Tăng trưởng GDP vượt kế hoạch trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm: Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam dự kiến đạt 7,5-8%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 6-6,5%; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,1-3,3%; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện khoảng 21 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2021.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina. (Ảnh: TTXVN) |
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 750 tỷ USD, tăng 12,18%. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm động lực tăng trưởng, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao.
2. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng cao độ quan hệ hai Đảng, hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Chuyến thăm từ ngày 30/10-1/11 tiếp thêm động lực, củng cố tình láng giềng hữu nghị, tăng cường tin cậy chính trị và làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Mười ba văn bản hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế chiếm phần lớn, đã được ký kết.
3. Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh/thành về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Toàn bộ 63 Ban Thường vụ tỉnh ủy/thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các địa phương.
Lực lượng chức năng khám xét và thu giữ tài liệu tại trụ sở FLC hôm 29/3. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Với sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ của các Ban Chỉ đạo ở trung ương và địa phương, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực có sự móc ngoặc, thông đồng từ trung ương đến địa phương, giữa một số lãnh đạo các cấp với doanh nghiệp, và đặc biệt các đại án có sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài nhà nước như Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, An Đông…, đã được đưa ra ánh sáng.
4. Ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng
Lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 của 6 vùng kinh tế nhằm phát huy lợi thế của mỗi vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên kết vùng.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội cũng đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, tạo đột phá về hạ tầng, kết nối không gian giữa các vùng trong cả nước.
5. Việt Nam mở cửa biên giới, tổ chức thành công SEA Games 31
Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) đã diễn ra từ ngày 5-23/5, ngay sau khi Việt Nam quyết định mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3.
Đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam với cờ các nước tham dự tại Lễ Bế mạc SEA Games 31.(Ảnh: TTXVN) |
Với thành công của SEA Games 31, Việt Nam được đánh giá cao về công tác tổ chức, thành tích chuyên môn cũng như công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam sau hơn hai năm chiến đấu chống đại dịch COVID-19.
6. Biến động lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp – kênh dẫn vốn trung và dài hạn bị ảnh hưởng tiêu cực khi một số vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị khởi tố. Nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do lo ngại doanh nghiệp không trả được nợ.
Để chấn chỉnh hoạt động của thị trường này, ngày 16/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp; yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát sửa đổi Nghị định 65, bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ.
7. Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế số
Theo Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa kinh tế số Việt Nam năm 2022 ước đạt 23 tỷ USD, tăng khoảng 28% so với năm 2021, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của ngành kinh tế số năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021.
8. Tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ở nhiều địa phương
Trong tháng 10 và 11, người dân ở nhiều địa phương phải xếp hàng dài để chờ mua xăng hoặc chỉ được mua xăng theo định mức. Tình trạng này là hệ quả của những diễn biến phức tạp trên thị trường dầu mỏ thế giới và cũng bộc lộ những bất cập trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu.
Người dân xếp hàng dài chờ mua xăng, dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên đường Giải Phóng, tối 5/11. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đã gấp rút đưa ra giải pháp tháo gỡ tình trạng này.
9. Ngập lụt bất thường ở miền Trung
Ngày 14 và 15/10, Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung bị ngập sâu do hoàn lưu sau bão kết hợp mưa lớn với lượng mưa lên đến gần 700mm trong 24 giờ. Triều cường diễn ra cùng thời điểm càng làm chậm quá trình thoát lũ. Đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều tuyến đường chính của Đà Nẵng ngập sâu, người dân di chuyển khó khăn. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN) |
Trận lụt lịch sử này cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi biện pháp ứng phó mang tầm chiến lược.
10. Việt Nam lần đầu tiên lọt vào Vòng chung kết World Cup bóng đá nữ
Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam bảo vệ thành công huy chương Vàng tại SEA Games 31 sau khi đánh bại Thái Lan. (Ảnh: TTXVN) |
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã trở thành một trong 6 đại diện của châu Á tham dự Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023. Đây là lần đầu tiên Việt Nam góp mặt tại ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh này.
Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã bảo vệ thành công ngôi vô địch./.