Ngày 8/9, FAO công bố báo cáo chỉ số giá lương thực thế giới, theo đó, chỉ số giá lương thực trong tháng 8 đạt trung bình 121,4 điểm, giảm 2,1% so với tháng 7 và thấp hơn 24% so với thời điểm tháng 3/2022.
Chỉ số giá dầu thực vật giảm 3,1%, giá dầu hướng dương giảm gần 8%. Tương tự, giá dầu đậu nành/đậu tương cũng giảm, ngũ cốc giảm 0,7%, lúa mì giảm 3,8% trong tháng 8. Cùng với đó, các mặt hàng thịt, sữa cũng ở trong xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, chỉ có hai mặt hàng tăng giá trong tháng 8/2023 là gạo, đường.
FAO ghi nhận chỉ số gạo toàn cầu đã tăng 9,8% so với tháng 7/2023. Đây là mức cao nhất trong 15 năm qua. Nguyên nhân, theo FAO là do thị trường phản ứng tiêu cực sau khi Ấn Độ, một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới có lệnh cấm xuất khẩu gạo.
FAO cho biết: "Sự không chắc chắn về thời hạn của lệnh cấm và những lo ngại về hạn chế xuất khẩu đã khiến các tác nhân trong chuỗi cung ứng phải giữ hàng, đàm phán lại hợp đồng hoặc ngừng đưa ra mức giá, do đó hạn chế hầu hết giao dịch ở khối lượng nhỏ và doanh số đã ký kết trước đó".
Chỉ số tổng thể đã tăng lên 123,9 vào tháng 7, từ mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 5, do giá dầu thực vật tăng.
"Sự sụt giảm [trong tháng 8] phản ánh sự sụt giảm trong chỉ số giá của các sản phẩm sữa, dầu thực vật, thịt và ngũ cốc, trong khi chỉ số giá đường tăng vừa phải", theo FAO.
Chỉ số giá dầu thực vật giảm 3,1%, đảo ngược mức tăng mạnh 12,1% trong tháng 7, dẫn đầu là giá dầu hướng dương giảm 8%.
Báo giá dầu đậu nành giảm do điều kiện thu hoạch đậu nành ở Mỹ được cải thiện, trong khi giá dầu cọ giảm vừa phải trong bối cảnh sản lượng tăng theo mùa ở các nhà sản xuất hàng đầu ở Đông Nam Á.
Báo cáo hồi tháng 4 của Ngân hàng Thế giới cho biết giá lương thực tăng vọt sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế Mena trong năm nay khi lạm phát thực phẩm ở mức hai con số ảnh hưởng đến các hộ gia đình nghèo và làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực trong dài hạn.
Báo cáo xem xét tác động của giá lương thực tăng lên trong khu vực cho biết, khoảng 1/5 số người sống ở các nước đang phát triển ở khu vực Mena dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trong năm nay trong khi gần 8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ bị đói.
Giá ngũ cốc trong tháng 8 giảm 0,7% so với tháng 7 do giá lúa mì quốc tế giảm 3,8% trong tháng 8 và giá ngũ cốc thô quốc tế giảm 3,4%.
Giá ngô giảm tháng thứ bảy liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020, trong khi giá lúa miến cũng giảm. Giá lúa mạch tăng nhẹ.
Chỉ số giá sữa đã giảm 4% so với tháng 7, đánh dấu tháng giảm thứ 8 liên tiếp và thấp hơn tới 22,4% so với mức được công bố trong cùng kỳ năm 2022.
Giá quốc tế của tất cả các sản phẩm sữa đều giảm, trong đó giá sữa bột nguyên kem giảm nhiều nhất, trong khi giá sữa bột gầy chạm mức thấp nhất kể từ giữa năm 2020. Giá bơ và phô mai cũng giảm.
Trong khi đó, chỉ số giá đường tăng 1,3% so với tháng trước và tăng tới 34,1% so với một năm trước, chủ yếu do lo ngại ngày càng tăng về tác động của hiện tượng thời tiết El Nino đối với triển vọng sản xuất toàn cầu.
Chỉ số giá thịt giảm 3% so với tháng 7 và 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái do giá tất cả các loại thịt đều giảm.