Liên quan đến việc đề nghị xóa bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài và xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, đội vốn dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã có văn bản trả lời cư tri TP Hà Nội và TPHCM.
Xem xét xóa bỏ BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, việc xử lý các tồn tại của trạm thu phí này cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích, quyền, nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng đã ký. Trước khi tiến hành dự án BOT đầu tư xây dựng Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài do Cục Đường bộ Việt Nam (Tổng cục ĐBVN) tổ chức quản lý, thu phí nộp ngân sách Nhà nước.
Trước đó, vào tháng 2/2006, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai dự án Quốc lộ 2 đoạn tránh thị xã Vĩnh Yên theo hình thức BOT với nguồn vốn đầu tư từ thu phí trên tuyến đường Bắc Thăng Long-Nội Bài. Tổng cục ĐBVN cùng với nhà đầu tư là Công ty cổ phần VIETRACIMEX 8 đã ký kết hợp đồng BOT số 37/CĐBVN-HĐ.BOT ngày 14/8/2007 để triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật.
Khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động theo Nghị định mới, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu xử lý, sắp xếp lại các trạm thu phí đường bộ; trong đó giao Bộ GTVT xóa bỏ, dừng thu từ ngày 1/1/2013 đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Nhà nước, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay.
Vào năm 2013, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng về việc xử lý những vấn đề còn tồn tại ở trạm thu phí này. Bộ đề xuất ghép với trạm thu phí của dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên hoặc Nhà nước bố trí vốn mua lại bằng ngân sách Nhà nước.
Đến năm 2014, Bộ lại tiếp tục kiến nghị xem xét xử lý vấn đề của trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc theo hợp đồng BOT đã được ký kết với nhà đầu tư. Trạm thu phí tiếp tục hoạt động bình thường.
Tuy nhiên đến năm 2018, các lái xe bắt đầu tụ tập phản đối, gây mất trật tự và an toàn giao thông. Bộ GTVT đã Tổng cục ĐBVN phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết, đảm bảo an ninh và an toàn giao thông tại đây.
Hiện nay 2 dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên và dự án Quốc lộ 2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên đang được triển khai đồng thời, trong đó dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên đang trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc thời gian thu phí hoàn vốn.
Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN tích cực đàm phán với các nhà đầu tư của 2 dự án để đề xuất xử lý tồn tại đồng thời dừng thu phí hoàn vốn tại dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên. Bộ cũng sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét.
Đường sắt Cát Linh chậm tiến độ là do đâu?
Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn trách nhiệm chính thuộc đơn vị tổng thầu là Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Chủ đầu tư là Bộ GTVT và Ban quản lý đường sắt phải chịu trách nhiệm trong điều hành dự án.
Đơn vị tư vấn thành lập dự án phải chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư, chủ đầu tư của công tác giải phóng mặt bằng chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, đơn vị tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng…
Bộ GTVT đã yêu cầu Ban quản lý chủ động rà soát các điều khoản giữa các bên để xác định trách nhiệm và đưa ra cách giải quyết phù hợp. Việc dự án chưa được khai thác là do vẫn đang hoàn thiện đánh giá an toàn hệ thống, xử lý một số hạng mục. Ngoài ra 4 cán bộ chủ chốt đang cách ly theo dõi vì dịch covid-19 sau khi trở lại Việt Nam.
Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế hỗ trợ chỉ đạo giải quyết cho các nhân sự của dự án sớm quay lại Việt Nam, đưa dự án vào chạy thử trong thời gian tới.