• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao dịch chứng khoán chiều 15/10: Thị trường rung lắc, cổ phiếu thép vẫn đứng vững

Thị trường bất ngờ quay đầu về cuối phiên do áp lực bán gia tăng, nhưng với sự hỗ trợ...

Phiên giao dịch sáng nay, chỉ số VN-Index đã quay trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip và độ rộng thị trường có phần tích cực hơn. Tuy nhiên, VN-Index vẫn chỉ tăng nhẹ dưới ngưỡng 1.400 điểm và thanh khoản thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện.

Bước vào phiên giao dịch chiều, cũng như những phiên giao dịch gần đây. Thị trường vẫn đi ngang với vol tăng khá hẹp và sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index dần hạ độ cao bởi áp lực bán gia tăng mạnh, thậm chí quay đầu điều chỉnh trước khi hồi phục nhẹ vào cuối phiên.

Như vậy, thị trường đã đi ngang được 4 phiên liên tiếp với thanh khoản giao dịch ở mức trung bình, cho thấy tâm lý e ngại của nhà đầu tư khi thị trường tiền về vùng đỉnh cũ.

Tuy nhiên, việc thị trường đứng vững trên mốc 1.380 điểm trong những phiên gần đây cho thấy đây đang là vùng hỗ trợ khá tốt của thị trường. Rất có thể sau khoảng thời gian sideway trên mức hỗ trợ 1.380 điểm, thị trường sẽ tạo được break out qua vùng cản 1.400 - 1.425 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 206 mã tăng và 216 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,85 điểm (+0,06) lên 1.392,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 784,5 triệu đơn vị, giá trị 22.093 tỷ đồng, giảm 4,96% về khối lượng và giảm nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 40,89 triệu đơn vị, giá trị 1.581,32 tỷ đồng.

Bên cạnh diễn biến phân hóa mạnh của thị trường, nhóm VN30 có phần kém tích cực hơn khi có 18 mã giảm và 11 mã tăng. Tuy vậy, vẫn có những mã nới rộng đà tăng mạnh, điển hình là cặp đôi ngân hàng TPB và VPB.

Ngoài ra, SAB và STB đều tăng 1,7%, cùng các mã bluechip khác như GAS, FPT, HPG, VIC, TCB, CTG… tăng nhẹ, cũng tiếp sức giúp thị trường hồi phục sắc xanh.

Ở chiều ngược lại, mã lớn VHM vẫn điều chỉnh nhẹ, với biên độ giảm xấp xỉ các mã lớn khác như BVH, BID, GVR, VCB… Trong đó, cổ phiếu VJC có mức giảm sâu nhất trong rổ VN30 khi để mất 2% và lùi về mức giá 131.700 đồng/CP; tiếp theo là HDB, PDR, POW giảm hơn 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực bán gia tăng cũng khiến nhiều mã quay đầu điều chỉnh như FLC, LCG, ITA, ROS, HBC…

Xét về nhóm ngành, dòng bank trở nên phân hóa khá mạnh, trong khi VCB, BID, ACB, MBB, HDB quay đầu điều chỉnh, thì một số mã vẫn tăng tốt hoặc nới rộng biên độ tăng.

Đáng chú ý là OCB có biên độ tăng rộng nhất khi kết phiên đứng tại mức giá 25.700 đồng/CP, tăng 4,66%, đồng thời thanh khoản cũng bùng nổ với 9,34 triệu đơn vị khớp lệnh.

Bên cạnh đó, TPB xác lập vùng đỉnh mới khi tăng 2,96% lên mức giá 43.550 đồng/CP, VPB tăng 1,49% lên 37.500 đồng/CP, STB tăng 1,7% lên 26.850 đồng/CP, LPB tăng 1,62% lên 22.000 đồng/CP.

Trái lại, SHB tiếp tục lùi sâu khi giảm tới 5%, xuống mức thấp nhất ngày 27.550 đồng/CP nhưng vẫn ghi nhận là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt hơn 29 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ sau những phiên giao dịch khởi sắc đã chịu áp lực bán chốt lời và quay đầu điều chỉnh khi nhiều mã như KBC, VCG, DXG, CII, BCG… đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép tiếp tục tỏa sáng với HPG tăng gần 1%; các mã HSG, TLH, POM, SMC đều tăng hơn 2%; và NKG tăng mạnh với biên độ 5,3% lên vùng đỉnh mới 51.900 đồng/CP.

Không chỉ tăng mạnh về giá, NKG cũng có phiên giao dịch sôi động khi có 9,56 triệu đơn vị được giao dịch thành công, còn HPG và HSG vẫn là mã thanh khoản tốt nhất của nhóm, lần lượt đạt gần 18,5 triệu đơn vị và hơn 15 triệu đơn vị.

Mặt khác, họ louis sau 2 phiên giao dịch khởi sắc cũng nhanh chóng bị xả bán, đặc biệt là TGG và TDH cùng quay đầu giảm sàn và đều trong trạng thái trắng bên mua; bên cạnh đó APG, AGM, DDV cũng đảo chiều giảm; chỉ còn BII và VKC tăng nhẹ.

Trên sàn HNX, thị trường vẫn tiếp diễn rung lắc nhẹ quanh vùng giá tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HNX có 96 mã tăng và 106 mã giảm, HNX-Index vẫn đứng tại mốc 384,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 114,74 triệu đơn vị, giá trị 2.515,84 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 triệu đơn vị, giá trị hơn 179 tỷ đồng.

Sau nhịp hạ độ cao ngày hôm qua sau chuỗi tăng trần không ngừng nghỉ kể từ phiên chào sàn ngày 6/10, tân binh KSF đã bị bị chốt lời mạnh trong phiên hôm nay và kết phiên giảm 4,1% xuống mức 73.300 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX gần như không có biến động so với phiên trước khi kết phiên đứng tại mốc 229.500 đồng/CP.

Trái lại, cổ phiếu lớn khác là IDC đang đóng vai trò hỗ trợ thị trường khá tốt khi tiếp tục nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều. Kết phiên, IDC tăng 3,7% lên 59.300 đồng/CP. Ngoài ra, VCS tăng 1,5% lên 130.500 đồng/CP, BVS tăng 3% lên 34.000 đồng/CP, SHS nhích nhẹ…

Trái lại, cổ phiếu ngân hàng NVB tiếp tục lùi sâu khi để mất 5,2% xuống mức 29.300 đồng/CP.

Cổ phiếu PVS lùi về mốc tham chiếu 28.700 đồng/CP nhưng tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với hơn 9,8 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau nhịp điều chỉnh về sát mốc 99 điểm, thị trường đã đảo chiều hồi phục.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,16%), lên 99,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 155,37 triệu đơn vị, giá trị 2.010 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 28,34 triệu đơn vị, giá trị 821,35 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu thép là TVN và TIS vẫn tăng mạnh khi kết phiên lần lượt tăng 8% lên 19.000 đồng/CP và tăng 4,1% lên 15.400 đồng/CP. Đồng thời, thanh khoản cũng sôi động với TVN khớp gần 5,5 triệu đơn vị, còn TIS khớp 1,87 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ cũng là điểm sáng thị trường khi có tới 90 mã tăng trần, với một số mã giao dịch mạnh như VHG khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 16,61 triệu đơn vị, HVG, PFL, DCS, NHP, AVF, MPT…

Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn duy trì mức giá 23.000 đồng/CP và khớp 13,72 triệu đơn vị, chỉ đứng sau VHG về thanh khoản.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng giảm và 1 hợp đồng tăng, trong đóhợp đồng VN30F2110 giảm nhẹ 1,4 điểm (-0,1%), xuống 1.504,5 điểm, khớp lệnh hơn 143.420 đơn vị, khối lượng mở hơn 42.740 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm chiếm ưu thế, tuy nhiên, CVPB2108 dẫn đầu thanh khoản khi khớp 417.220 đơn vị, đã kết phiên tăng 7,6% lên 2.50 đồng/CQ.

Tiếp theo đó, CSTB2109 tăng 6,3% lên 1.850 đồng/CQ và khớp 298.350 đơn vị.

T.THÚY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật