Ngày 13/7, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an (C01) đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 10 bị can trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và vi phạm quy định về quản lý đất đai liên quan đến khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM).
Trong đó, ông Vũ Huy Hoàng – nguyên Bộ trưởng Công Thương và bà Hồ Thị Kim Thoa – nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”
Khu đất này rộng hơn 6.000 m2, nằm ở vị trí cực kì đắc địa có bốn mặt tiền tại các con đường Hai Bà Trưng - Đông Du - Thi Sách - vòng xoay Công trường Mê Linh. Giá trị quyền sử dụng đất của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng do Bộ Công Thương phê duyệt giá sàn vào tháng 4/2016 là hơn 2.505 tỷ đồng và tại thời điểm Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự là 3.816 tỷ đồng.
Ngoài việc có 4 mặt tiền tại trung tâm quận 1, khu đất còn hướng thẳng ra bờ sông Sài Gòn qua đường Tôn Đức Thắng và Bến Bạch Đằng. Khu đất này được Bộ Tài chính giao cho Sabeco xây dựng trụ sở văn phòng và Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp và xử lý nhà đất công nhưng nhiều năm Sabeco không triển khai dự án.
Quanh Công trường Mê Linh có 6 khu đất vàng thì 5 khu đã xây khách sạn sang trọng, cao ốc văn phòng như khách sạn Hilton Sài Gòn, Mê Linh Point Tower, khách sạn Renaissance Riverside Sài Gòn, Vietcombank Tower và tòa nhà IBC. Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích lớn hơn 5 khu đất nêu trên, rộng gần gấp đôi khu đất của Vietcombank Tower.
Dự án bị Sabeco "treo" nhiều năm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thời điểm đó là ông Nguyễn Hữu Tín lại cho phép Công ty Cổ phần đầu tư Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án trên theo đề nghị của Sở KH&ĐT mà không qua ý kiến của Bộ Tài chính.
Ngay sau đó, Sabeco góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án Sài Gòn Mê Linh Tower gồm 4 cổ đông là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (sở hữu 25,5%) và Công ty Cổ phần Đầu tư Mê Linh (sở hữu 25,5%0, Sabeco (sở hữu 26%) và Công ty Cổ phần Attland (sở hữu 23%).
Trên cao có thể thấy, từ vị trí của khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng có thể nhanh chóng di chuyển đến những địa điểm nổi tiếng của TP.HCM hoặc các quận, huyện khác khá nhanh chóng, hạ tầng giao thông đồng bộ.
Khu đất này cũng chỉ cách ga Ba Son và nhà ga trung tâm Bến Thành của tuyến metro số 1 chưa đầy 1km. Tháng 6/2016, Sabeco thoái vốn đầu tư tại Sabeco Pearl theo chỉ đạo của Bộ Công Thương cho 3 cổ đông còn lại theo hình thức đấu giá. Cuối cùng, Attland trúng đấu giá với mức giá 13.347 đồng/cổ phần. Sabeco thu về gần 195 tỷ đồng từ thương vụ này.
Sắp tới, khi cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành, cách khu đất chỉ vài trăm mét về hướng đường Tôn Đức Thắng, khu đất sẽ càng tăng giá hơn.
Năm 2018, ba cổ đông còn lại trong tại Sabeco Pear là Hà An, Mê Linh, Attland cũng thoái vốn tại công ty này. Cuối cùng, khu đất từ ban đầu là đất công đã về tay tư nhân là ông Ngô Văn An (nắm 98,53% vốn điều lệ), ông Trần Quang Huy (nắm 0,49%) và bà Nghiêm Thị Hương (0,98%).
Đến hiện tại, toàn bộ khu đất vàng vẫn chưa có hoạt động triển khai dự án nào, bốn mặt tiền quây tôn bị vẽ chằng chịt gây mất mĩ quang đô thị. Trong những vụ chuyển nhượng tại khu đất, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl (tức Sabeco Pearl) trái quy định.
Bên trong khu đất vàng nghìn tỷ nhiều năm nay cỏ hoang mọc đầy. Ngoài cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương (đang bị truy nã), Phan Đăng Tuất (Chủ tịch HĐQT Sabeco) cũng đã ký công văn đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Sabeco Pearl.
Từ đây, các sở ban ngành thuộc UBND TP.HCM đã tham mưu cho ông Nguyễn Hữu Tín ký ban hành Quyết định cho Sabeco Pearl thuê đất trái quy định pháp luật, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí