụ nữ tài năng trong việc cân đối giữa công việc cơ quan và công việc gia đình, đồng thời phấn đấu cân bằng tỷ lệ giới tính nam, nữ trong các tổ chức.

Mở rộng cơ hội việc làm cho nữ giới trong các lĩnh vực KH&CN

Các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đại học đảm nhận các công trình, nhiệm vụ KH&CN của Nhà nước khuyến khích ưu tiên nữ giới tham gia. Khi xét duyệt, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cần xem xét thêm yếu tố nữ tham gia. Đối với chế độ tuyển dụng, các đơn vị nghiên cứu khoa học ngoài việc phải tuân thủ pháp luật, còn cần đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho nữ giới. Trong điều kiện tuyển dụng tương đồng giữa nam và nữ thì ưu tiên tuyển dụng nữ giới.

Nâng cao công tác đào tạo bồi dưỡng nhà khoa học nữ

Đảm bảo tỉ lệ nữ nhất định trong các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức do Nhà nước tổ chức. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cho nhà khoa học nữ trên các lĩnh vực như kiến thức chuyên môn, phương pháp đổi mới sáng tạo, quản lý nghiên cứu khoa học. Các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đại học và doanh nghiệp cần cung cấp kinh phí, đảm bảo thời gian để nhà khoa học nữ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, giao lưu học thuật.

Thúc đẩy nhà khoa học nữ tham gia vào công tác quản lý KH&CN và công tác tư vấn chính sách

Các bộ ngành và địa phương cần phát huy khả năng của nhà khoa học nữ trong công tác quản lý và xây dựng chính sách, nâng cao vị trí và khả năng của nhà khoa học nữ trong công tác này. Các đơn vị quản lý KH&CN, đơn vị đề ra quyết sách phải đảm bảo tỉ lệ nhà khoa học nữ nhất định. Nâng cao tỉ lệ nhà khoa học nữ trong hội đồng chuyên gia đánh giá các nhiệm vụ KH&CN của Nhà nước. Các tổ chức học thuật, hiệp hội KH&CN từng bước nâng cao tỉ lệ hội viên, lãnh đạo là nữ giới.

Hỗ trợ nhà khoa học nữ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học trong giai đoạn thai sản và nuôi con nhỏ

Áp dụng các chính sách như bố trí công việc linh hoạt, điều chuyển nhân viên hỗ trợ đối với nhà khoa học nữ trong giai đoạn thai sản và nuôi con nhỏ. Đối với nhà khoa học nữ xuất sắc, sau khi sinh con 5 năm, các đơn vị phải đảm bảo các điều kiện hỗ trợ ổn định. Quá trình xét duyệt các nhiệm vụ KH&CN của Nhà nước cần phải mở rộng giới hạn về độ tuổi đăng ký đối với nhà khoa học nữ. Đối với nhà khoa học nữ trong giai đoạn thai sản và nuôi con nhỏ đảm nhiệm các nhiệm vụ KH&CN có thể gia hạn kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ một cách thích hợp.

Mở rộng chính sách khích lệ, động viên đối với nhà khoa học nữ

Trong cơ cấu giải thưởng KH&CN cần phải từng bước nâng cao tỉ lệ nhà khoa học nữ đạt giải. Vận động xã hội xây dựng, thành lập các quỹ hỗ trợ các nhà khoa khọc nữ; khích lệ các giới trong xã hội hình thành các quỹ học bổng chuyên môn dành cho nhà khoa học nữ; đảm bảo chính sách chuyên gia nữ cấp cao được lựa chọn độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Xây dựng môi trường và điều kiện làm việc cho nhà khoa học nữ

Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải tập trung thúc đẩy xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, sự tin tưởng lẫn nhau, khuyến khích cùng sáng tạo.

Mở rộng điều kiện về độ tuổi đối với nhà khoa học nữ trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN của Quỹ Khoa học tự nhiên Trung Quốc (NSFC)

Quỹ NSFC nhằm vào sử dụng có hiệu quả nhà khoa học nữ bằng việc tạo những điều kiện khuyến khích nhà khoa học cao nữ hơn so với nhà khoa học nam giới, cụ thể như sau[1]:

Tại Trung Quốc, các ứng viên xin việc và xin tài trợ đều bị giới hạn điều kiện về độ tuổi. Tuy nhiên, năm 2011, NSFC đã mở rộng giới hạn độ tuổi của phụ nữ khi nộp đơn tới Quỹ Nhà khoa học trẻ là từ 35 tuổi lên 40 tuổi. Trong khi đó, nam giới vẫn giữ nguyên ở mức 35 tuổi. Việc thay đổi yêu cầu này đã tạo cơ hội nhiều hơn cho các nhà khoa học nữ. Việc mở rộng độ tuổi giới hạn của phụ nữ đã khiến tỷ lệ phụ nữ nộp đơn xin tài trợ tới Quỹ Nhà khoa học trẻ tăng và vì vậy cũng đã làm tăng kinh phí từ ngân sách tài trợ dành cho các nhà khoa học nữ.

Những thay đổi chính sách của Trung Quốc, đặc biệt là của Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc đã góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong hoạt động khoa học, giúp phụ nữ có một môi trường nghiên cứu bình đẳng hơn với nam giới để phát huy tài năng của họ và trên thực tế đội ngũ nhà khoa học nữ đã thu được nhiều thành tựu đáng kể.

Đài Loan (Trung Quốc)

Theo thống kê năm 2016 của Bộ KH&CN Đài Loan (Trung Quốc), tỷ lệ nữ làm việc toàn thời gian chiếm 21,3%. Để khuyến khích phát triển nhà khoa học nữ, tháng 10/2011, Đài Loan thành lập Hội các nhà khoa học nữ Đài Loan với mục đích: (i) khuyến khích và động viên phụ nữ tham gia các lĩnh vực khoa học công nghệ kỹ thuật và toán học; (ii) nâng cao chuyên môn và vị thế của nữ giới trong các lĩnh vực KH&CN; (iii) tăng cường mối liên hệ giữa nữ giới thông qua mạng lưới KH&CN; (iv) xây dựng mạng lưới quốc tế cho phụ nữ trong các lĩnh vực KH&CN. Hội sẽ đã tài trợ cho các nhà khoa học nữ trẻ qua các dự án có tính áp dụng thực tiễn cao.  

Tại Đài Loan (Trung Quốc), việc thúc đẩy vấn đề giới trong hoạt động KH&CN đã được quan tâm từ nhiều năm nay trong sự gắn kết chặt chẽ của các Bộ, ngành. Do vậy, các nhà khoa học nữ của Đài Loan cũng đã đạt được nhiều thành tích đáng kể trong công tác nghiên cứu khoa học. Bộ KH&CN Đài Loan đã cung cấp kinh phí cho các dự án chuyên về giới trong KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp kinh phí cho các dự án về giới trong KH&CN ở trường trung học phổ thông, giới trong phát triển giáo dục STEM,…Đài Loan là quốc gia có chỉ số bình đẳng giới tương đối cao trên thế giới. Trong bảng dưới đây thể hiện chỉ số bình đẳng của Đài Loan trong so sánh với một số quốc gia.

