• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EVFTA vừa có hiệu lực, gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU giá 1.000 USD/tấn

Lô gạo ST20 đầu tiên của Việt Nam xuất sang Liên minh châu Âu (EU) đã đạt trên 1.000 USD/tấn,...

Gạo Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu đạt 1.000 USD/tấn

Lô gạo đầu tiên xuất khẩu vào EU sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lựa ngày 1/8/2020, do Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) thực hiện. Giá gạo ST20 Trung An xuất khẩu sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. Đây là kỷ lục mới của gạo Việt trong hành trình xuất khẩu nhiều năm qua.

Lãnh đạo công ty Trung An cho biết trước khi EVFTA có hiệu lực, gạo Jasmine chỉ có giá tầm 520 USD/tấn, còn gạo ST20 có giá khoảng 800 USD/tấn. Ngoài tác động tích cực của việc giảm thuế, thị trường gạo năm nay sôi động hơn, giá xuất khẩu vì thế cũng cao hơn cũng là nguyên khiến giá gạo xuất khẩu tăng.

Công ty Trung An vừa ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức, với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Được biết, trong đợt giao lô hàng lần đầu tiên, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An sẽ giao 6 container với khoảng 150 tấn gạo.

Ngoài tác động tích cực của việc giảm thuế, thị trường gạo năm nay sôi động hơn, nhu cầu thu mua cao cũng là lý do đẩy giá gạo xuất khẩu tăng. Ảnh: Báo Công Thương
Ngoài tác động tích cực của việc giảm thuế, thị trường gạo năm nay sôi động hơn, nhu cầu thu mua cao cũng là lý do đẩy giá gạo xuất khẩu tăng. Ảnh: Báo Công Thương

Để được thị trường EU chấp nhận, Trung An cho biết gạo phải có vùng trồng rõ ràng, truy xuất nguồn gốc đúng gạo Việt Nam, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc tương đương, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và có chất lượng thơm ngon.

Những ưu đãi Việt Nam được hưởng sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang lại mức giá trong mơ cho gạo thơm Việt khi xuất khẩu sang EU. Cộng với việc EU cho phép hạn ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường là 80.000 tấn/năm, đã giúp gạo Việt bắt đầu khơi mở được thị trường. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết ngày 27/8, giá gạo ST20 tại cảng (giá FOB) đã đạt khoảng 850 USD/tấn, loại bao 50kg, nếu tính giá bán lẻ còn cao hơn nhiều. Hiện thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam rất sôi động, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã cao hơn Thái Lan. Theo đánh giá của VFA, Thái Lan vẫn đang tiếp tục chật vật trong cuộc đua xuất khẩu gạo, dù giá chào hiện đã thấp hơn so với Việt Nam, do nhu cầu nhập khẩu của khu vực châu Á suy giảm và thị phần châu Phi lại đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ.

Cuộc đua với gạo Thái vẫn gay gắt dù cánh cửa thị trường Châu Âu đã mở cho gạo Việt

Từ trước đến nay, nói đến một trong những sản phẩm gạo thượng hạng về chất lượng và luôn đạt giá trị cao trong xuất khẩu gạo phải kể đến gạo Hom Mali của Thái Lan. Giá gạo Hom Mali (gạo nhài) của Thái luôn cao. Hiện giá gạo Hom Mali 92% tấm xuất khẩu của Thái Lan tuần từ 14/8 – 20/8 bình quân 950 – 962 USD/tấn. Nhưng nếu so về chất lượng, gạo ST20 của Việt Nam ngon không kém gạo Hom Mali của Thái Lan. Và theo đánh giá của các doanh nghiệp, gạo thơm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng phân khúc của Thái Lan, Campuchia.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, triển vọng xuất khẩu toàn cầu đang mở ra đối với lúa gạo của Việt Nam, khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8.

Cụ thể, với cam kết trong EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm; đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm đối với sản phẩm từ gạo.

Đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3,9 triệu tấn, mang về kim ngạch 1,9 tỷ USD. Con số này giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, gạo thơm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng phân khúc của Thái Lan, Campuchia. Ảnh: NNVN
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, gạo thơm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng phân khúc của Thái Lan, Campuchia. Ảnh: NNVN

Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từ giữa tháng 7 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có những thời điểm vượt lên cao hơn giá gạo Thái Lan.

Cụ thể, ngày 16/7, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam là 467 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan là 447 USD/tấn và duy trì giá chào bán cao hơn Thái Lan khoảng một tuần cuối tháng 7. Đến những ngày gần đây, giá gạo hai nước so kè từng ngày, chênh lệch không đáng kể.

Đây là lần thứ hai trong lịch sử xuất khẩu gạo Việt Nam vượt Thái Lan về giá chào bán. Trước đó, vào tháng 9/2011, khi Thái Lan thay đổi chính sách xuất khẩu gạo đã tạo cơ hội cho Việt Nam tăng giá bán lên mức kỷ lục, đỉnh điểm có giai đoạn đạt 557 USD/tấn so với giá gạo Thái Lan 536 USD/tấn, kéo dài đến tháng 1/2012.

Nhưng cuối tháng 3/2020, Việt Nam điều chỉnh cơ chế xuất khẩu gạo khi dịch COVID-19 diễn biến khó lường, Thái Lan “một mình một chợ” đã  đẩy giá xuất khẩu gạo lên cao, kéo theo giá gạo của Việt Nam tăng theo.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex, cho biết doanh nghiệp đang xuất gạo với giá 485 USD/tấn. Đây cũng là mức giá gạo hiện tại của Thái Lan theo thông tin niêm yết mới nhất của VFA. Giá gạo hiện nay đang có lợi cho người trồng lúa, cho doanh nghiệp xuất khẩu và vẫn có thể duy trì mức giá cao. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn tập trung hoàn tất các hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài như Malaysia, Phillipines và Cuba, để hoàn thành kế hoạch xuất 6,7 triệu tấn cả năm 2020.

Bình quân Thái Lan sản xuất khoảng hơn 20 triệu tấn gạo/năm, trong đó khoảng 10 triệu tấn để tiêu dùng trong nước và phần còn lại để xuất khẩu. Năm 2019, Thái Lan xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo, giảm 32% về lượng và 25% về giá trị so với năm 2018.

Hiệp hội Lương thực nước này hy vọng năm nay xuất khẩu gạo đạt 7-8 triệu tấn, với tổng giá trị 4,2 tỷ USD. Đây là chỉ tiêu thấp nhất kể từ năm 2013, năm mà Thái Lan chỉ xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo.

H. LINH

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật