Ngay sau khi dịch Covid-19 có dấu hiệu lan nhanh tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các doanh nghiệp phân phối như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích... trên địa bàn thành phố tăng cường nguồn cung hàng hóa, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có thịt heo; đồng thời có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng trên cả nước để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có nhu cầu.
Ngay từ thời điểm dịch tả heo châu Phi vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn và dịch Covid-19 đang phát sinh, diễn biến ngày càng phức tạp để góp phần bình ổn nguồn cung và giá thịt heo tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp cân đối nguồn cung thịt heo trong thời điểm hiện nay.
Điều này sẽ góp phần không nhỏ để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt heo nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ Công Thương nổ lực bình ổn thị trường tránh “găm hàng, tăng giá” thịt lợn. |
Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ heo qua biên giới trên địa bàn. Theo dõi sát diễn biến hoạt động thương mại và trao đổi cư dân biên giới đối với hàng hóa nông, thủy sản nói riêng cũng như đối với lợn sống và các sản phẩm từ thịt lợn để phối hợp với cơ quan chức năng (Hải quan, Biên phòng, Thú y...) trên địa bàn chủ động ứng phó với hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường trong nước cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Về tình hình sản xuất trong nước, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2020 đạt khoảng 4%, sản lượng thịt các loại ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trong đó thịt heo đạt khoảng 64 - 67%, tương đương tăng 8,8% so với năm 2019. Tại vùng chăn nuôi lợn trọng điểm của tỉnh Hà Nam, nhiều hộ chăn nuôi đã bắt đầu tái đàn trở lại.
Bộ Công Thương hiện đang tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt heo và tăng cường nhập khẩu thỉ đông lạnh từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển trên thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi nên nhu cầu tiêu thụ thịt heo của người tiêu dùng sẽ giảm đáng kể trong năm 2020, bình quân trên toàn thế giới giảm khoảng 37% so với năm 2019. Tổng đàn heo thế giới năm 2020 dự báo đạt 1,02 tỷ con, giảm 10% so với năm 2019.
Nguyên nhân chủ yếu do Trung Quốc là nước có đàn heo chiếm 45% tổng đàn trên thế giới, nhưng do dịch bệnh nên số lượng đàn heo nước này dự kiến sẽ giảm khoảng 25% trong năm tới. Sản lượng thịt lợn thế giới năm 2020 ước tính cũng sẽ giảm, trong đó các nước châu Á có sản lượng giảm mạnh nhất, sau Trung Quốc là Phillipines (giảm 16%), Việt Nam (giảm 7%).
Mặc dù sản lượng thịt heo sản xuất giảm nhưng dự báo thị trường xuất nhập khẩu thịt heo sẽ tăng khoảng 10% đạt 10,4 triệu tấn, trong đó nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng 35% và đồng thời cũng chiếm 35% tổng sản lượng thịt heo nhập khẩu toàn thế giới.