  Bảng 1. Xếp hạng liên quan đến giới của một số quốc gia - Nguồn: Báo cáo của Đài Loan tại Hội nghị quốc tế về mạng lưới quốc tế các nhà khoa học và kỹ thuật nữ - Châu Á – Thái Bình Dương, 18-20/10/2018

Bảng 1. Xếp hạng liên quan đến giới của một số quốc gia - Nguồn: Báo cáo của Đài Loan tại Hội nghị quốc tế về mạng lưới quốc tế các nhà khoa học và kỹ thuật nữ - Châu Á – Thái Bình Dương, 18-20/10/2018

Tỷ lệ lao động nữ trong tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề tại Đài Loan thuộc loại trung bình. Số liệu năm 2014 cho thấy, tỷ lệ lao động nữ là 50,6 %, trong khi ở các nước như Đức, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, tỷ lệ này tương ứng là 54,8; 57,0; 49,2 và 51,3. Tuy nhiên, nhìn chung, lực lượng nữ giới tham gia trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật ở Đài Loan tương đối thấp, chỉ chiếm khoảng 15-28% so với tổng số đội ngũ nhân lực làm việc trong lĩnh vực KH&CN.

  Tỷ lệ nữ giới tham gia lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật ở Đài Loan - Nguồn: Báo cáo của Đài Loan tại Hội nghị quốc tế về mạng lưới quốc tế các nhà khoa học và kỹ thuật nữ - Châu Á – Thái Bình Dương, 18-20/10/2018  Chú thích:  Đường trên: Tỷ lệ nữ giới tham gia lĩnh vực khoa học xã hộiĐường dưới: Tỷ lệ nữ giới tham gia lĩnh vực khoa học kỹ thuật

Tỷ lệ nữ giới tham gia lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật ở Đài Loan - Nguồn: Báo cáo của Đài Loan tại Hội nghị quốc tế về mạng lưới quốc tế các nhà khoa học và kỹ thuật nữ - Châu Á – Thái Bình Dương, 18-20/10/2018

Chú thích:
Đường trên: Tỷ lệ nữ giới tham gia lĩnh vực khoa học xã hộiĐường dưới: Tỷ lệ nữ giới tham gia lĩnh vực khoa học kỹ thuật

Xây dựng chương trình dành cho nhà khoa học nữ

Chính phủ Đài Loan (Trung Quốc) đã ban hành Chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ nghiên cứu khoa học (năm 2007) và Kế hoạch hành động về thúc đẩy bình đẳng giới trong KH&CN (năm 2011). Thông qua Chương trình này, số lượng nhà khoa học nữ và kết quả nghiên cứu đã tăng mạnh.

Mỗi năm, Đài Loan đều có các kế hoạch hỗ trợ các nhà khoa học nữ dưới 35 tuổi thuộc diện hoàn cảnh khó khăn cần trợ cấp hoặc hỗ trợ nhà khoa học nữ tham gia các hội nghị quốc tế, ra nước ngoài nghiên cứu,… với mỗi suất có thể lên tới 100.000 Đài tệ/năm. Tiến hành trao các giải thưởng nhằm vinh danh các nhà khoa học nữ xuất sắc với mức giải thưởng từ 14.000 – 20.000 USD, nhà khoa học nữ ưu tú dưới 42 tuổi với mức thưởng 3.000 USD.

Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan tài trợ nghiên cứu cho các nhà khoa học nữ

Do Với sự tham gia còn rất hạn chế của nữ giới trong lĩnh vực khoa học xã hội và kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan nhận thấy cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho phụ nữ để họ tham gia vào lĩnh vực này. Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan đang thực hiện một số chương trình riêng nhằm hỗ trợ phụ nữ trong khoa học, bao gồm: Dự án nghiên cứu công nghệ và giới (GST), bắt đầu từ năm 2007 với khoản kinh phí từ 700.000 - 1.000.000 đô la Mỹ một năm với tổng số 40 dự án thành phần, Dự án A: Chương trình hành động thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động KH&CN, bắt đầu từ năm 2011- với kinh phí 70.000 – 90.000 đô la Mỹ một năm với 01 dự án trong vòng 3 năm; Dự án B: các hoạt động và ấn phẩm phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bắt đầu từ năm 2014 với tổng kinh phí 300.000 đô la Mỹ một năm với số lượng dự án thành phần 12-13 dự án.

Xây dựng Quỹ nghiên cứu dành cho phụ nữ

Năm 2017, Đài Loan đã thành lập Quỹ nghiên cứu dành cho phụ nữ. Trong 10 năm qua đã có 424 đề tài, dự án đã được đầu tư với tổng lên tới gần 10 triệu đô la Mỹ. Trong các trường đại học, số lượng nghiên cứu viên là nữ giới chiếm khoảng 33% và chỉ có 24% trong số họ tham gia các đề tài nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ. Để khuyến khích các nhà khoa học nữ nghiên cứu, giảm gánh nặng và trách nhiệm chăm sóc gia đình mà không có điều kiện để theo đuổi sự nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan đã đưa ra chương trình tài trợ với các nhà khoa học nữ chưa bao giờ được tài trợ hoặc trong vòng 5 gần đây chưa được tài trợ. Kinh phí cho một đề tài là 800,000 Đài tệ (25,000 USD). Số lượng nhà khoa học nữ được tài trợ là khoảng 100 người/ năm[2].

Giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ

Từ năm 2008, Hội Phụ nữ Đài Loan phối hợp với Quỹ L’Oreal Đài Loan và Quỹ Wu ­Chien-­shiung trao giải thưởng hàng năm dành riêng cho phụ nữ với tên gọi “Phụ nữ xuất sắc trong khoa học”. Đây là giải thưởng có giá trị không chỉ về vật chất mà còn có giá trị tinh thần rất lớn để khuyến khích các nhà khoa học nữ trong hoạt động KH&CN.

Australia

Ở Australia, trong giai đoạn đầu sự nghiệp KH&CN, phụ nữ chiếm khoảng 50% tổng nhân lực nghiên cứu và phát triển, nhưng phụ nữ chỉ chiếm khoảng 17% trong tổng số các nhà nghiên cứu cấp cao ở các trường đại học và viện nghiên cứu. Việc không thu hút và duy trì được đội ngũ nhà khoa học nữ đã ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như việc phát triển KH&CN của Australia.Nhận thức được điều đó, Chính phủ Australia đã ban hành chính sách về bình đẳng giới và được quy định rõ trong các đạo luật, vì thế nữ giới nói chung và nhà khoa học nữ nói riêng được hưởng những đặc quyền và ưu đãi hơn so với nam giới. Mục đích là để giữ chân được được các nhà khoa học giỏi. Một số chính sách được áp dụng như:

- Bất kể đơn vị nghiên cứu hay trường đại học đều phải có số lượng lao động và nghiên cứu là nữ giới, với tỷ lệ ít nhất là 10% trên tổng số;

- Sau thời gian nghỉ sinh nở, các nhà khoa học nữ được ưu tiên hơn về thời gian làm việc so với quy định chung;

- Trong việc bình xét các ý tưởng nghiên cứu, nữ giới luôn được ưu tiên xem xét hơn so với nam giới trong cùng các điều kiện tương tự;

- Trong việc bổ nhiệm, mặc dù tiêu chí hàng đầu là phải có tài năng xuất chúng, tuy nhiên trong trường hợp có 2 ứng cử viên ngang nhau, nếu một trong hai người đó là phụ nữ thì phụ nữ sẽ được lựa chọn.

Ngoài ra, trong các chính sách phát triển KH&CN mới ban hành trong thời gian gần đây đã khẳng định Chính phủ sẽ mở rộng cơ hội cho phụ nữ trong hoạt động khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), để tăng tỷ lệ nhà khoa học nữ. Australia xây dựng kế hoạch 10 năm “Phụ nữ trong lĩnh vực STEM” ban hành năm 2019. Chính phủ Australia đã yêu cầu Viện Hàn lâm khoa học Australia và Viện Hàn lâm công nghệ và kỹ thuật Australia xây dựng kế hoạch này. Mục tiêu của kế hoạch là đưa ra lộ trình 10 năm cho việc đạt được một cách bền vững việc tăng sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực STEM, từ khi còn học phổ thông cho đến lúc đi làm. Kết quả của kế hoạch này là cải thiện tình hình về bình đẳng giới một cách bền vững, cải thiện chất lượng về kỹ năng và chuyên môn, tăng cường sự tiếp cận cho nữ giới tham gia STEM, mở rộng cơ hội học tập và cơ hội thăng tiến cho phụ nữ.

Bên cạnh đó, các cơ quan tài trợ cho nghiên cứu khoa học của Úc Australia đã linh hoạt hơn trong các chương trình học bổng đối với nữ giới, bao gồm học bổng nghiên cứu bán thời gian và hỗ trợ việc nghỉ gián đoạn của phụ nữ trong nghiên cứu để ưu tiên đào tạo đối với nữ giới và giữ nhà khoa học nữ trong hoạt động KH&CN. Khi tuyển chọn và xem xét tài trợ các đề tài nghiên cứu, các tiêu chí về bình đẳng giới có lợi thế cho phụ nữ cũng được quan tâm. Ngoài ra, Chính phủ Úc còn đưa ra các chương trình học bổng dành riêng cho phụ nữ như: học bổng nữ nghiên cứu khoa học, học bổng dành cho nữ giới tham gia lĩnh vực khoa học kỹ thuật,…. Các nhà sử dụng lao động của Úc Australia cũng luôn đảm bảo sự công bằng về giới khi tuyển dụng các vị trí làm việc theo các tiêu chí công khai và chế độ đãi ngộ theo các quy định pháp luật hiện hành. Các nhà khoa học nữ xuất sắc đều được Nhà nước và cộng đồng ghi nhận thành tích và tôn vinh bình đẳng như nam giới.

Israel

Trong nhiều năm qua, Israel đã phát triển nhiều chương trình của chính phủ và phi chính phủ nhằm hướng tới sự tiến bộ của phụ nữ trong hoạt động KH&CN và khuyến khích phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực KH&CN. Các chương trình này được thực hiện thông qua các trường đại học, trường trung học và doanh nghiệp. Một số chính sách tiêu biểu của Israel:

Thành lập tổ chức vì sự tiến bộ của phụ nữ

Israel đã thành lập Hội đồng Quốc gia về vì sự tiến bộ của phụ nữ trong KH&CN, được thành lập vào năm 2000. Hội đồng này nhằm điều phối hoạt động giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận và tư nhân nhằm hướng tới sự tiến bộ của phụ nữ trong khoa học. Đồng thời, Hội đồng còn đóng vai trò trong điều phối tất cả các chương trình của Israel với Liên minh Châu Âu nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề phụ nữ phải đối mặt đối với công việc và trong các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Chương trình học bổng thực tập sau tiến sỹ cho nhà khoa học nữ

Từ năm 2007, Viện Khoa học mang tên Weizmann đã bắt đầu một chương trình toàn diện để hỗ trợ các nhà khoa học nữ ở Israel. Một phần của Chương trình này là Chương trình học bổng thực tập sau tiến sỹ nhằm hỗ trợ các nhà khoa học nữ (The Israel National Postdoctoral Award Program for Advancing Women in Science). Chương trình học bổng này phục vụ cho cộng đồng khoa học Israel và được Giáo sư Danielle Goldfarb, cố vấn khoa học của Tổng thống về việc thúc đẩy phụ nữ trong khoa học, làm chủ tịch chương trình.

Chương trình học bổng thực tập sau tiến sỹ cho nhà khoa học nữ được thiết kế như sau: các nhà khoa học nữ xin học bổng thực tập sau tiến sỹ ở nước ngoài và khi được chấp nhận, chương trình sẽ cung cấp thêm một khoản kinh phí cho ứng viên. Cho đến nay, đã có 106 nhà khoa học nữ được tài trợ và trung bình khoảng 10-11 nhà khoa học nữ được chọn hàng năm. Hàng năm, các tiến sỹ nữ xuất sắc tốt nghiệp trong các ngành khoa học tự nhiên và khoa học chính xác ở các viện nghiên cứu và trường đại học khắp Israel được khuyến khích đăng ký học bổng thực tập sau tiến sỹ của chương trình nêu trên. Chương trình sẽ do Hội đồng bao gồm Chủ tịch và các thành viên là các nhà khoa học uy tín để xét học bổng.

Giá trị của học bổng khoảng 15,000 đô la Mỹ cho mỗi năm thực tập sinh. Đối với thực tập sinh có đưa gia đình đi cùng sẽ được tăng mức học bổng. Nếu có một con đi cùng, học bổng sẽ được tăng 5,000 đô la Mỹ và có hai con đi cùng sẽ được tăng 8,500 đô la Mỹ trong một năm. Tổng giá trị học bổng không vượt quá 200,000 đô la Mỹ cho 2 năm thực tập.

Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ cho các nhà khoa học nữ một khoản kinh phí, ngoài học bổng đã được nhận ở nước ngoài. Việc cấp học bổng trong năm thứ hai dựa trên báo cáo tiến độ của năm thứ nhất và thư của tổ chức nhận thực tập khẳng định việc tiếp tục nghiên cứu năm thứ hai. Sau 10 năm thực hiện chương trình, Chương trình học bổng thực tập sau tiến sỹ dành cho các nhà khoa học nữ đã có những kết quả đáng khích lệ. Một số nhà khoa học đã được học bổng đã chia sẻ: “Không dễ dàng gì khi phải nuôi sống gia đình bằng đồng lương khiêm tốn của thực tập sinh sau tiến sỹ. Và học bổng của Chương trình đã giúp gia đình tôi có điều kiện sống tốt hơn, còn tôi thì tập trung hơn cho nghiên cứu của mình”; “Trên cả những lợi ích về tài chính, học bổng đã giúp tôi có đủ tự tin rằng tôi có thể thực hiện được bước đi quan trọng này trong sự nghiệp nghiên cứu và quay về làm việc tại Israel”;…

Chương trình học bổng kết hợp

Chương trình học bổng kết hợp dành cho các nữ tiến sỹ sau khi bảo vệ luận án thành công, nhưng không có khả năng thu xếp tham gia các khoá thực tập sau tiến sỹ ở nước ngoài, và lại có mong muốn được trải nghiệm nghiên cứu quốc tế. Chương trình cho phép kết hợp giữa một phòng thí nghiệm ở Viện Weizmann với một phòng thí nghiệm ở một viện nghiên cứu hoặc trường đại học danh tiếng ở quốc gia khác, cho phép ứng viên có độ linh hoạt cao nhất khi làm việc ở cả hai phòng thí nghiệm. Học bổng được chi cho các khoản như tiền vé máy bay đi lại, tiền ở, và tiền chi tiêu hàng ngày cho thời gian ứng viên nghiên cứu ở phòng thí nghiệm nước ngoài.

Giá trị của học bổng là 10,000 đô la Mỹ một năm, học bổng kéo dài 2 năm, hàng năm đều phải có báo cáo đánh giá giữa kỳ. Ứng viên có thể xin các loại học bổng khác để có thể đủ kinh phí cho nghiên cứu của mình. Kinh phí được sử dụng một cách linh hoạt, nếu không sử dụng hết trong năm đầu có thể chuyển sang năm sau, kinh phí dư thừa sẽ được trả lại cho chương trình. Học bổng được xét dựa trên sự cạnh tranh của các ứng viên.

Giải thưởng khoa học dành cho phụ nữ (Giải thưởng Weizmann)

Giải thưởng Weizmann dành cho phụ nữ trong hoạt động khoa học là giải thưởng 2 năm một lần được thành lập từ năm 1994, dành cho các nhà khoa học nữ quốc tế có uy tín, những người đóng góp đáng kể cho lĩnh vực nghiên cứu của họ cũng như cho cộng đồng khoa học nói chung. Giá trị của giải thưởng là 25,000 đô la Mỹ. Mục tiêu của giải thưởng[3] là thúc đẩy phụ nữ trong hoạt động khoa học và tạo ra một hình mẫu về giới nữ để khuyến khích các thế hệ của các nhà khoa học nữ trẻ tuổi. Người được nhận giải sẽ được mời đến viện Weizmann để nhận giải và giảng bài. Năm 2019, giải thưởng sẽ đã được trao cho lĩnh vực khoa học sự sống. Tại Viện Khoa học Weizmann - Israel, các tiến sỹ, giáo sư nữ có những kết quả NC&PT đáp ứng nhu cầu thực tiễn được cấp tiền hỗ trợ chi trả vào những công việc nhà, trông con để có thời gian nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Nếu có kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng ngay trong sản xuất sẽ được hỗ trợ kinh phí để thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó.

Một số đề xuất xây dựng chính sách đối với nhà khoa học nữ ở Việt Nam

Ở Việt Nam, sau khi Luật Bình đẳng giới được thông qua năm 2006, năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu tổng quát đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Sau đó, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tại Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22/07/2011. Đây là một trong những công cụ quan trọng giúp Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2016. Đồng thời, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) năm 1980 và phê chuẩn vào năm 1982.

Công ước CEDAW đã cung cấp một nguyên lý toàn diện nhằm loại trừ sự phân biệt dựa trên giới tính dưới mọi hình thức và định hướng cho việc xây dựng khung pháp lý và hành động toàn diện dựa trên nguyên tắc quyền con người, nhằm chấm dứt phân biệt đối xử với phụ nữ. Việt Nam đã thông qua và cam kết thực hiện Mục tiêu Phát triển thiên niên kỉ (MDG) và Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Những nước tích cực thúc đẩy bình đẳng giới thường đạt được tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững hơn. Bởi vậy, đối với Việt Nam, việc tạo điều kiện thuận lợi bằng những chính sách thiết thực phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ (chiếm 46% tổng số nhân lực nghiên cứu và phát triển)[1] sẽ là một trong những biện pháp góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế - xã hội.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên đây, để khuyến khích sự tham gia và thúc đẩy sự đóng góp của nữ giới trong hoạt động KH&CN ở Việt Nam, cần lưu ý một số nội dung sau:

Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò quan trọng của phụ nữ nói chung, nhà khoa học nữ nói riêng

Cần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ. Việt Nam là một trong số những nước ở Châu Á chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến kéo dài, phụ nữ phần lớn được đánh giá có vai trò thứ yếu trong xã hội. Tư tưởng này cho đến nay đã trở nên lạc hậu nhưng vẫn ăn sâu trong một bộ phận tầng lớp nhân dân. Trong nhiều cơ quan nghiên cứu, phụ nữcũng thường được đánh giá thấp hơn nam giới. Ở Việt Nam, việc nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ nghiên cứu khoa học là cần thiết. Việc này không chỉ dừng lại ở tuyên truyền mà cần có hành động cụ thể như đưa nhận thức về vai trò của phụ nữ vào các chương trình giáo dục ở tất cả các cấp học.

Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhà khoa học nữ

Nâng cao công tác đào tạo bồi dưỡng nhà khoa học nữ, đảm bảo tỉ lệ nữ nhất định trong các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức do Nhà nước tổ chức. Các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đại học và doanh nghiệp cần hỗ trợ về thời gian và kinh phí để nhà khoa học nữ được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Vì vậy, cần liên tục đổi mới giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực nữ tài năng. Ngoài ra, giáo dục làm thay đổi nhận thức của phụ nữ về vai trò của mình trong xã hội đồng thời cũng làm thay đổi căn bản nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ, triệt tiêu được tư tưởng phân biệt về giới trong xã hội. Giáo dục cũng làm thay đổi suy nghĩ của người phụ nữ về tương lai của mình và mở cho họ những cơ hội lựa chọn tương lai tốt hơn.

Xây dựng chính sách sử dụng, đãi ngộ tương xứng với đóng góp của nhà khoa học nữ

Cần có chính sách sử dụng và đãi ngộ phù hợp đối với tài năng khoa học và xây dựng môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi cho nhà khoa học nữ. Mở rộng chính sách khích lệ, động viên đối với nhà khoa học nữ. Trong cơ cấu giải thưởng KH&CN cần phải từng bước nâng cao tỉ lệ nhà khoa học nữ đạt giải. Từng bước hình thành các quỹ học bổng chuyên môn dành cho nhà khoa học nữ; đảm bảo chính sách chuyên gia nữ cấp cao được lựa chọn độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Xây dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi

Cần tạo môi trường nghiên cứu khoa học hiện đại, dân chủ, thân thiện, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, khuyến khích cùng sáng tạo. Đối với các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học nữ nói riêng, môi trường nghiên cứu khoa học hiện đại, dân chủ chính là yếu tố quan trọng. Chỉ có trong môi trường khoa học hiện đại các nghiên cứu khoa học mới có đủ điều kiện để tiến hành và đánh giá chính xác hiệu quả của nghiên cứu. Môi trường khoa học dân chủ là yếu tố thúc đẩy phát triển cái mới. Một môi trường khoa học thiếu dân chủ sẽ kìm hãm sự khám phá cái mới, kìm hãm sự sáng tạo của các nhà khoa học, đặc biệt của các nhà khoa học nữ.

Tạo điều kiện cho nhà khoa học nữ trong thời kỳ thai sản và nuôi con nhỏ

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học nữ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học trong giai đoạn thai sản và nuôi con nhỏ. Áp dụng các chính sách như bố trí công việc linh hoạt, điều chuyển nhân viên hỗ trợ đối với nhà khoa học nữ trong giai đoạn này. Đối với nhà khoa học nữ trong giai đoạn thai sản và nuôi con nhỏ đảm nhiệm các nhiệm vụ KH&CN có thể được gia hạn kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ một cách thích hợp.

Quy định về tỷ lệ nhà khoa học nữ tham gia trong một số trường hợp cụ thể

Trong những trường hợp cụ thể, có thể quy định tỷ lệ nhà khoa học nữ tham gia để phát huy khả năng của nhà khoa học nữ. Ví dụ: quy định tỷ lệ nhà khoa học nữ trong hội đồng chuyên gia hoặc trong các vị trí lãnh đạo chủ chốt của cơ quan, đơn vị. Có thể xem xét ưu tiên nữ giới trong trường hợp nữ giới và nam giới có các điều kiện tương đương nhau.

Xây dựng chương trình KH&CN để phát triển nhà khoa học nữ

Có thể xem xét xây dựng chương trình KH&CN dành riêng cho đối tượng là nhà khoa học nữ thực hiện với những chủ đề phù hợp trong từng giai đoạn.

Mặc dù ở Việt Nam đã có rất nhiều chính sách phát triển nhân lực KH&CN nói chung, trong đó có nhà khoa học nữ. Tuy nhiên, chưa có chính sách dành riêng cho nhà khoa học nữ như các quốc gia đã đề cập trên đây. Nghị quyết 27/NQ-TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu yêu cầu đối với các tầng lớp trí thức, và lưu ý đến một số đối tượng đặc thù như nữ trí thức, trí thức là người dân tộc,… Vì vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu đề xuất những chính sách cho các nhà khoa học nữ, có thể là thí điểm, và bố trí nguồn lực để thực hiện. Những kinh nghiệm về phát triển nhà khoa học nữ ở một số quốc gia trên đây có giá trị tham khảo tốt đối với Việt Nam trong việc hoạch định chính sách dành cho nhà khoa học nữ.

Lê Thị Khánh Vân

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật