Chủ đề Hội nghị lần này là “Nữ trí thức với khoa học và công nghệ vì sự phát triển bền vững”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị |
Đánh giá cao chủ đề của hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng đây là chủ đề rất thuyết phục, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: "Chúng ta đi nhanh hơn nhưng muốn phát triển bền vững hơn nhất là trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì rất nhiều việc phải làm. Từ xây dựng thể chế, tới việc phổ cập thông tin trí thức. Đặc biệt quan trọng là giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, để khoa học công nghệ thực sự phát triển. 4.0 hay 5.0 thì cuối cùng vẫn phụ thuộc vào con người. Phải khơi dậy sự sáng tạo trong từng giáo viên, học sinh, từng cá nhân và tập thế là điều vô cùng quan trọng.”
Cũng theo Phó thủ tướng, các cấp, các ngành cần tạo điều kiện hơn nữa cho khoa học công nghệ phát triển, trong đó có sự phát triển của các nhà khoa học nữ, các nữ trí thức.
Phó Thủ tướng mong muốn các nữ trí thức sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của người phụ nữ Việt Nam để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, để tận dụng hiệu quả cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Các nữ trí thức tham dự Hội nghị |
Trước đó, Hội thảo khoa học chuyên đề “Khoa học & Công nghệ với bảo vệ môi trường” trong khuôn khổ Hội nghị do Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với trường ĐHKHTN tổ chức, diễn ra tại Hà Nội ngày 16/10.
5 báo cáo chuyên đề và 16 công bố nghiên cứu được giới thiệu đều bám sát những chủ đề nóng hiện nay như rác thải nhựa và xử lý rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước và cảnh quan môi trường biển, đảo… Phần lớn các hướng nghiên cứu tập trung vào vấn đề tận dụng chất thải, biến chất thải thành nguồn nguyên liệu, vật liệu mới, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Hướng nghiên cứu này không những giảm thiểu được lượng và loại chất thải đang trở thành gánh nặng cho môi trường mà còn góp phần tái chế, tái sử dụng từng phần hay toàn phần chất thải biến chúng thành một dạng năng lượng khác, tiếp tục phục vụ sản xuất. Tận dụng chất thải là một vấn đề mấu chốt của quản lý chất thải bền vững hướng tới kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường.