• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bất chấp dịch COVID-19, nhiều người vẫn đi du lịch vì giá vé máy bay, khách sạn...rẻ!

Dù dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn cao điểm, nhưng nhiều vẫn đi du lịch vì giá vé máy...

Đi du lịch vì giá dịch vụ rẻ

Trong khi đa số người dân có tâm lý lo lắng, hạn chế ra đường mùa dịch bệnh, nhiều “tín đồ du lịch” vẫn quyết tâm thực hiện các chuyến du lịch. Ghi nhận tại một số công ty lữ hành cho thấy khá nhiều đoàn khách vẫn khởi hành theo đúng kế hoạch. Trong đó, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, và các tour thị trường xa như châu Âu, Mỹ, Úc... được lựa chọn nhiều nhất.

Anh Tấn Trung (50 tuổi, nhân viên một tòa soạn báo tại quận 3, TP.HCM) là một tín đồ du lịch, mỗi năm anh đi du lịch nước ngoài nhiều hơn đi chợ. Cứ có thời gian rãnh, hay những dịp nghỉ lễ là anh lên lịch bay khám phá những đất nước xinh đẹp trên thế giới. 12 ngày nghỉ phép năm cũng được anh tận dụng triệt để, thậm chí xin nghỉ 2 tháng không lương để đi du lịch. Dịch covid-19 khiến cơ quan anh nghỉ dài hạn vì không phát hành được báo nên anh và các đồng nghiệp của mình quyết định đi du lịch dài ngày. Anh đã dành hơn 2 tuần để du lịch Thái Lan, Indonesia và sau đó trở về Việt Nam khám phá từ Ninh Bình, Đà Nẵng, Huế, Hội An... Anh cho biết: “Dù có dịch bệnh thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, tâm lý hoang mang lo sợ chỉ là cho chúng ta mệt mỏi. Bạn không thể suốt ngày đóng cửa ở trong nhà phòng dịch”.

Nhiều bạn trẻ vẫn quyết định đi du lịch mùa dịch. 
Nhiều bạn trẻ vẫn quyết định đi du lịch mùa dịch. 

Đồng quan điểm anh Duy Hưng (30 tuổi, nhân viên văn phòng, quận 3 TP.HCM) cùng nhóm bạn 7 người lên kế hoạch du lịch 1 tuần tại Phú Quốc. Anh Hưng chia sẻ: “Dịch covid-19 khiến giá vé máy bay rẻ như cho, khách sạn giảm gần 70% giá so với ngày thường không đi thì phí. Hơn nữa mình lựa chọn những nơi không có dịch để đi và luôn đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. Du lịch mùa dịch vắng người không cần phải chen lấn, xếp hàng chờ đợi. Trong suốt chuyến đi, tôi cũng trang bị khá kĩ phòng dịch như khẩu trang và nước rửa tay cũng như tránh tiếp xúc với nhiều người”.

Tuy truyền thông khuyến cáo đường hàng không là cách thức lây lan nhanh chóng từ nước này sang nước khác. Kể cả đối với những khu vực không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, việc di chuyển bằng đường hàng không cũng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh bởi việc tập trung đông đúc và tiếp xúc với các du khách từ các nơi có tỷ lệ lây nhiễm virus cao. Nhưng đại gia đình 8 người nhà anh Lâm (39 tuổi, Q. Bình Tân) cũng tận dụng cơ hội giá vé máy bay siêu rẻ, vé khứ hồi Sài Gòn – Hà Nội chưa tới 1 triệu đồng để thực hiện chuyến du lịch dài ngày Hà Nội – SaPa. Anh Lâm chia sẻ: “Không thể vì dịch bệnh tại một số địa phương mà mình hủy bỏ hết mọi kế hoạch của gia đình. Những nơi du lịch họ không cấm người đến có nghĩa là họ kiểm soát được dịch. Những nơi gia đình tôi đi du lịch cũng khá vắng nên không chen lấn hay tiếp xúc với nhiều người. Hơn nữa nhà có người làm trong ngành y tế nên tôi khá yên tâm về các biện pháp phòng dịch cho gia đình”.

Tín đồ du lịch mùa dịch. 
Tín đồ du lịch mùa dịch. 

Bằng nhiều cách nhau, nhiều người vẫn dành cho con cái và gia đình những chuyến đi trải nghiệm khá thú vị giữa tâm bão dịch covid-19. Như anh Thanh Đoàn, quận 8, TP.HCM, việc nghỉ học dài ngày khiến 3 cậu con trai của anh buồn chán nên anh và các con đã lên kế hoạch đi phượt bằng chuyến leo núi Chứa Chang (Đồng Nai). “Chuyến phượt diễn ra tại vùng không dịch và việc vào rừng leo núi cũng cách ly với đám đông mà vẫn cho con cái những trải nghiệm thực tế thú vị: kĩ năng cắm trại, leo núi, nấu ăn…Đó là cách để các con nghỉ học ở nhà mà không vùi đầu vào game hay tụ tập nơi đông người” anh Đoàn chia sẻ.

 

Kích cầu du lịch nội địa

Dịch Covid-19 khiến lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh.

Theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, năm 2020 là một năm đầy thử thách lớn đối với ngành du lịch Việt Nam và thế giới. Dịch đã tác động khiến cho lượng khách du lịch quốc tế và trong nước giảm mạnh, ngành du lịch Việt mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh.

Để khắc phục điều này, ngành du lịch và dịch vụ khách sạn cần phải khai thác tốt nguồn lực từ trong nước, để bù đắp hoặc ít nhất là duy trì được hoạt động ở mức tối thiểu để tránh bị đóng cửa. Các doanh nghiệp phải tăng cường quảng bá hình ảnh, khả năng du lịch của từng vùng miền, và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn... Tuy nhiên dịch chưa kết thúc và còn diễn biến phức tạp trên thế giới, chúng ta cần phải theo dõi tình hình dịch để đảm bảo an toàn tránh dịch bùng phát ảnh hưởng chung đến nền kinh tế.

Một khách Việt du lịch tại nước ngoài. 
Một khách Việt du lịch tại nước ngoài. 

Một công ty du lịch lữ hành tại TP.HCM cho biết dù dịch COVID-19 có tiến triển như thế nào đi chăng nữa thì năm 2020 ngành du lịch xem như đã chết. Nếu như dịch chấm dứt vào tháng 3, 4, thì học kỳ của các học sinh sẽ được dời đến tháng 7,8 thì các doanh nghiệp lữ hành sẽ mất luôn một nguồn kinh doanh lớn nhất trong năm, còn lượng khách quốc tế thì chưa biết đến bao giờ khách du lịch nước ngoài sẽ quay trở lại.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa chính thức ban hành tiêu chí du lịch an toàn với dịch COVID-19. Du khách cần nắm vững tiêu chí trong việc chọn điểm đến, chỗ ở... khi đi du lịch để đảm bảo an toàn tối đa trước dịch bệnh do virus  COVID-19. Theo đó, các điểm đến an toàn được xác định là những di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch... đảm bảo tiêu chí như không thuộc vùng có dịch Covid-19. 

Một doanh nghiệp du lịch an toàn chỉ được phép ký hợp đồng du lịch với cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước không thuộc diện cách ly y tế. Đồng thời, doanh nghiệp chỉ được đưa khách đến các điểm an toàn theo tiêu chí bên trên. Về tiêu chí dành cho dịch vụ nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống, các cơ sở cần thực hiện việc phòng chống dịch, áp dụng biện pháp phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bộ tiêu chí cũng nhấn mạnh về yêu cầu dành cho các đơn vị khai thác dịch vụ vận chuyển khách du lịch. Theo đó, những phương tiện sử dụng cần được khử trùng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các lái xe, hướng dẫn viên, người phục vụ trên phương tiện vận chuyển thực hiện biện pháp phòng hộ cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Mỗi phương tiện vận chuyển đều phải bố trí đủ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn nhanh khi khách du lịch có nhu cầu.

Tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ nêu trên đều phải niêm yết số điện thoại của cơ sở y tế có thẩm quyền trên địa bàn để liên hệ khi cần thiết.

VIÊN VIÊN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật