Tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (INWES - APNN) tổ chức tại Mông Cổ mới đây, Việt Nam đã nhận quyền đăng cai Hội nghị năm 2024. Đây là lần thứ 2, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị INWES - APNN. Với kinh nghiệm của lần phối hợp tổ chức thành công Hội nghị năm 2018, INWES - APNN kỳ vọng sẽ có được dấu ấn khó quên tại Việt Nam ở kỳ Hội nghị được hứa hẹn có nhiều nội dung thú vị, hữu ích.
GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam-đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị INWES - APNN khẳng định: “Hội nghị INWES - APNN 2024 sẽ mang đậm dấu ấn Việt Nam”.
Tại Hội nghị INWES - APNN 2023, đoàn Việt Nam đã trình bày đề án đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên INWES - APNN 2024. Bà có thể nói rõ hơn về kế hoạch tổ chức này?
GS.TS Lê Thị Hợp: Hội nghị dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 10/2024. Sẽ có khoảng 300 đại biểu, trong đó có khoảng 70 đại biểu quốc tế. Hội nghị mang tên: “Vai trò của nữ trí thức trong khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế: Thông minh, sáng tạo và bền vững”.
Gs.Ts Lê Thị Hợp. |
Mục tiêu của Hội nghị là trao đổi kinh nghiệm của phụ nữ trong sự phát triển ở các khu vực khác nhau ở châu Á - Thái Bình Dương; khám phá những cách thức mà phụ nữ từ một số quốc gia đang làm việc để thúc đẩy việc ứng dụng KHCN vào đời sống xã hội và phát triển bền vững cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chương trình nghị sự, dự kiến gồm 3 Hội thảo chuyên đề: 1) Vấn đề Hội nhập quốc tế và Bình đẳng giới; 2) Dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; 3) Sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý sau đại dịch Covid-19. Phiên toàn thể với chủ đề “Nữ trí thức trong khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội”. Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa, quảng bá ẩm thực Việt, triển lãm giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học, kết quả đổi mới sáng tạo, sản phẩm khoa học công nghệ của phụ nữ.
Hội nghị tổ chức tại Mông Cổ mới đây cũng có nội dung về Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm và bà đã trình bày tham luận về vấn đề này? Các đại biểu có ý kiến ra sao khi biết Hội nghị năm 2024 cũng tiếp tục nội dung về Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm?
GS.TS Lê Thị Hợp: Đúng là Hội nghị INWES - APNN 2023 có nội dung thảo luận về Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (các nội dung khác: Giáo dục và khoa học; Môi trường; Xã hội và kinh tế; kỹ thuật). Tôi chọn mốc thời gian sau đại dịch Covid-19 để đánh giá thực trạng và đưa ra những kiến nghị nhằm giải quyết hậu quả của Covid-19 cũng như các vấn đề liên quan đến mất an ninh thực phẩm, suy dinh dưỡng ở trẻ em (SDD thấp còi) và vấn đề thừa cân béo phì.
Các tổ chức FAO, WFP, FAO, WHO và Unicef đã cảnh báo sự gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực thực phẩm, sự gia tăng nạn đói và suy dinh dưỡng cao đang là mối quan tâm toàn cầu. Biến đổi khí hậu phức tạp đang đe dọa toàn cầu trong việc thực hiện các biện pháp chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng. Tại Việt Nam, từ năm 1985 đến 2000, năng lượng khẩu phần do lipid và protein cung cấp rất thấp.
Trong thời gian gần đây, năng lượng do protein và lipid cung cấp đã tăng lên đáng kể, mức tiêu thụ lương thực thực phẩm của người Việt Nam được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, sau Covid-19, tình trạng thiếu ăn, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn tồn tại ở một số vùng nghèo, khó khăn ở Việt Nam. Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm vẫn là một vấn đề cấp thiết trên toàn cầu đặc biệt là các nước nghèo, các nước đang phát triển.
Hội nghị Mạng lưới các Nhà khoa học nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Mông Cổ từ ngày 29/6 đến 1/7/2023. |
Liên quan đến vấn đề dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, chỉ riêng Việt Nam cũng có nhiều hội nghị, hội thảo về chủ đề này và cho đến nay nó vẫn luôn là chủ đề nóng, thiết thực, thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và dư luận. Đây là một vấn đề khó, đòi hỏi sự chung tay của nhiều cấp, ngành và các quốc gia. Đó là chủ đề không bao giờ cũ.
Vậy, tại Hội nghị INWES - APNN 2024, dự kiến sẽ định hướng thảo luận nội dung gì ở chủ đề… không mới này? Nên chăng là tập trung vào những giải pháp quyết liệt, với những đề xuất có tầm chiến lược với Chính phủ các quốc gia?
GS.TS Lê Thị Hợp: Theo Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045, mọi người dân đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng nhằm góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Như vậy, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong những năm tới, như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng; Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và vận động xã hội; Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng; Tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường chuyên môn kỹ thuật triển khai can thiệp dinh dưỡng; Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về dinh dưỡng, thực phẩm phù hợp cho người Việt Nam. Tăng cường phát triển kỹ thuật và nghiên cứu mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao phục vụ công tác dinh dưỡng; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, tư vấn, thống kê, báo cáo về công tác dinh dưỡng trên phạm vi toàn quốc; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác quốc tế về dinh dưỡng, giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng mang tính toàn cầu và khu vực.
Hội nghị mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 tại Việt Nam. |
Mục tiêu của chúng tôi tại Hội nghị 2024 là tạo một diễn đàn cởi mở, có độ tương tác cao, khuyến khích các diễn giả, các đại biểu các nước tham dự tự do chia sẻ kinh nghiệm. Thông qua nhiều giải pháp của các nước đã triển khai hiệu quả, có thể tổng kết thành những bài học kinh nghiệm, những chính sách giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng quốc gia. Chúng tôi sẽ có định hướng cụ thể cho chủ đề thảo luận này.
Liên quan đến vấn đề dinh dưỡng - chủ đề được thảo luận tại Hội nghị, món ăn nào sẽ được BTC sử dụng chiêu đãi các đại biểu dự Hội nghị 2024 với tư cách “khoe khéo” Việt Nam là thiên đường ẩm thực?
GS.TS Lê Thị Hợp: Các món ăn của Việt Nam là một bất ngờ thú vị đối với nhiều du khách quốc tế và chắc chắn là một phần của trải nghiệm Việt Nam không thể bỏ qua của các đại biểu tham dự Hội nghị. Một trong những đặc điểm của thực phẩm Việt Nam là luôn tươi ngon. Các món ăn Việt Nam mà các đại biểu mong đợi để thử có thể bao gồm: phở, chả giò, gỏi ngó sen…
Tại Hội nghị ở Mông Cổ, video giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, ẩm thực và tiềm năng du lịch của Việt Nam đã thu hút sự chú ý của các đại biểu. Chúng tôi sẽ không làm bạn bè quốc tế đến Việt Nam thất vọng khi “trăm nghe không bằng một thấy”.
Theo đó, Hội nghị 2024 sẽ được thiết kế đậm dấu ấn Việt Nam về phương diện văn hóa. Chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể để tổ chức Hội nghị này. Kinh phí là vấn đề cần phải tính toán và xúc tiến vận động ngay. Những gì các nhà khoa học nữ Việt Nam làm được thời gian qua là rất đáng tự hào, rất đáng giới thiệu với bạn bè thế giới, qua đó kết nối hợp tác nghiên cứu và đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chúng tôi coi Hội nghị INWES - APNN 2024 là một cơ hội.