Khuyến nghị VCG: Chốt lãi tại ngưỡng 49.5
CTCK BIDV (BSC): Cổ phiếu VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đang hình thành xu hướng tăng giá khá tích cực sau khi tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng đáy 23.0.
Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo RSI báo hiệu nhịp điều chỉnh nhẹ nhưng chỉ báo MACD đang ủng hộ xu hướng hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, ủng hộ xu hướng tăng giá.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 44.2, chốt lãi tại ngưỡng 49.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 42.0.
Khuyến nghị FPT: Giá mục tiêu 166.900 đồng
CTCK Phú Hưng (PHS): Doanh thu thuần 9 tháng năm 2021 của CTCP FPT (FPT – sàn HOSE) tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 25 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 19%, đạt 3,8 nghìn tỷ đồng.
Mức tăng doanh thu nhờ sự đóng góp của mảng xuất khẩu phần mềm và giải pháp công nghệ thông tin, tăng trưởng lần lượt 16% và 49%. Doanh thu mảng giáo dục cũng tăng trưởng 49% nhưng chỉ đóng góp 8% vào tổng doanh thu. Xuất khẩu phần mềm và viễn thông vẫn là những mảng đóng góp lớn nhất, lần lượt chiếm 40% và 34% trong tổng doanh thu.
Chúng tôi dự phóng doanh thu trong năm 2021 sẽ đạt 34,5 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 5.1 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 16%). Đà tăng trưởng sẽ vẫn tiếp tục được duy trì trong năm 2022.
Doanh thu năm 2022 sẽ đạt 41.4 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 16%) nhờ tăng trưởng đồng đều hết ở các mảng kinh doanh. Doanh thu xuất khẩu phần mềm được kỳ vọng sẽ đạt 1 tỷ USD trong 2 năm sắp tới. Mảng chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ là động lực tăng trưởng chính trong mảng tư vấn công nghệ thông tin.
Điểm nhấn đầu tư: (1) Xuất khẩu phần mềm sẽ vẫn duy trì động lực tăng trưởng bằng việc tập trung vào thị trường Mỹ. FPT đang mở rộng các văn phòng trên toàn cầu và đang xây dựng các trung tâm onshore, offshore và nearshore để phục vụ khách hàng Mỹ.
(2) Chuyển đổi số có nhu cầu cao từ các doanh nghiệp trong nước. Chuyển đổi số cũng là trọng tâm của Chính Phủ trong tương lai.
(3) Base.vn đang có những tín hiệu tích cực khi doanh thu trong 9 tháng năm 2021 tăng 60%.
(4) Dịch vụ băng thông rộng (truyền hình trả tiền và trung tâm dữ liệu) sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng do nhu cầu giải trí tại nhà tăng cao. Trong tháng 10 năm 2021, FPT có 100 nghìn thuê bao mới – một kỷ lục mới trong tháng.
(5) Mảng giáo dục sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhờ nhu cầu cao cho nhân lực ngành công nghệ thông tin. Triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn sau khi tốt nghiệp đã được chứng minh trong suốt các năm qua. Số lượng sinh viên tăng 50% trong 9 tháng năm 2021.
Nhờ lợi thế quy mô cùng với việc chuẩn bị đầu tư cho hạ tầng và nhân lực, FPT là một doanh nghiệp rất mạnh trong thị trường công nghệ Việt Nam. Cùng với chiến lược toàn cầu hóa, triển vọng của công ty rất khả quan.
Bằng phương pháp SoTP, chúng tôi cho rằng giá hợp lý của cổ phiếu là 166.900 đồng/cổ phiếu. Mức giá này cao hơn 38% so với mức giá trong báo cáo ngành gần nhất của chúng tôi. Chúng tôi nâng giá mục tiêu của cổ phiếu vì mức mức tăng trưởng cao của ngành.
Kết quả khả quan của Base.vn và chuyển đổi số trong 3Q21 và tháng 10 năm 2021 sau dịch giúp cho triển vọng ngắn hạn rất tích cực. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua cho cổ phiếu FPT.
Khuyến nghị KDH: Giá mục tiêu 54.800 đồng
Công ty chứng khoán VNDIRECT (VND): Kết quả kinh doanh Q3/21 của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE - Mã: KDH) ảm đạm do siết chặt giãn cách tại phía Nam.
Cụ thể, doanh thu Q3/21 giảm 31,7% so với cùng kỳ (svck) còn 1.199,3 tỷ đồng do KDH chỉ bàn giao 580 căn hộ Lovera Vista và 1 căn thấp tầng Verosa Park.
Biên lợi nhuận gộp Q3/21 tăng 8,8 điểm % svck từ nền thấp Q3/20 lên 39,8%. Lợi nhuận (LN) ròng Q3/21 giảm 12,4% svck còn 316,6 tỷ đồng. LN ròng 9T21 tăng nhẹ 2,4% svck lên 788,1 tỷ đồng, hoàn thành 67,2% dự phóng của VND.
Trong 9T21, KDH chỉ bán được 24 sản phẩm tại các dự án Verosa and Lovera, ước đạt 200-250 tỷ đồng, giảm 85-90% svck, ảnh hưởng do siết chặt di chuyển tại phía Nam từ tháng 6-9.
Do đó, chúng tôi hạ dự phóng doanh số ký bán 2021 54,1% xuống 2.359 tỷ đồng (-3,3% svck) và kỳ vọng các hoạt động quảng cáo, bán hàng trở lại từ tháng 10. Chúng tôi dự phóng doanh số ký bán 2022 hồi phục mạnh mẽ tăng 188,2% svck và 2023 tăng 31,5% svck.
VND hạ dự phóng LN ròng 2021 7,0% xuống 1.173 tỷ đồng (+1,7% svck) do doanh số ký bán trong 9T21 thấp hơn kỳ vọng của VND. VND cũng hạ LN ròng 2022-23 lần lượt 19,3%/13,5% so với dự phóng trước phản ánh tiến độ thi công xây dựng bị chậm và doanh số ký bán ảm đạm trong 2021.
VND ước tính biên LN gộp sẽ cải thiện +15,3 điểm % svck lên 59,6% năm 2022 và 63,7% năm 2023, nhờ sự đóng góp của các dự án thấp tầng Cassia và Clarita có biên LN cao hơn. Chúng tôi ước tính LN ròng 2022-23 tăng 45,6% svck/38,9% svck từ nền thấp năm 2021.
VND nâng giá mục tiêu KDH 20,4% lên 54.800 đồng/cp để phản ánh 1) khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân khai thác sớm hơn dự kiến, 2) giá nhà đất tại TP. HCM tăng nhanh và 3) VND loại bỏ chiết khấu RNAV cho các dự án dự kiến mở bán trong 2-3 năm tới.
Tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn đến từ giá bán trung bình cao hơn dự kiến các dự án Armena, Clarita, 11A, 158 An Dương Vương; luận điểm đầu tư trung và dài hạn của chúng tôi phụ thuộc vào việc liệu KDH có thể xử lý các vấn đề pháp lý nhằm ra mắt dự án Tân Tạo. Rủi ro giảm giá là 1) việc xin cấp phép mở bán cho các dự án mới chậm hơn dự kiến và 2) giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục tăng.
Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Lưu ý!