Từ ngày 7- 9/8/2023, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức chương trình tập huấn “Đồng hành cùng phụ nữ xây dựng gia đình có kiến thức, có sức khỏe và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ” với sự tham gia của 70 đại biểu đại diện Hội LHPN các tỉnh/thành khu vực phía Bắc, Ban Phụ nữ Quân đội và Ban Phụ nữ Công an.
Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc chương trình tập huấn |
Chương trình tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Hội cấp tỉnh trong tuyên truyền xây dựng gia đình có kiến thức, có sức khỏe và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: Gia đình là đơn vị xã hội quan trọng nhất trong việc tạo ra thế hệ mới, tái tạo sức lao động của người trưởng thành, chăm sóc người đau ốm, người cao tuổi... Xã hội phát triển thì gia đình cũng biến đổi và phát triển với những sắc thái khác nhau. Những vấn đề đặt ra đối với gia đình và công tác xây dựng gia đình hiện nay đòi hỏi những cán bộ Hội làm công tác gia đình phải cập nhật thông tin, phân tích và đánh giá để có thể đồng hành, hỗ trợ hội viên, phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, tiến bộ.
Phó Chủ tịch Hội cho biết, Chiến lược phát triển tổ chức Hội LHPN Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2045 xác định Chương trình hành động số 3 về Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ trong đó nhấn mạnh Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc; Tập trung giải quyết các vấn đề thiết thân của một số nhóm phụ nữ, đảm bảo không có phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang được triển khai sâu, rộng, đồng bộ và gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” tại tất cả các địa bàn trong cả nước.
Toàn cảnh lớp tập huấn |
Năm 2022, Trung ương đã chỉ đạo thí điểm mô hình “5 có 3 sạch” và mô hình “dịch vụ gia đình” tại 5 tỉnh Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu; Năm 2023, tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng các hộ gia đình đã đạt 8 tiêu chí 5 không, 3 sạch và triển khai thí điểm mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” tại các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu góp phần xây dựng nông thôn mới và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Trong quá trình triển khai, việc chỉ đạo, triển khai trong hệ thống Hội có nhiều đổi mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp Hội; đẩy mạnh phối hợp với các ngành và tập trung các nguồn lực để thực hiện các nội dung thành phần được giao trong Chương trình như: Chương trình số 01 phối hợp giữa Chính phủ, Hội Nông dân và Hội LHPN Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khoẻ cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025”; Thoả thuận hợp tác với Công ty TNHH quốc tế Unilever tại Việt Nam trong việc “Nâng cao chất lượng cuộc sống và trao quyền cho phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh và giáo dục sức khoẻ”… Thông qua các hoạt động này, đã tạo điều kiện để chị em hội viên phụ nữ và gia đình có thêm kiến thức, kỹ năng và thu nhập góp phần hiện thực hoá tiêu chí Gia đình có kiến thức, sức khoẻ, bình đẳng, an toàn và thịnh vượng trong bối cảnh hội nhập.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu đã được thông tin, chia sẻ về các vấn đề liên quan đến gia đình như: các đặc trưng của gia đình (hôn nhân và quan hệ hôn nhân, huyết thống và quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng…); chức năng của gia đình (sinh đẻ, nuôi nấng, giáo dục, kinh tế, thoả mãn tinh thần, tâm lý, chăm sóc người già); sự phân công lao động, quyền lực trong gia đình; giáo dục gia đình (đạo đức, trách nhiệm, thái độ, ý thức, kỹ năng lao động, thể chất thẩm mỹ,…). Qua đó góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội trong hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, nâng cao quyền năng của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, trong đó tập trung vào nâng cao quyền năng, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời cùng nhau thảo luận, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm trong 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; các bài học kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương trong quá trình thực hiện Đề án 938 để có những giải pháp hiệu quả, phù hợp trong việc giải quyết các vấn đề đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em, giáo dục làm cha mẹ; đặc biệt chú trọng tìm ra được các giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả và bền vững Chương trình Mẹ đỡ đầu…