Vào tối ngày 27/11, Lễ trao giải thưởng Khoa học công nghệ (KHCN) Quả Cầu Vàng và Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022 đã diễn ra long trọng tại nhà hát Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm nhằm phát hiện và tôn vinh các tài năng trẻ xuất sắc không quá 35 tuổi đang trong học tập, nghiên cứu khoa học, làm việc ở trong và ngoài nước thuộc 5 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y - dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường và Công nghệ vật liệu mới.
Trong danh sách 10 Quả cầu vàng năm 2022 có 2 nữ khoa học đó là TS. Lê Thị Phương (lĩnh vực công nghệ vật liệu mới), nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam và TS. Trần Thị Như Hoa (lĩnh vực công nghệ vật liệu mới), giảng viên Khoa Khoa học và công nghệ vật liệu, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TPHCM.
TS. Lê Thị Phương
TS. Lê Thị Phương (Nghiên cứu viên Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới.
Cô được biết đến là nhà khoa học với hướng nghiên cứu hydrogel tiêm tại chỗ - một loại vật liệu tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng y sinh như chữa lành vết thương, tái tạo mô, giúp nâng cao sức khỏe của bệnh nhân ngay tại nhà.
TS. Lê Thị Phương |
Cô cải tiến thêm các thành phần, tính chất khác cho hydrogel như khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sự hình thành sẹo... hướng đến tạo ra sản phẩm thương mại có giá thành hợp lý để tiếp cận với mọi đối tượng bệnh nhân.
TS. Phương đang ở trong giai đoạn đăng ký sở hữu trí tuệ; riêng một số sản phẩm đang được xúc tiến thử nghiệm trên nhiều mô hình động vật khác nhau để tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người.
Cô vinh dự được nhận giải thưởng thưởng dành cho nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu nổi bật của Hiệp hội Vật liệu Sinh học Hàn Quốc năm 2021.
"Khoa học chân chính được đánh giá trên nhiều phương diện, từ giữ được liêm chính khoa học, giữ đạo đức hành nghề đến đánh đổi thời gian, tuổi trẻ, tình cảm, sức khỏe... Trong những yếu tố đó, tôi nghĩ "sức khỏe" và "tình cảm" gây nhiều cản trở với nữ khoa học gia hơn", TS. Lê Thị Phương nhận định.
TS. Trần Thị Như Hoa
TS. Trần Thị Như Hoa đã có hơn 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới. TS.. Hoa cho biết, nhờ thế mạnh về môn Toán nên đã quyết định lựa chọn học khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh.
Năm 2015, cô nhận học bổng nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc và nhận bằng tiến sĩ sau 3 năm. Ngoài ra cô còn đảm nhận vai trò Phó Trưởng ban khoa học Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) từ năm 2017 - 2019 để tổ chức thường niên Hội thảo nhà khoa học trẻ Việt Nam (Annual Conference of Vietnamese Young Scientists - ACVYS).
|
Làm việc tại ĐH Gachon một thời gian, TS. Trần Thị Như Hoa quyết định trở về Việt Nam làm giảng viên khoa Khoa học - Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Về Việt Nam, cô tiếp tục tập trung nghiên cứu chính về vật liệu quang học, cảm biến và ứng dụng (O&S). Mục tiêu của O&S là mô phỏng kết hợp nghiên cứu thực nghiệm để đề xuất các quy trình cho công nghệ sản xuất cảm biến dựa trên tính chất plasmonic của vật liệu. Cảm biến quang học sử dụng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt với nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như vật lý, hóa học, sinh học và y dược, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán bệnh.
TS Hoa đã cùng nhóm nghiên cứu phát triển các cảm biến quang học có độ nhạy cao, độ tái lập tốt, tính đặc hiệu, thời gian phản hồi nhanh để có cơ sở mở ra một hướng mới với các nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong lĩnh vực Y-Sinh.
TS Hoa cho biết, ngành Công nghệ Vật liệu mới vốn đặc thù với khối lượng kiến thức đồ sộ, khó hình dung, chú trọng các kiến thức về quy trình, công nghệ hoặc nguyên lý hoạt động máy móc thiết bị. Giáo án giảng dạy luôn được nữ TS trẻ bổ sung, thay đổi thường xuyên để giúp sinh viên tiếp thu một cách hiệu quả nhất.
Khi nhận được giải thưởng KHCN Quả Cầu Vàng 2022, TS không giấu được niềm vui mừng: "Giải thưởng KHCN Quả Cầu Vàng là chất "xúc tác" cho tôi trong hành trình nghiên cứu khoa học phía trước. Tôi tin và khẳng định, bản thân sẽ làm tốt vai trò, nhiệm vụ của một nhà nghiên cứu trước kỳ vọng của xã hội để xứng đáng với giải thưởng cao quý này".