Giám đốc tài chính của Huawei Technologies - Mạnh Vãn Châu cho biết với một quan chức biên giới Canada rằng Huawei có một văn phòng ở Iran, một lời khẳng định có thể khiến Mỹ nổi giận, khi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vi phạm các lệnh trừng phạm của Mỹ với Iran.
Khi Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ vào tháng 12/2018 theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ, bà đã bị một nhân viên biên giới Canada thẩm vấn về các giao dịch kinh doanh của Huawei ở Iran và về việc công ty có bán các sản phẩm ở các nước đang chịu lệnh trừng phạt hay không, theo một tài liệu toà án công bố hôm 20/8.
Bà Mạnh Vãn Châu tại Vancouver, Canada. |
Ban đầu, bà Mạnh Vãn Châu trả lời "tôi không biết", nhưng các nhân viên an ninh cho rằng điều này rất viển vông vì CFO của một công ty trị giá hàng tỷ USD không có chuyện không biết về việc này. Sau đó, bà Mạnh Vãn Châu đã thú nhận Huawei có một văn phòng tại Iran.
Trước đó, Mỹ đã cáo buộc Huawei điều hành một công ty con có tên là Skycom ở Iran, và Skycom cố bán các thiết bị vi tính của hãng Hewlett-Packard (HP) cho nhà mạng điện thoại di động lớn nhất Iran. Một thoả thuận ký kết năm 2007 cho thấy Huawei là công ty mẹ nắm giữ tất cả các cổ phần của Skycom.
Tuy nhiên Huawei đã liên tục chối bỏ các cáo cuộc của Mỹ. Họ cũng từ chối trả lời các câu hỏi vào ngày 20/8 của Bloomberg liên quan đến các tuyên bố của bà Mạnh Vãn Châu về văn phòng tại Iran.
Vụ kiện bà Mạnh Vãn Châu - con gái của tỷ phú Nhậm Chính Phi, là một phần cuộc đàn áp của Mỹ đối với gã khổng lồ công nghệ Huawei. Trước đó, chính quyền Donald Trump đã cấm Huawei giao dịch với các nhà cung cấp Mỹ, đưa Huawei vào trung tâm cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bà Mạnh được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD vào ngày 11/12 và vẫn ở Vancouver trong khi Washington tìm cách dẫn độ bà. Tại Mỹ, bà Mạnh sẽ phải đối mặt với các cáo buộc liên quan đến âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính, với mức án tối đa là 30 năm cho mỗi tội danh.
Tháng 12/2018, Huawei cho biết họ được cung cấp rất ít thông tin về các cáo buộc của Mỹ và không biết về bất kỳ hành vi sai trái nào của bà Mạnh. Công ty mô tả mối quan hệ của họ với Skycom như "quan hệ đối tác kinh doanh bình thường". Họ khẳng định đã tuân thủ tất cả các luật và quy định và yêu cầu Skycom cũng làm như vậy.
Việc bà Mạnh bị bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ đã gây ra phản ứng dữ dội tại Trung Quốc. Vụ việc xảy ra vào thời điểm căng thẳng thương mại và quân sự gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Tình báo Mỹ lo ngại thiết bị viễn thông của Huawei có thể chứa các thiết bị do thám cho gián điệp Trung Quốc. Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.