• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Có thể có 35 người Việt trong số 39 người chết ở Anh

Thông tin do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường...

Cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10-2019 diễn ra lúc 18h ngày 5-11, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

 Liên quan đến vụ việc 39 người chết ở Anh, thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết hiện nay Bộ Công an đã và đang khẩn trưởng phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao của Anh để xác định sớm nhất theo thông tin nhận được. 

"Chúng ta đã có đoàn công tác của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đang sang bên Anh. Theo thông tin hiện nay nhận được từ các gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thì có 35 trường hợp thông báo có dấu hiệu nằm trong 39 nạn nhân", ông Ngọc nói.

Về thông tin danh tính các nạn nhân, ông Ngọc cho biết, theo quy định của Anh cần phải có xác dịnh danh tính và thông báo cơ quan có trách nhiệm. Do vậy, Việt Nam đang phối hợp, sau khi xác định được danh tính sẽ thông báo cho các cơ quan, gia đình nạn nhân.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết vụ việc 39 người bị chết ở Anh là sự cố đau lòng xảy ra ngoài mong muốn. Trong bất cứ trường hợp nào Nhà nước cũng bảo hộ công dân

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh xã hội, cho biết vụ việc 39 người tử nạn liên quan đến quản lý lao động ngoài nước. 

Bộ trưởng khẳng định loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác hoàn toàn với tổ chức và cho lao động ở nước ngoài. Hiện nay việc tổ chức lao động đi làm việc ở nước ngoài là thực hiện theo quy định, có bản ghi nhớ với các quốc gia.

Những người đi lao động hợp pháp có 5 hình thức là đi qua doanh nghiệp mà Bộ cấp phép; đi hợp tác giữa tập đoàn, công ty trong nước; theo hình thức đi cá nhân nhưng đăng ký với Sở Lao động và cơ quan quản lý nước ngoài; hình thức hợp tác đào tạo liên kết; trao đổi công việc và lao động hợp tác giữa địa phương và hai quốc gia trong thời gian ngắn hạn.

Theo đó, hiện có khoảng gần 400 doanh nghiệp được cấp phép đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài. Mỗi năm đưa trên 100.000 người đi lao động, cao nhất là 2018 với 143.000 chủ yếu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Với Châu Âu, Việt Nam ký với Rumani đưa được 3000 người; ký với Đức đưa được 1.066 điều dưỡng viên, với mức thu nhập trên 3.000 Euro.

"Tất cả những việc đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài đều đảm bảo minh bạch về thu nhập, thu phí. Những lao động đi đều được bảo hiểm, bảo hộ công dân", ông Dung khẳng định.

Tuy nhiên cũng có hiện tượng doanh nghiệp trá hình, không được cấp giấy phép nhưng là cò mồi, làm chui lậu thời gian qua được Bộ xử lý nhiều. Trong 400 doanh nghiệp đã được cấp phép đã thanh, kiểm tra 118 doanh nghiệp, trực tiếp Bộ trưởng thu hồi và đình chỉ, thậm chí là cấm vĩnh viễn một số doanh nghiệp vi phạm.

Với địa bàn Nhật Bản và Hàn Quốc, trường hợp vi phạm thì đều xử lý. Địa bàn mà nhiều địa phương đi không về, như 2016 có 56% người lao động đi không trở về, thì nay đã giảm còn 26%, với các biện pháp như ký quỹ, đình chỉ tạm thời.

Ông Dung khuyến cáo người lao động nên đi theo con đường hợp pháp, thông qua cơ quan được cấp phép; thoả thuận mức lương rõ ràng, công khai tên tuổi danh sách các đơn vị được phép…

Tại buổi họp báo, có phóng viên đặt câu hỏi trong số 9 người đi theo đoàn Chủ tịch Quốc hội sang Hàn Quốc rồi bỏ trốn ở lại, hiện đã tìm được ai chưa, danh tính của những người này là ai?

Trả lời câu hỏi, thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết hiện cơ quan điều tra đang phối hợp với các cơ quan chức năng Hàn Quốc để điều tra vụ việc. 

Hiện đã có 3 công dân về nước, còn 6 công dân vẫn đang ở Hàn Quốc. 

Quá trình điều tra nếu hành vi sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định và thông tin cho báo chí. 

TH

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật