Là Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến thủy sản Long Tám (thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình), chị Đào Thị Tám làm giàu từ nguồn lợi hải sản của quê hương, đồng thời tạo cảm hứng để nhiều phụ nữ và người dân trong làng cùng phát triển kinh tế.
Xã Bảo Ninh là ngôi làng có truyền thống phát triển kinh tế gắn với biển và những món quà từ đại dương. Nơi đây, người dân thường đi biển gần và xa bờ, thu về nguồn lợi thủy sản tươi ngon trên vùng biển Quảng Bình. Từ đó, tạo nên danh tiếng cho ngôi làng được bao quanh bởi sông và biển.
Với mong muốn làm giàu và phát triển thương hiệu của sản vật quê hương, chị Đào Thị Tám (SN 1970, thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) đã học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để tạo nên những chế phẩm đặc trưng cho hương vị của quê hương.
Sản phẩm mực khô đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh Quảng Bình do HTX Long Tám chế biến. |
Trao đổi với PV, chị tâm sự bản thân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở làng biển Bảo Ninh. Vậy nên, tuổi thơ của chị gắn với con tôm, con cá và những công việc phụ giúp gia đình. Khi lấy chồng, làm dâu trong gia đình có truyền thống làm nghề chế biến hải sản khô, chị nhanh chóng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ nhà chồng.
Với nguồn hải sản tươi ngon và đặc trưng của miền biển Quảng Bình, chị Tám cùng chồng phát triển kinh tế bằng nghề chế biến hải sản khô. Khởi đầu gian nan và nhiều khó khăn khi người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm, chị tự tìm hiểu và tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật chế biến thủy hải sản, kỹ năng tìm kiếm thị trường, quản lý doanh nghiệp nhỏ và buôn bán hộ gia đình. Chị còn bắt xe khách đến các nơi tiêu biểu và có mô hình phát triển để học hỏi các mô hình làm kinh tế giỏi ở nhiều địa phương.
Với sự tìm tòi và kiên trì phát triển, chị Tám cùng HTX đã mang đến nhiều sản phẩm đa dạng. |
Sau thời gian tự trau dồi và nỗ lực muốn phát triển sản phẩm hải sản khô mang hương vị biển Quảng Bình, chị Tám đã tự vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ quy trình chế biến như: quạt điện, giàn phơi cá, lò sấy cá. Nhờ có đầu tư, hoạt động chế biến không bị phụ thuộc vào thời tiết, mùa mưa vẫn có thể thu mua và chế biến các chế phẩm hải sản ngon ngọt.
Tháng 10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen cho chị Đào Thị Tám vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2015 - 2020. (Ảnh: NVCC) |
Với tinh thần tích cực làm giàu, kiên trì xây dựng mô hình kinh doanh, chị Tám là hình mẫu cho nhiều chị em phụ nữ và người dân trong xã học hỏi. Năm 2019, chị Đào Thị Tám đứng ra vận động nhiều hộ dân trong xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) thành lập Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến thủy sản Long Tám (HTX. Long Tám).
Với 9 thành viên, hàng năm, HTX Long Tám xuất ra thị trường khoảng 8 - 9 tấn cá, mực, tôm khô các loại; 12.000 lít nước mắm... Doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho từ 20 - 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã, chị đã tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ, vay mượn cả tiền bạn bè để đầu tư mở rộng nhà xưởng, xây dựng lò sấy, kho đông lạnh, bể chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời và một số hạ tầng khác phục vụ hoạt động sản xuất.
Năm 2020, sản phẩm nước mắm và mực khô của HTX Long Tám được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận đạt chuẩn OCOP 3 Sao cấp tỉnh.
Sản phẩm cá khô, nước mắm Long Tám được biết đến, sử dụng cả trong và ngoài nước. Sự thành công đó đã mang đến sản phẩm mới chất lượng cho tỉnh nhà, đồng thời tạo cảm hứng cho những người phụ nữ trong xã cùng đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế. Hình ảnh người phụ nữ xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình ngày một năng động, sáng tạo, góp phần vào phát huy truyền thống của phụ nữ của tỉnh nói chung.