Hủy tour hàng loạt
Những tín hiệu tích cực của ngành du lịch chỉ mới vừa khởi sắc thì dịch COVID-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng và lan rộng các tỉnh thành, khiến ngành du lịch “đóng băng” tập 2.
Theo ghi nhận, các doanh nghiệp lữ hành đang gánh chịu những tổn thất nặng nề khi khách hàng đồng loạt hủy tour, lấy lại tiền.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, đã có hơn 13.000 khách hủy tour nội địa tại 23 doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội. Khách tại một số điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm dần (từ 20-60%) so với thời điểm trước khi có ca nhiễm mới tại Đà Nẵng.
Công suất phòng tại các khách sạn từ 3 sao đến 5 sao trên địa bàn Hà Nội chỉ đạt khoảng 22%, tính chung toàn khối khách sạn đạt khoảng 16%.
Còn theo báo cáo sơ bộ của Sở Du lịch TP. HCM, hơn 11 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đều gặp tình trạng khách hủy chương trình du lịch hàng loạt.
Trong đó riêng Vietravel có gần 21.000 khách hủy với doanh thu dự kiến 90 tỷ đồng. Doanh nghiệp Saigontourist là hơn 10.000 khách hủy... Với các doanh nghiệp khác như BenThanh Tourist, Lữ hành Fiditour, Công ty du lịch Hòa Bình, Công ty du lịch TST, Công ty Đất Việt... cũng có từ 5.000 khách hủy trở lên.
Du lịch mùa dịch gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Bảo Thu. |
Theo bà Trần Thị Bảo Thu – Giám đốc tiếp thị và truyền thông Lữ hành Fiditour, công ty không tránh được những ảnh hưởng từ dịch bệnh và tình hình kinh tế chung. Fiditour đang tập trung làm việc với khách hàng chuyển tour và dời booking với các đối tác, khối lượng công việc rất nhiều. Phía công ty cũng mong khách hàng bớt hoang mang, công ty sẽ hỗ trợ tối đa cho khách hàng dời lịch hoặc đổi địa điểm…
Còn theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch công ty Lửa Việt Tours, không chỉ là các chuyến đi tới Đà Nẵng, Hội An bị hủy mà còn nhiều chuyến du lịch khác như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt cũng gặp tình cảnh tương tự. Hầu hết các tour bị hủy vì tâm lý lo ngại dịch bệnh của khách hàng. Các đơn vị lữ hành đang phải gồng mình xử lý các vấn đề hủy tour, hoặc đổi tour cho khách.
Phần lớn khách hàng muốn lấy lại tiền đặt cọc, hoặc tiền đóng trọn gói tour vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và họ không biết khi nào dịch bệnh mới chấm dứt.
Khó khăn của các doanh nghiệp lữ hành là các hợp đồng, ký kết dịch vụ, hoặc đã chuyển tiền trước với các hãng hàng không, đơn vị vận chuyển và các khách sạn, nhà hàng tại nhiều điểm đến.Với các đơn vị lữ hành lớn, có uy tín, do có sự chuẩn bị từ trước nên đang cố gắng hỗ trợ khách chuyển đổi lịch trình hoặc hoàn trả tốt nhất đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Nếu khách hàng đồng loạt hủy tour, lấy lại tiền sẽ là áp lực rất lớn, khiến các công ty du lịch và dịch vụ lưu trú lâm vào cảnh khó khăn. Các công ty lữ hành mong khách hàng hiểu và ủng hộ du lịch nội địa, thay vì hủy tour, chúng ta hãy hoãn lại chuyến đi để các nhà cung cấp dịch vụ có thời sắp xếp, bố trí tour hợp lý.
Dự báo nhiều khó khăn đến cuối năm?
Theo dữ liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7 có gần 14.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng gần 60% so với tháng trước. Tuy nhiên lượng khách chủ yếu bằng đường bộ do Việt Nam vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế trở lại.
So với tháng 7 năm ngoái, lượng khách giảm hơn 98%. Lũy kế bảy tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 3,8 triệu lượt khách, giảm gần 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu thị trường không có nhiều thay đổi khi châu Á là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất với 73% tổng số khách quốc tế, ghi nhận sụt giảm gần 64% so với cùng kỳ.
Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, gồm Trung Quốc với 926.500 lượt người, giảm 68%; Hàn Quốc 824.100 lượt, giảm 65,7%; Nhật Bản 202.000 lượt, giảm 61,5%; Đài Loan 192.800 lượt người, giảm 62,7%… trong khi đó lượt khách từ Campuchia tăng đột biến 89% với 120.500 lượt.
Khu vực khách từ châu Âu cũng giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, với 666.600 lượt. Các khu vực khác như châu Mỹ, châu Phi và châu Úc cũng ghi nhận lượng khách thấp hơn 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục thống kê, 7 tháng đầu năm mặc dù doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng trưởng nhẹ 4% so với cùng kỳ nhưng riêng lĩnh vực dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú sụt giảm 16,6% so với cùng kỳ. Các địa phương dẫn đầu về tỉ lệ sụt giảm là Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng…
Ngành lữ hành ghi nhận doanh thu hơn 11.100 tỉ đồng trong 7 tháng, giảm hơn 55% cùng kỳ năm trước. Mức giảm đã thu hẹp so với những tháng trước đó nhờ vào chính sách kích cầu du lịch nội địa được tăng cường kể từ tháng 5 đến nay. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành bảy tháng giảm mạnh như Khánh Hòa (-76%), TP.HCM (-75%), Bà Rịa - Vũng Tàu (-63%), Đà Nẵng (-58%)...
Theo Savills Việt Nam, tình hình dự báo sẽ khó khăn hơn trong những tháng tới, diễn biến dịch COVID-19 sẽ tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí trên cả nước với từng mức độ khác nhau.
Một số khách sạn và resort cho phép khách hàng chuyển các đặt phòng đã thực hiện sang cuối năm với hy vọng duy trì nguồn khách. Các đặt phòng mới chỉ có thể được ghi nhận khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.
Không chỉ Vietravel mất gần cả trăm tỷ đồng mà các doanh nghiệp khác cũng thiệt hại nặng như Flamingo Redtours mất 40 tỷ đồng, Hanoitourist thiệt hại 30 tỷ đồng, Vietrantour hơn 20 tỷ đồng… |
Trước tình hình trên, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị Sở quản lý du lịch và Hiệp hội Du lịch các địa phương liên kết hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trong đàm phán hủy, hoãn tour.
Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến tâm lý nhiều người lo lắng cho sự an toàn, người dân không thể đi du lịch như dự kiến kéo theo việc huỷ, hoãn tour hàng loạt, đề nghị được hoàn tiền 100%, trong đó có cả việc hủy tour đến những địa phương chưa có dịch.
Hiệp hội Du lịch TP.HCM đề nghị các cơ quan quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương trên cả nước vận động đơn vị cung ứng dịch vụ chia sẻ tổn thất và thiệt hại, không phạt hủy, hoãn, đồng thời hoàn tiền cho doanh nghiệp lữ hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh toán với khách hàng.
Sẵn sàng phương án kích cầu du lịch lần thứ hai
Giám đốc Kinh doanh Sun Group - bà Trần Thị Nguyện, cho biết các cơ sở kinh doanh dịch vụ của tập đoàn tại Đà Nẵng đã đóng cửa theo chỉ đạo của chính quyền thành phố để chống dịch.
Tuy nhiên, Sun Group vẫn có những chính sách hỗ trợ khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành trong việc hoàn tiền và gia hạn vé tham quan. Bà cho hay những khách sạn do tập đoàn trực tiếp quản lý sẽ thuyết phục khách không hủy và giữ nguyên giá trị đã đặt, nếu khách không thay đổi thì Sun Group sẵn sàng hoàn tiền.
Trường hợp khách sạn được tập đoàn thuê bên thứ ba quản lý thì tôn trọng đối tác, phối hợp vận động họ chia sẻ và đồng hành với khách.
Ngoài ra, bà Nguyện cho rằng các doanh nghiệp một mặt khắc phục khó khăn nhưng mặt khác vẫn nên tiếp tục duy trì hoạt động bằng những kế hoạch bảo tồn, bảo trì, làm mới khu tham quan, khu vui chơi giải trí, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới để khi khách quay trở lại sẽ thấy điểm du lịch mới mẻ hơn.
Đại diện Sun Group đề xuất Tổng cục Du lịch và các sở, ban ngành tiếp tục nghiên cứu xây dựng chương trình kích cầu du lịch lần hai ở quy mô quốc gia để triển khai khi dịch bệnh được kiểm soát.
Các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng ở lần kích cầu thứ hai. Ảnh: Nguyên Phương. |
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do Tổng cục Du lịch vừa diễn ra, từ “điểm nóng” Đà Nẵng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch đến năm 2021, kéo dài chính sách giảm các chi phí điện, nước, viễn thông… đến hết năm 2020.
Ông cũng kiến nghị cần tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay, hoãn nợ cho doanh nghiệp du lịch, làm sao để các gói cứu trợ tới được doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch.
Tổng Giám đốc Công ty du lịch TST Tourist Lại Duy Minh cho biết vì quá khó khăn, gần 90% lực lượng hướng dẫn viên bị mất việc do ảnh hưởng của COVID-19 hoặc các doanh nghiệp đang chủ động cho tạm thời nghỉ việc không lương để cùng vượt qua khủng hoảng.
Ông Minh đề xuất các hãng hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ nên có gói dịch vụ giảm giá cụ thể để hỗ trợ khách hàng hủy tour.
Đồng thời, Tổng Giám đốc TST Tourist cho rằng lúc này các doanh nghiệp lữ hành đang cần “máy trợ thở” là các gói hỗ trợ về giảm thuế, hỗ trợ cho nguồn lực hướng dẫn viên, một mặt để duy trì hoạt động kinh doanh, mặt khác sẵn sàng khôi phục lại hoạt động du lịch khi dịch dần được kiểm soát.
Tương tự, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đề xuất cơ quan quản lý định hướng xây dựng chương trình, kịch bản phù hợp trong thời gian tới. Sau khi dịch được kiểm soát, hãng sẵn sàng tiếp tục thực hiện các chương trình kích cầu.
Trước mắt, Vietnam Airlines sẽ cùng các doanh nghiệp du lịch trao đổi để tháo gỡ tìm phương án tốt nhất trong quá trình xử lý; đồng thời, đề nghị truyền thông để khách hàng yên tâm, không ồ ạt hủy vé.
Tổng thu từ du lịch giảm gần 50% so với cùng kỳ. Theo Tổng cục Du lịch, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,68 triệu lượt, giảm 49,5% so với cùng kỳ năm 2019. Khách du lịch nội địa đạt 23 triệu lượt, trong đó có 11,8 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 176.800 tỉ đồng, giảm 47,7% so với cùng kỳ 2019... |