Giá tiền ảo hôm nay 21/2 ghi nhận giá Bitcoin trên CoinDesk là 56.010,63 USD vào lúc 8h, giảm 0,37% so với 24 giờ trước. Vốn hóa thị trường hiện ở mức 1.043,1 tỷ USD.
Nhóm 10 đồng tiền ảo dẫn đầu về vốn hóa trên Coinmarketcap phần lớn đều giảm giá. Đồng tiền lớn thứ 2 là Ethereum, đang giao dịch ở mức 1.938,31 USD/ETH, giảm 0,18% so với giá hôm qua.
Đồng Tether tăng 0,13% giá trị so với 24 giờ trước, ghi nhận mức 1,00 USD.
XRP hôm nay tăng 5,84% giá trị, ở mức 0,5283 USD/XRP. Đồng Litecoin giảm 3,52% giá trị, ở mức 227,75USD.
Bitcoin Cash giảm 5,36%, có giá 875,77 USD. Đồng Polkadot hôm nay tăng 3,17% giá trị, đang ở mức 38,88 USD. Đồng Binance Coin hôm nay giảm 8,7% giá trị, về 271,06 USD.
Với việc giảm giá các đồng tiền lớn như Bitcoin hay Bitcoin Cash, tổng vốn hóa thị trường tiền ảo đang duy trì ở mức 1.700,5 tỷ USD.
Các ngân hàng lớn tại Phố Wall đang dần chấp nhận Bitcoin như một loại tài sản hợp pháp. Bất ngờ hơn, động lực chính không chỉ bắt nguồn từ khách hàng mà là từ nhân viên của các ngân hàng này.
Tháng trước, trong một sự kiện tổ chức cho hàng nghìn nhà đầu tư và giao dịch viên JPMorgan Chase trên khắp thế giới, trưởng bộ phận thị trường quốc tế Troy Rohrbaugh đã đề cập đến một câu hỏi mà ngày càng nhiều nhân viên của ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới theo doanh thu này đặt ra: Khi nào JPMorgan sẽ tham gia thị trường Bitcoin?
Để trả lời câu hỏi trên, ông Rohrbaugh đã mời đồng Chủ tịch JPMorgan Daniel Pinton. Trong phản hồi ngắn, ông Pinto cho thấy bản thân khá cởi mở về Bitcoin, CNBC dẫn nguồn thạo tin cho hay.
“Nếu theo thời gian, một loại tài sản được nhiều quản lý và nhà đầu tư sử dụng, chúng tôi ắt phải nhảy vào thị trường. Hiện tại nhu cầu chưa mạnh, nhưng tôi dám chắc JPMorgan sẽ giao dịch Bitcoin ở một thời điểm nào đó”, ông Pinto làm rõ.
JPMorgan không phải là ngân hàng duy nhất quan tâm đến tiền ảo. Tuần trước, Goldman Sachs đã tổ chức một diễn đàn trực tuyến cùng CEO Mike Novogratz của công ty tiền ảo Galaxy Digital. Tại sự kiện, CEO Novogratz đã giải thích luận điểm của ông về Bitcoin, Ethereum và các tài sản kỹ thuật số khác cũng như bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay.
Thái độ cởi mở của Phố Wall với Bitcoin trong thời gian qua cho thấy ngành tài chính đang buộc phải chấp nhận tiền ảo khi ngày càng nhiều nhà đầu tư tổ chức, doanh nghiệp và các đối thủ fintech theo đuổi loại tài sản này, khiến Phố Wall lo sợ bị bỏ lại phía sau.
Các ngân hàng thường chần chừ không muốn bước chân vào lĩnh vực bitcoin mà tập trung vào các công nghệ liên quan như blockchain hơn. Trong số các công ty tài chính, ngân hàng thuộc nhóm bị quản lý nghiêm ngặt nhất vì quy mô hoạt động và vai trò của họ trong nền kinh tế Mỹ.
Nếu một trong 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ theo đuổi bitcoin, đó sẽ là một bước tiến lớn của loại tài sản còn non trẻ này trên phương diện pháp lý, CNBC nhận định.
Trong chu kỳ bùng nổ của Bitcoin vào năm 2017, các ngân hàng lớn như Goldman Sachs thậm chí đã đưa ra ý tưởng dựng riêng bàn giao dịch cho tiền ảo nhưng cuối cùng hầu hết kế hoạch đều gác xó.
Ra đời chưa đầy một thập kỷ trước từ đống đổ nát của cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2009, Bitcoin bị coi là quá rủi ro với khách hàng của các ngân hàng. Khi giá Bitcoin tăng vọt vào cuối năm 2017, CEO JPMorgan Jamie Dimon đã gọi Bitcoin là trò lừa đảo sẽ không có cái kết tốt đẹp.
Tuy nhiên, tiếp tục tồn tại cho đến năm 2018 và 2019, Bitcoin bây giờ đã cho thấy sự cứng cỏi của nó. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát và chính phủ các nước bơm hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp và các cá nhân trong cuộc khủng hoảng, vị thế của bitcoin càng đứng vững.
Theo thời gian, một nhận định mới xuất hiện và được các nhà quản lý quỹ đầu cơ như Paul Tudor Jones và Stanley Druckenmiller ủng hộ: Bitcoin, vốn bị hạn chế về nguồn cung, trở thành hàng rào chống lạm phát và sự mất giá của đồng USD.
Lo ngại đồng USD bị mất giá, nhiều khách hàng đã đặt câu hỏi về bitcoin, CNBC dẫn lời quản lý cấp cao của một ngân hàng lớn cho hay. Ngân hàng này đang nghiên cứu tích hợp tiền điện tử vào hệ thống quản lý rủi ro của họ.
Trong một vài năm ngắn ngủi, bitcoin đi từ một công nghệ phi thực tế trở thành kho lưu trữ giá trị được hầu hết người giàu sử dụng để duy trì khối tài sản của họ.