• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Colgate Trung Quốc phải đổi logo, PepsiCo chi 400 triệu USD vì phân biệt chủng tộc

Ngay lập tức, hàng loạt sản phẩm có thương hiệu mang tính phân biệt chủng tộc phải thay...

Colgate-Palmolive chia sẻ với trang Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, họ đang nỗ lực để xem xét và phát triển lại hình ảnh thương hiệu của một dòng kem đánh răng Trung Quốc, Darlie. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh cuộc bê bối tại nước Mỹ về phân biệt và bất bình đẳng chủng tộc.

Kem đánh rằng của người da đen

Darlie là một thương hiệu Trung Quốc thuộc sở hữu của Colgate-Palmolive và đối tác liên doanh Hawley & Hazel. “Trong hơn 35 năm, chúng tôi đã làm việc cùng nhau để phát triển thương hiệu, bao gồm những thay đổi đáng kể về tên, logo và bao bì”, người phát ngôn của Colgate-Palmolive chia sẻ với Reuters.

“Chúng tôi hiện đang làm việc với đối tác của mình để xem xét và phát triển một lần nữa tất cả các vấn đề của thương hiệu, bao gồm cả tên thương hiệu”, ông nói thêm.

Darlie là một trong những thương hiệu kem đánh răng bán chạy nhất châu Á. Bao bì của nó có một người đàn ông da đen đội mũ đang mỉm cười. Ban đầu nó được gọi là Darkie, với logo là một người gốc Phi mặt cười toe toét. Tên gọi đã được thay đổi vào năm 1989 sau khi Reuben Mark, Giám đốc điều hành của Colgate, thừa nhận thương hiệu này là phân biệt chủng tộc.

Tên của Darlie trong tiếng Trung có nghĩa là kem đánh răng của người da đen. Ảnh: SCMP
Tên của Darlie trong tiếng Trung có nghĩa là kem đánh răng của người da đen. Ảnh: SCMP

Động thái của Colgate-Palmolive được đưa ra khi các công ty khác của Mỹ đang cố gắng đổi thương hiệu cho các sản phẩm có dính tới định kiến chủng tộc trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối cái chết của George Floyd do cảnh sát da trắng gây ra.

Tuần rồi, PepsiCo cho biết họ sẽ thay đổi tên và hình ảnh thương hiệu của bột làm bánh pancake và xi rô tưới bánh Aunt Jemima. Động thái này đưa ra sau khi thương hiệu này bị chỉ trích vì mang yếu tố định kiến chủng tộc.

Logo thương hiệu hơn 130 tuổi này có hình một người phụ nữ Mỹ gốc Phi được đặt tên theo một nhân vật trong các chương trình giải trí thế kỷ XIX. Người phụ nữ có trên logo được xem là khuôn mẫu của một phụ nữ da đen phải làm việc như một người hầu hoặc bảo mẫu cho một gia đình da trắng.

Song song đó, PepsiCo công bố một loạt các gói tài trợ trị giá hơn 400 triệu USD trong 5 năm để hỗ trợ cộng đồng người da đen và tăng cường sự hiện diện của PepsiCo trong cộng đồng này.

Những thay đổi muộn màng sau hàng chục năm trời

Sau động thái của Pepsico, các nhà sản xuất khác như Uncle Ben thuộc sở hữu của Mars Inc, xi rô Mrs Butterworth thuộc sở hữu của ConAgra Brands, cháo lúa mì Cream of Wheat thuộc sở hữu của B&G Food… cũng cho biết họ sẽ xem xét lại bao bì của mình.

Thương hiệu Aunt Jemima đã hứng không ít “gạch đá” trong những ngày gần đây trên mạng xã hội. Một video TikTok có tên “Cách làm bữa sáng không phân biệt chủng tộc” do người dùng @singkirbysing đăng tải, trong đó một người phụ nữ đổ bánh pancake xuống bồn rửa chén, đã nhận được 175.000 lượt xem.

“Chúng tôi nhận ra nguồn gốc của Aunt Jemima dựa trên một khuôn mẫu phân biệt chủng tộc”, Phó giám đốc tiếp thị của Quaker Foods North America thuộc sở hữu của PepsiCo, lên tiếng. Vị này cho biết các bột bánh không có hình ảnh của Jemima sẽ xuất hiện vào quý IV năm nay.

Hình ảnh thương hiệu của Aunt Jemima dựa trên một nhân vật tấu hài gốc Phi thế kỷ XIX. Ảnh: Agence France-Presse
Hình ảnh thương hiệu của Aunt Jemima dựa trên một nhân vật tấu hài gốc Phi thế kỷ XIX. Ảnh: Agence France-Presse

Còn ConAgra cho biết bao bì của họ gợi lên hình ảnh một người bà yêu thương, tuy nhiên những ẩn ý phái sinh từ hình ảnh này “hoàn toàn không phù hợp với các giá trị của chúng tôi”. Vì thế, họ bắt đầu nghiên cứu để thay đổi bao bì của Mrs Butterworth.

Mars Inc tuyên bố rằng, họ có trách nhiệm đứng ra giúp chấm dứt sự thiên vị chủng tộc và sự bất công. Một trong những cách mà họ có thể làm là thay đổi hình ảnh thương hiệu của Uncle Ben.

“Chúng tôi chưa biết những thay đổi chính xác hoặc thời gian hoàn tất là bao lâu, nhưng chúng tôi đang cố gắng với tất cả các khả năng có thể thực hiện”, người phát ngôn của Mars cho biết. Logo của thương hiệu này là người đàn ông Mỹ gốc Phi tóc trắng được đặt theo tên của một nông dân trồng lúa ở Texas.

Uncle Ben mô phỏng một người da đen làm việc vất vả cho người da trắng. Ảnh: AFP
Uncle Ben mô phỏng một người da đen làm việc vất vả cho người da trắng. Ảnh: AFP

B&G Food cho biết họ cũng đang bắt đầu “đánh giá ngay lập tức” về hình ảnh thương hiệu của Cream of Wheat, trong đó có một người đàn ông da đen đội mũ đầu bếp.

James O'Rourke, giáo sư quản lý tại Đại học Kinh doanh Mendoza, cho biết, các thương hiệu được xây dựng trên hình ảnh phân biệt chủng tộc đã sống trong thời gian quá dài. “Giờ đây việc thay đổi hình ảnh cũng đã muộn màng sau hàng chục năm trời”, vị này bình luận.

TẤT ĐẠT

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật