• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên gia chia sẻ cách đối thoại với những đứa con 'nổi loạn'

Bạn làm gì khi đứa con mới lớn không nghe lời. Khi rơi vào trường hợp này bạn sẽ xử lý thế...

"Khi cuộc chiến giữa hai bố con trở nên cao trào không còn đường lui, nếu tôi chiến tiếp và thắng con thì không có gì vẻ vang vì tôi là bố nó. Nếu tôi thua con thì hơi nhục. Sau khi hít một hơi dài tôi nhìn thẳng vào mắt con và nói “Bố chẳng cần gì nhiều ngoài con'”. Đó là chia sẻ của Thạc sĩ Trần Đình Dũng - Giảng viên, Doanh nhân, tác giả của hai quyển sách best-selling "Quà Của Bố" và "Viết cho người thương"...

Gen Z là một thế hệ rất “rộng”

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương – Sáng lập Học viện YES, đồng thời cũng là người sáng lập và điều hành của nhiều tổ chức, mô hình giáo dục sáng tạo tại như TOMATO Education, thì Thế hệ Z” (viết tắt là Gen Z) là từ dùng để chỉ những bạn trẻ và thanh thiếu niên sinh vào giai đoạn từ 1995 đến 2012.

Gen Z thường được phác họa với nhiều đặc điểm đối lập: rất sáng tạo nhưng cũng rất nổi loạn, dành nhiều thời gian trong thế giới ảo nhưng lại khát khao những kết nối thật, đầy tự tin nhưng cũng không tránh khỏi những hoang mang về bản thân…

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, ở bất cứ thế hệ nào đều có những đặc điểm nổi trội và độc đáo, nếu chúng ta thấy một thế hệ 7X, 8X nhiều trải nghiệm và năng động thì Gen Z là một thế hệ vô cùng đặc biệt.

Các bạn sinh ra hoàn toàn trong thời đại internet lẫn mạng xã hội đều đã ở đó. Chính vì vậy, đặc điểm đầu tiên đó là các bạn dành rất nhiều thời gian trên không gian ảo. Bởi vậy chúng ta còn đặt tên cho thế hệ này là Thế hệ “Phigital (Physical +Digital).

Theo khảo sát của công ty Mc Kinsey & Company: 1/3 Gen Z khu vực châu Á-Thái Bình Dương dành nhiều hơn 6 tiếng mỗi ngày trên Internet. Tỉ lệ này tăng đáng kể so với thế hệ Millienials (22%) và thế hệ X (10%).

Cuộc đối thoại với thế hệ Gen Z.
Cuộc đối thoại với thế hệ Gen Z .

Điều này cho thấy, đối với Gen Z, ranh giới giữa thế giới thực và ảo không nhiều, do đó các bạn dễ tin tưởng vào các nguồn thông tin trên mạng và vì vậy sẽ dễ rơi vào trạng thái thiếu chọn lọc, không có được chính kiến cho riêng mình.

Đặc điểm thứ hai theo Ths. Uyên Phương đó là các bạn dễ mất kết nối về cảm xúc lẫn tương tác với người khác ngoài đời thực. Bởi lẽ các bạn dành nhiều thời gian trên mạng, nên lâu dần những kỹ năng tương tác, kết nối ngoài đời thực sẽ ít dần đi.

Tuy nhiên, vì thiếu những kết nối thực nên Gen Z lại là thế hệ khao khát được kết nối với mọi người nhiều nhất. Chúng ta vẫn thường khao khát thứ chúng ta không có, do đó khi kết nối trên mạng xã hội quá đủ đầy, Gen Z sẽ cần những kết nối thực thụ bên ngoài hơn, tuy nhiên không phải bạn trẻ nào cũng biết cách tương tác hoặc tự tìm kiếm được những kết nối đó.

Mặc dù vậy, Gen Z lại là thế hệ có kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ thuật số tốt nhất. Các bạn là người tiếp cận các thông tin mới mẻ một cách nhanh nhất và do vậy các bạn cũng là những người sử dụng công cụ số để tạo ra các sản phẩm hoàn hảo nhất.

Ngoài ra, Gen Z cũng là thế hệ được thụ hưởng nền giáo dục đổi mới nên luôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân và cũng đòi hỏi người khác có sự tôn trọng đó dành cho mình.

Còn theo Thạc sĩ Trần Đình Dũng thì gen Z là một thế hệ rất "rộng". Rộng về mặt vật lý khi quần áo con mặc tất cả đều rộng, những cái quần rất rộng đáy sâu xuống tận đầu gối. Chiếc áo, đôi giày, vòng tay cũng rộng thùng thình. Nói chung là trang phục của con rộng một cách bất thường. Và thế giới của con cũng rộng, nhưng lại rất cô đơn, lạc lõng. Các con có nhiều bạn bè trên facebook nhưng không có sự tương tác thật giữa người với người. 

Bố chẳng cần gì nhiều ngoài con

 

Mặc dù Gen Z tài năng và sáng tạo, nhưng lại có nhiều mâu thuẫn về ý thức hệ với cha mẹ của mình.

Như câu chuyện của Thạc sĩ Trần Đình Dũng với cậu con trai độ tuổi teen đã không ít lần xảy ra mâu thuẫn. Theo Thạc sĩ Trần Đình Dũng, khi tôi và con bàn về việc chọn trường, chúng tôi đã có sự mẫu thuẫn trong việc lựa chọn. Tôi muốn con đi con đường mà tôi vạch ra mà theo tôi nó sẽ tốt cho con. Còn con tôi chọn một hướng khác, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng của bố. Và cao trào của mâu thuẫn khi con tôi gằn giọng nhìn thẳng vào bố “Giờ bố muốn gì?”.

Lúc đó tôi hiểu rằng con đang thực sự nóng giận. Tôi chợt nghĩ nếu tôi "chiến tiếp" và thắng cậu con trai thì không có gì vẻ vang vì tôi là bố nó. Còn nếu tôi thua con thì hơi nhục. Sau khi hít một hơi dài tôi nhìn thẳng vào mắt con và nói: “Bố chẳng cần gì nhiều ngoài con”. Con cứ làm bất cứ điều gì mà con muốn. Nhưng con nên nhớ nếu con buồn bố sẽ buồn nhiều hơn, nếu con vui một bố sẽ vui mười...Lúc này cậu con trai ôm choàng lấy bố và hai bố con mở lòng cùng nhau, nói chuyện trao đổi nhẹ nhàng.

Thạc sĩ Trần Đình Dũng rút ra kinh nghiệm: Các bậc phụ huynh đừng cố gắng thay đổi con mình, mà hãy bày tỏ sự yêu thương với con, lắng nghe con và đứng phía sau ủng hộ, hỗ trợ cho con.

Thạc sĩ Trần Đình Dũng cũng chỉ ra sai lầm với các bật bố mẹ là: “Trong quá trình nuôi dạy con, tôi không nhìn thấy được điểm mạnh, việc tích cực của con nhưng lại luôn nhìn thấy và khiển trách những điểm yếu của con. Tôi luôn nói yêu con nhưng bận rộn với công việc, đối tác, họp hành…Hai chữ bận rộn sẽ tiêu diệt tình yêu của hai bố con. Và đến một ngày khi con lớn lên thì tôi biết rằng tôi đang có lỗi với con” 

Mặc dù có nhiều mặt cần khắc phục, nhưng không phủ nhận Gen Z là thế hệ tương lai sẽ tạo ra được nhiều thay đổi lớn lao cho xã hội, tiềm năng của các bạn sẽ vươn xa nếu cha mẹ, các nhà giáo dục biết cách nhìn nhận và khai thác.

Chuyên gia chia sẻ cách đối thoại với những đứa con 'nổi loạn'
 

Thạc sĩ Thi Anh Đào đưa ra một ví dụ: “Có thể thấy các thế hệ trước làm trong lĩnh vực giải trí chưa có nhiều tác phẩm nghệ thuật bùng nổ và độc đáo như hiện nay. Tôi lấy ví dụ như các bài hát lấy chất liệu là các tác phẩm văn học dân gian thời xưa, theo tôi được biết những ý tưởng đó đến từ những team rất trẻ, thuộc Gen Z. Các bạn đều có những ý tưởng vô cùng sáng tạo và quan trọng biết làm mới những giá trị truyền thống mà các thế hệ khác phớt lờ, đó là điều vô cùng đáng quý”.

Đồng tình với Thạc sĩ Thi Anh Đào, chị Nguyễn Thúy Uyên Phương cho biết, các bạn trẻ Gen Z rất giỏi tìm tòi và làm ra những thứ mới, chẳng hạn như trong việc thiết kế. Các bạn có thể tự mình thiết kế hình ảnh hay dựng video clip, những kỹ năng mà các thế hệ trước thậm chí phải học trường lớp đàng hoàng mới có thể vận dụng. Nhưng thế này cần được đào tạo và chỉ dạy nếu không các bạn rất dễ nản chí và bỏ cuộc. 

Chị Phương Uyên cho biết, bố mẹ nên để cho con đối mặt với những thử thách, những hậu quả có thể kiểm soát được để con va chạm và trưởng thành. Nhiều phụ huynh sợ đến mức không dám thả cho con đi một chuyến đi độc lập khi con đã 13 -14 tuổi. 

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương cũng cho biết thêm, với bậc làm cha mẹ cách để đồng hành, hướng dẫn cho Gen Z chính là thân giáo, cha mẹ cần làm tấm gương cho con noi theo. Chúng ta không thể bắt các em không được chơi điện thoại nếu mình suốt ngày cầm điện thoại trên tay, hay bắt các em phải có lý tưởng sống, đam mê dữ dội khi bản thân cũng đang không cố gắng trong công việc hay cuộc sống.

Riêng với nhà trường, hiện tại vẫn đang đặt nặng điểm số, dạy các em làm sao để đậu ĐH, đậu tốt nghiệp, nhưng chúng ta cần phóng tầm nhìn thêm 20-30 năm nữa, khi đó thế giới sẽ ra sao, và chúng ta cần trang bị cho các em những gì để thích nghi với những biến đổi đó. Vì rõ ràng, với những kiến thức như hiện nay, các em đều có thể tự học bằng cách tìm kiếm thông tin trên mạng.

Cuối cùng Ths. Uyên Phương dành lời khuyên cho các bạn trẻ thuộc Gen Z nhưng vẫn hoang mang, chưa tìm được giá trị sống mà mình muốn theo đuổi, đó là hãy tích lũy thật nhiều trải nghiệm. Đó là những trải nghiệm lý thú bên ngoài nhà trường, làm những điều các bạn yêu thích, từ đó chắt lọc ra những điều mà mình cần và muốn theo đuổi.

Tuy nhiên, sự tự do trải nghiệm, hay tự do thể hiện cá tính của các bạn cũng cần phải đặt trong một giới hạn. Chính sự trải nghiệm, va chạm và kết nối với nhiều người sẽ giúp các bạn xác định được đâu là ranh giới mình nên có cho sự tự do đó.

Diễn đàn Đối thoại với Gen Z: Cá tính hay quái tính ?, tự do và giới hạn do Học viện Thanh Thiếu niên và Bạn trẻ - YES (Youth Empowerment School) tổ chức với sự tham dự của gần 200 phụ huynh, các nhà giáo dục và các bạn trẻ.

 Tham dự sự kiện có sự góp mặt của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và tuyển dụng dành cho các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Z: Thạc sĩ Trần Đình Dũng - Giảng viên, Doanh nhân, người Truyền lửa - Tác giả của hai quyển sách best-selling "Quà Của Bố" và "Viết cho người thương". Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương – Sáng lập Học viện YES, đồng thời cũng là người sáng lập và điều hành của nhiều tổ chức, mô hình giáo dục sáng tạo tại như TOMATO Education, I Can School (ICS), FAROS Education & Consulting, Design for Change Vietnam. Thạc sĩ Thi Anh Đào – Giám đốc điều hành Isobar Vietnam, Đồng sáng lập Học viện YES, một trong 30 gương mặt trẻ nổi bật của Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn năm 2015.

CẨM VIÊN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật