• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp

Giải pháp được đưa ra trong cuộc Tọa đàm với sự tham gia của các nhà khoa học nữ và doanh...

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)  phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam và các đơn vị liên quan vừa tổ chức Tọa đàm “Một số vấn đề về sở hữu trí tuệ trong trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp”.

 Thông qua tọa đàm, các nhà khoa học, nhà quản lý và kinh doanh có thêm cơ hội chia sẻ, trao đổi những vấn đề về mối quan hệ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu gắn với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Toàn cảnh tọa đàm “Một số vấn đề về sở hữu trí tuệ trong trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp”. Ảnh: hointtvn.vn
Toàn cảnh tọa đàm “Một số vấn đề về sở hữu trí tuệ trong trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp”. Ảnh: hointtvn.vn

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, tại Việt Nam, khoa học và công nghệ là một trong tám lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Phụ nữ ngày càng có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Tuy nhiên, khoảng cách giới trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và đặc biệt việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn là vấn đề của cả Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới.

Do đó, việc tạo điều kiện, hỗ trợ giới nữ tiếp cận được các nguồn thông tin, gắn kết hoạt động nghiên cứu với sản xuất kinh doanh thông qua mối quan hệ giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp gắn với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là hết sức cần thiết.

Chia sẻ một số vấn đề về Sở hữu trí tuệ cần lưu ý trong hợp tác trường đại học – viện nghiên cứu – doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết: để tránh rủi ro khi hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, các bên cần trang bị kiến thức cơ bản và tìm đến tư vấn chuyên nghiệp; cần thỏa thuận bảo mật (trước, trong và sau hợp tác); xác định đúng và đủ quyền sở hữu trí tuệ có trước của các bên: cơ chế, điều kiện các bên tiếp cận và sử dụng…

Nói về những kinh nghiệm hỗ trợ kết nối các nữ khoa học với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp (Hội Nữ trí thức Việt Nam) khẳng định: Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học hay ý tưởng khoa học mang tính đột phá về cơ bản cũng giống như thương mại hóa sản phẩm, nhưng việc thực hiện khó khăn hơn nhiều bởi phải xây dựng thị trường cho một sản phẩm mới, chứ không đơn thuần là thiết kế một sản phẩm cho phù hợp với thị trường hiện hữu; mục đích giữa nhà khoa học và doanh nghiệp cũng rất khác nhau...

Do đó, để kết nối các nhà khoa học nữ với các doanh nghiệp, thương mại hóa tài sản trí tuệ thành công, bà Lê Thị Khánh Vân đề xuất, thời gian tới, các bên cần tư vấn, hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng đổi mới, sáng tạo; hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; tăng cường các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại hóa, phát triển thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, các bên cần hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi; tăng cường năng lực cho các đơn vị hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo…

Trong khuôn khổ tọa đàm, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng thảo luận mở một số vấn đề thách thức, khó khăn trong hợp tác giữa các nhà khoa học nữ với doanh nghiệp; giới thiệu các tài liệu về kỹ năng trong đàm phán hợp tác giữa các nhà khoa học nữ với doanh nghiệp; giới thiệu khóa đào tạo các nữ trí thức, doanh nghiệp trong thời gian tới; đăng ký bảo hộ tại nước ngoài, tìm kiếm các giải pháp quản lý, khai thác hiệu quả thương mại hóa tài sản trí tuệ giữa nhà khoa học nữ, doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài…

Diệu Thuần (T/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật