Chủ đề về người tự kỷ đã nhiều lần xuất hiện trong phim ảnh và mỗi phim lại có những cách khai thác nhân vật khác nhau. Gần đây nhất phải kể đến cơn sốt của bộ phim Hàn Quốc Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo. Bộ phim được đánh giá có câu chuyện hấp dẫn thú vị và gần gũi, xoay quanh cuộc sống, công việc của nữ luật sư mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ Woo Young Woo.
Ít ai biết rằng, hình mẫu truyền cảm hứng xây dựng nên nhân vật Woo Young Woo trong phim "Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo" lại là một giáo sư tự kỷ có thật ngoài đời. Theo nhà sản xuất bộ phim đã tiết lộ, nhân vật Woo Young Woo được lấy cảm hứng từ cuộc đời Giáo sư Temple Grandin của Đại học Bang Colorado, Mỹ. Bà là một giáo sư khoa động vật học tại Đại học Bang Colorado, đồng thời là một tác giả viết sách và hoạt động vì người tự kỷ.
Nhân vật Woo Young Woo được lấy cảm hứng từ cuộc đời Giáo sư Temple Grandin |
Trả lời phỏng vấn tờ Hankook Ilbo, giáo sư đại học Nazarene Hàn Quốc Kim Byung Gun - cố vấn chuyên môn của “Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo” - khẳng định: "Tôi muốn phá vỡ định kiến phổ biến rằng người tự kỷ cần sự giúp đỡ của người khác và chỉ có thể thành công ở một vài lĩnh vực nhất định. Tôi đã tham khảo bài phát biểu của giáo sư Grandin để tạo nên hình ảnh nhân vật Woo Young Woo trong phòng xử án”.
Giáo sư Kim Byung Gun đã kết hợp với biên kịch Moon Ji Won để tập trung nắm bắt triệu chứng tự kỷ của Woo Young Woo trong cuộc sống thường ngày và miêu tả chứng một cách chi tiết, gần gũi nhất trên màn ảnh.Từ nhân vật truyền cảm hứng là Giáo sư tự kỷ Temple Grandin, nữ luật sư Woo Young Woo đã được xây dựng trở thành một nhân vật “tự kỷ thiên tài”.
Hiện nay, không chỉ trở thành một tác giả và diễn giả nổi tiếng, Temple Grandin còn là giáo sư Khoa học Động vật tại Đại học Colorado (Mỹ). Ngoài ra, bà cũng đã vinh dự được tham gia vào các chương trình truyền hình quốc gia trong và ngoài nước như National Public Radio, Larry King Live, BBC Special, …. hay xuất hiện trên các trang báo và tạp chí nổi tiếng như Time, New York Times, Forbes,... Năm 2010, Đài truyền HBO đã sản xuất một bộ phim về bà, và Grandin đã được giới thiệu vào Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 2016.
Tác phẩm điêu khắc Temple Grandin trong khuôn viên Đại học Colorado. Ảnh:TempleGrandi.com |
Chứng tự kỷ mang đến cái nhìn sâu sắc về thế giới động vật
Khi còn bé, Grandin thường bị coi là kỳ quặc, phải hứng chịu nhiều lần trêu chọc và bắt nạt bởi các bạn ở trường học. Carlock, giáo viên khoa học ngày đó của cô học sinh đóng vai trò là người cố vấn quan trọng, đã khuyến khích động viên niềm đam mê với khoa học của Grandin. Với mục tiêu là trở thành nhà khoa học, cô gái trẻ được tiếp thêm động lực để nghiên cứu. Ngày nay, một nửa số các cơ sở chăn nuôi gia súc ở Mỹ là do Grandin thiết kế.
Phải đến hơn ba tuổi, Grandin mới nói được. Cô bé nhỏ khi đó đã may mắn được trị liệu ngôn ngữ sớm và có thể đến một trường mẫu giáo bình thường khi lên năm tuổi.
Năm 15 tuổi, Temple được đến thăm trang trại của chú dì ở Arizona. Tại đây, cô thiếu niên trẻ đã để ý thấy những con gia súc ở đó khá kích động và Grandi đã chế tạo một chiếc máy có đệm cao su. Ngoài ra, trong các thiết kế của mình, Grandin cũng đã thắp sáng lối vào tối tăm, bởi “Những thay đổi rất đơn giản có thể tạo ra sự khác biệt lớn”.
Temple Grandin được coi là một trong những người có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Ảnh: Rosaline Winard |
Vị giáo sư cho rằng chứng tự kỷ của bản thân chính là nguyên nhân khiến cô ấy có suy nghĩ “trực quan”, giúp bà có cái nhìn sâu sắc về nhũng thứ đang ảnh hưởng đến con bò: “Chúng suy nghĩ dựa trên các giác quan, không phải bằng lời nói, bằng hình ảnh, âm thanh và mùi vị”.
Trong một bài diễn thuyết thu về hơn 5 triệu lượt xem tại TED Talk năm 2010, Temple Grandin cho biết tài sản quý giá của bà chính là cách suy nghĩ bằng hình ảnh thay vì suy nghĩ bằng ngôn ngữ. Bà chia sẻ: “Tư duy hình ảnh đã giúp tôi có rất nhiều cái nhìn sâu sắc về các trạng thái của động vật”.
Trở ngại lớn nhất không phải là chứng tự kỷ mà là một người phụ nữ
Các thiết kế của giáo sư Grandin đã tạo ra những kỳ tích không nhỏ và giành được sự công nhận quốc tế.
Temple Grandin. Ảnh: Internet. |
Dẫu vậy, bà cũng đã gặp nhiều khó khăn từ những ngày đầu trong sự nghiệp: “Đầu những năm 70 ở Mỹ, thời điểm tôi bắt đầu công việc của mình, ngành chăn nuôi gia súc hoàn toàn là thế giới của đàn ông, không có người phụ nữ nào làm việc ngoài bãi”.
Grandin chia sẻ: “Một phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp của đàn ông thời điểm đó là một trở ngại lớn hơn rất nhiều so với chứng tự kỷ. Trong bộ phim mang tên tôi của HBO, có một cảnh tôi đã bị ném ra khỏi bãi vì các bà vợ của những ông cao bồi không muốn tôi ở đó. Họ còn để cả bộ phận sinh dục của bò đực lên xe của tôi. Điều đó thật sự đã xảy ra.”
Tuy nhiên, bà đã làm việc chăm chỉ để có được sự tín nhiệm, trình độ và kiến thức để giới thiệu sự thay đổi trong mô hình chăn nuôi gia súc này. Bà nhấn mạnh: “Tôi phải cố gẳng khiến bản thân thực sự giỏi”
Đặt vị trí giáo sư lên hàng đầu, sau là tự kỷ
Temple Grandin cũng dành thời gian để giảng dạy và truyền cảm hứng cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ.
Bà nói: “Trên hết, tôi là một giáo sư đại học, sau đó tôi là người tự kỷ. Tự kỷ là một phần quan trọng định nghĩa con người tôi, nhưng giáo sư đại học và khoa học động vật, thiết kế mô hình chăn nuôi gia súc được ưu tiên hàng đầu”.
Năm ngoái, Grandin đã phát hành cuốn sách của bản thân “The Outdoor Scientist” để khuyến khích trẻ em tham gia các hoạt động ngoài trời - khoảng thời gian giúp khơi gợi trí tò mò vốn là bản chất của khoa học.
Bà chia sẻ thêm: “Tôi thích lời chia sẻ của Stephen Hawking ngay trước khi ông ấy mất: “Tập trung vào điểm yếu của bản thân không ngăn bạn làm tốt công việc của mình”. Tôi thực sự rất thích câu nói đó”.