Theo bác sĩ Đặng Quang Dũng - Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện đa khoa TƯ Thái Nguyên, chiều tối ngày 27/12, có 4 nạn nhân bị chó Pitbull cắn được đưa vào khoa Cấp cứu. Trong đó có 1 cháu bé 4 tuổi bị cắn đứt khí quản, rách vùng cổ, ngực, cánh tay bị chảy nhiều máu, cháu bé là nạn nhân bị thương nặng nhất.
Ngoài ra, con chó này còn tấn công chủ nhà và cắn mẹ cháu bé khiến bà bị nhiều vết thương nghiêm trọng ở vùng mặt. Hiện tình hình sức khỏe của 3 người lớn đã dần ổn định, chỉ riêng cháu bé vẫn đang tiếp tục điều trị.
Mọi người cần cảnh giác khi nuôi, chơi với chó, kể cả chó nhà nuôi (Ảnh minh họa) |
Đại diện bệnh viện cho biết: "Sau khi mổ cấp cứu khâu lỗ thủng khí quản, cầm máu các vết thương ở đầu, mặt và tay, cháu bé đã qua cơn nguy kịch. Hiện bé có thể nghe và phản ứng lại được nhưng vẫn đang thở máy”.
Tháng 4/2019, ở tỉnh Thái Nguyên cũng xảy ra sự việc tương tự, một cháu bé 7 tuổi bị chính chó nhà mình cắn, sau khi đưa xuống cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, cháu bé đã không qua khỏi. Ngày 29/8, một cháu bé ở Phú Thọ bị chó cắn phải khâu 70 mũi.
Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều vụ chó dữ tấn công người nuôi, hàng xóm hoặc trẻ nhỏ để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Nhà có trẻ con không nên nuôi giống chó to và dữ, nếu nuôi chó phải tiêm phòng đầy đủ, chó được thuần dưỡng, xích và rọ mõm khi ra đường. Nếu bị chó cắn phải làm sạch vết thương, rồi đưa nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất.