• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiến sĩ Trương Thị Thảo: Dịch sách cũng gian truân như khi làm khoa học

Tiến sĩ Trương Thị Thảo - người chuyển ngữ ba cuốn sách của Nishi Katsuzo - Nhà nghiên cứu...

Tiến sĩ Trương Thị Thảo là một nhà khoa học chuyên ngành sinh lý cây rừng, những công trình nghiên cứu của bà cùng đồng nghiệp đã đóng góp không nhỏ cho ngành lâm nghiệp nước nhà. Khi nghỉ hưu, ở độ tuổi ngoài 70, bà lại bắt tay vào dịch sách. Bà là người đã chuyển ngữ ba cuốn sách quý trong kho tàng sách của Nhà nghiên cứu người Nhật về sức khỏe và Y học tự nhiên, ông Nishi Katsuzo: “Những phương thức phục hồi sức khỏe theo tự nhiên - NXB Lao động, 2012”, “Làm sạch mạch và máu - NXB Lao động, 2014” và “Làm sạch tâm hồn - các bài tập thiền” - NXB Lao động, 2019. Phụ Nữ Mới đã có cuộc trò chuyện thú vị với Tiến sĩ Trương Thị Thảo.

Thưa bà, được biết bà là một nhà sinh học nhưng lại là dịch giả 3 cuốn sách về sức khỏe và ý học tự nhiên của tác giả người Nhật Nishi Katsuzo, vậy cơ duyên nào đưa bà đến với nghề dịch?

- Đối với tôi, việc dịch sách giống như một mối duyên lành. Nói ra hơi dài dòng nhưng có thể ngắn gọn rằng chính bệnh tật là nguồn cơn đưa tôi trở thành dịch giả. Như bạn đã biết, chuyên môn của tôi là ngành sinh học, đúng hơn là một lĩnh vực nhỏ của ngành sinh học - chuyên ngành sinh lý cây trồng, cả cuộc đời chẳng liên quan gì đến dịch thuật. Năm 1996, tôi nghỉ hưu sau mấy chục năm công tác tại Viên Lâm nghiệp Việt Nam với đủ thứ bệnh tật trong người, mà khốn khổ nhất là bệnh dị ứng - căn bệnh đeo đẳng tôi từ những ngày còn học bên Nga. Chạy chữa khắp nơi, từ Tây y sang Đông y, từ uống thuốc đến xoa bóp châm cứu, bấm huyệt. Hàng trăm thang thuốc vào người nhưng bệnh tật dường như không chút suy chuyển, đến mức tôi chưa nản chí mà bỏ cuộc thì bác sĩ đã bỏ cuộc trước bởi “cháu chữa mãi mà bệnh của bác không có tiến triển thì có lẽ thuốc không hợp, bác nên dừng lại”.

Lúc ấy tôi may mắn được giới thiệu tới Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh tâm thể (giờ là Viện Dưỡng sinh tâm thể) và tiếp cận phương pháp chữa bệnh bằng Dưỡng sinh tâm thể của má Hai Hương (tên thật là Tôn Nữ Hoàng Hương). Thú thật, là một nhà khoa học, lại có những năm tháng học tập, nghiên cứu ở nước Nga khi đang ở thời kỳ phát triển nhất nên đến trung tâm (lúc đó đang hoạt động ở đình Nhân Chính, nhìn phương pháp chữa bệnh ở đó tôi thấy không thể chấp nhận được chứ đừng nói có chút lòng tin. Bởi chữa bệnh gì mà không dùng thuốc, chỉ thấy có một bà già (bà Hoàng Hương -PV) ngồi đấy rồi xoa, vỗ vào vùng bụng một người bệnh. Những người khác cũng ngồi đó và xoa, vỗ vào những vùng bị đau trên cơ thể. Dù thấy rất vớ vẩn và nghi ngờ phương pháp này nhưng phần vì tò mò, phần vì “bệnh mình cũng hết cách” nên tôi vẫn quan đó vài buổi để quan sát và tìm hiểu.

Được biết, dưỡng sinh tâm thể là phương pháp dùng “năng lượng” từ đôi bàn tay để day, xoa bóp chỗ bị đau trên cơ thể. Đặc biệt, khi dùng phương pháp này người bệnh phải luôn để tâm hướng về điều thiện và tích cực, luôn phải nghĩ rằng bệnh tật mình sẽ khỏi. Nghĩ cũng chẳng mất mát gì, vả lại bệnh tình cũng đã thử đủ cách chữa mà không khỏi nên tôi cũng tập thử. Không ngờ sau vài buổi tập, tôi thấy bệnh tật dường như lui dần, người khỏe dần và tinh thần phấn chấn lên hẳn. Sau khi khỏi bệnh tôi cứ băn khoăn tự hỏi liệu trên thế giới có nơi nào chữa bệnh mà không dùng thuốc như ở Việt Nam không? Và gốc rễ sâu xa của phương pháp ấy là gì.

Tiến sĩ Trương Thị Thảo: Dịch sách cũng gian truân như khi làm khoa học

 Vậy chính những thắc mắc ấy thôi thúc bà tìm và dịch sách? Sao không phải là sách của một tác giả nào khác mà lại là của Nishi Katsuzo, thưa bà?

- Đúng là tôi luôn khao khát tìm hiểu về phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. Nhưng điều thúc đẩy tôi nhanh chóng tìm hiểu là khi cuối đời má Hai Hương bị bệnh, bà đã nói với tôi: “Chị biết tiếng nước người, chị phải suy nghĩ, phải xem có sách gì mà thế giới viết về phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như mình chị dịch ra để cho mọi người thấy phương pháp của mình là đúng”. Tình cờ thời điểm đó có một bệnh nhân hiện sống và làm việc ở Nga - người mà tôi giúp đỡ chữa khỏi bệnh biết tôi có thời gian ở Nga nên muốn mua tặng tôi món quà từ Nga nhân chuyến về nước. Tôi nói với cố ấy rằng, thử tìm xem bên đó có sách gì về dưỡng sinh hoặc những bài thuốc thì mua về cho tôi. Cô ấy liền hỏi tôi thích sách của tác giả nào.

Thực sự thì tôi cũng không biết tác giả nào nên chỉ nói với cô ấy, rằng có thể là sách của một tác giả người Châu Á, vì phương pháp cô chữa bệnh theo bà Hai Hương là người Việt Nam nên chắc chắn Châu Á có sự tương đồng. Và cô ấy đã mang về cho tôi cuốn “Những phương thức phục hồi sức khỏe theo tự nhiên” của Nishi Katsuzo. Đọc cuốn này, tôi thấy rất hay bởi theo tác giả, cơ thể con người tiềm ẩn một khả năng, sức mạnh lành bệnh, chúng ta cần biết huy động, khai thác và vận dụng sức mạnh này để chống lại bệnh tật. Tôi thấy những gì tác giả phân tích rất gần gũi với phương pháp chữa bệnh của má Hai Hương nên đã tìm tên những cuốn sách tương tự của tác giả để nhờ cô ấy mua.

Tôi bắt tay vào dịch cuốn sách “Những phương thức phục hồi sức khỏe theo tự nhiên, càng dịch càng thấy hay, vỡ ra được nhiều điều, những gì mà phương pháp của má Hai Hương không chứng minh được thì sách của Nishi Katsuzo đã lý giải, phân tích được.

Tiến sĩ Trương Thị Thảo: Dịch sách cũng gian truân như khi làm khoa học

Thưa bà, bà có gặp khó khăn gì khi dịch những cuốn sách của Nishi Katsuzo?

- Vì không có chuyên môn về y học nên sau khi hoàn thành bản dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt tôi đã nhờ bạn bè, người thân là các bác sĩ Đông y, Tây y đọc và cho ý kiến. Rất may mắn là bạn bè đánh giá nội dung cuốn sách có giá trị và việc chuyển ngữ của tôi khá hoàn hảo. Tất cả mọi người đều động viên tôi xuất bản cuốn sách để đem đến cho bạn đọc nước nhà những kiến thức bổ ích.

Cái khó là vấn đề bản quyền cuốn sách. Tác giả cuốn sách - ông Nishi Katsuzo đã mất năm 1959 nên việc liên hệ xin bản quyền không dễ dàng. Thật may mắn, lúc ấy tôi tình cờ gặp TS Vũ Khắc Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lúc ấy là Chủ tịch Hội giao lưu Việt Nhật. ông Vũ Khắc Liên đã giới thiệu cho tôi gặp ông Inami Kazumi - Giám đốc Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật - Việt tại Việt Nam để tư vấn việc xin bản quyền. Ông Inami Kazumi đã làm cầu nối cho tôi gặp ông Nishi Manjtro- một người cháu ruột của tác giả. Khi trao đổi qua điện thoại, biết được mục đích xin bản quyền và xuất bản cuốn sách của tôi ông Nishi Manjtro vui vẻ đồng ý và nhanh chóng làm văn bản Fax sang Hà Nội. Vậy là cuốn sách đầu tiên do tôi chuyển ngữ đã được ra mắt bạn đọc.

Sau đó, tôi tiếp tục dịch và xuất bản cuốn sách thứ hai của Nishi Katsuzo với tựa đề “Làm sạch mạch và máu”. Cuốn sách này tác giả đã đưa ra các lý giải khoa học về bốn nguyên tố cấu thành nên cơ thể con người. Đó là lửa (ánh sáng mặt trời), không khí, đất và nước. Trong đó, ông nhấn mạnh đến yếu tố vận động, muốn chữa lành bệnh cho cơ thể trước hết cần làm khỏe mạnh các mao mạch. Vì vậy chuyển động là bước đầu tiên dẫn đến việc dắt cơ thể con người ra khỏi vực thẳm của sự bất động và nỗi bất hạnh của bệnh tật.

Mới đây nhất, tôi ra mắt bạn đọc cuốn “Làm sạch tâm hồn - các bài tập thiền” - cuốn sách thứ ba của Nishi Katsuzo. May mắn là cuốn sách tiếp tục nhận được sự chú ý của độc giả. Điều đặc biệt hay của cuốn sách là Nishi Katsuzo cho rằng Thiền chính là liều thuốc từ tâm thức nhưng ông không tuyêt đối hóa nó mà khẳng định cần kết hợp với các yếu tố khác như, dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày: “Chỉ mỗi Thiền thôi thì không đủ. Còn cần cả chế độ dinh dưỡng đúng, thở đúng, tập thể dục thường xuyên, có nghĩa là cần tuân theo quy luật của sức khỏe”.

Với tôi, việc dịch những cuốn sách này giống như một nhân duyên, một sự ban tặng. Cả đời làm khoa học, chỉ nghiên cứu về cây, đến tuổi xế chiều lại được tiếp xúc với những người bệnh đủ loại, kể cả tuổi tác, giới tính, học vấn và nghề nghiệp, tiếp theo đó là những cuốn sách chứa đựng nhiều giá trị khoa học và thực tiến về sức khỏe con người nên tôi đã cố gắng chuyển ngữ để có thể mang đến cho bạn đọc những điều tôi tâm đắc.

Tiến sĩ Trương Thị Thảo: Dịch sách cũng gian truân như khi làm khoa học

 Bà có thể kể một chút về cuộc đời làm khoa học của mình được không, thưa bà?

- Con đường làm khoa học của tôi cũng gian truân như khi dịch sách. Học và làm nghiên cứu sinh chuyên ngành sinh học tổng hợp ở Nga xong tôi về công tác tại Viện Lâm nghiệp, chuyên nghiên cứu về sinh lý cây rừng. Đặc tính cây rừng là lâu năm, một cái cây có thể sống 50, 70, thậm chí vài trăm năm nên không ai có thể nghiên cứu được quá trình phát triển cả đời của nó.

Tôi chỉ nghiên cứu một giai đoan phát triển của một trong số các loại cây rừng là cây thông. Khi được giao đề tài nghiên cứu cây thông trong vườm ươm tôi đã đi ngược lại tất cả những kỹ thuật mà những người trước đó đã đưa ra. Khi đến vườn ươm tôi thấy họ chăm cây ươm như chăm cây rau, tưới, bón phân như khi trồng rau. Tôi đã phản đối việc ươm cây như vậy, bởi chăm sóc cây con như thế khi đưa lên trồng ở vùng đồi trọc với khí hậu khô hạn, khắc nghiệt thì nó không thể sống được, giống như một đứa trẻ nhà giàu không thể thích nghi với cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn.

Tôi đã làm thí nghiệm để chứng minh phương pháp ươm trồng đó là phản khoa học, không mang lại hiệu quả. Tôi lăn lóc ở vùng Bình Trị Thiên khói lửa, giữa cái nắng tháng 5 chang chang đổ lửa, yêu cầu bỏ hết tất cả đất trong vườn ươm, lấy đất đồi về, trồng cây ươm vào đó, không bón phân, không bổ sung thêm gì hết. Sau đó, giao cho tổ đội của lâm trường chăm sóc, đánh giá tỉ lệ cây sống, cây chết và sự phát triển của cây. Mấy chục năm theo đuổi đề tài nghiên cứu với duy nhất loài cây thông, ở giai đoạn một năm tuổi trong vườn ươm để khi đưa ra trồng trên đồi cây chống lại được những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và tồn tại, tôi cảm thấy mãn nguyện với những thành quả mình đã nghiên cứu được. Và giờ về già, tôi lại bầu bạn với những người bệnh và những cuốn sách, với tôi thế là hạnh phúc.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện và chúc bà tiếp tục mang đến cho bạn đọc nhiều cuốn sách quý!

Phạm Ngọc

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật