Chỉ trong tháng 12/2020 và những ngày đầu tháng 1/2021, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu hơn 100.000 con heo thịt từ Thái Lan, báo Nông Nghiệp đưa tin.
Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp đều lựa chọn cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị để nhập heo sống từ Thái Lan vào nội địa, nhằm bù đắp sự thiếu hụt và hạ giá heo hơi trong nước.
Tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thường xuyên có 5 doanh nghiệp nhập heo Thái Lan với con số hàng trăm con tới cả hàng ngàn con mỗi ngày.
Đáng chú ý, trong hơn một tháng qua, nguồn heo được các doanh nghiệp nhập khẩu về khu vực vẫn liên tục tăng về số lượng, trong đó chủ yếu là heo trên 130 kg/con, được dùng để giết mổ làm thực phẩm.
Tuy nhiên, hiện tại giá heo hơi tại Thái Lan đang có xu hướng tăng cao, dẫn tới giá heo khi vận chuyển về đến cửa khẩu tại Việt Nam có giá thành ngang bằng hoặc cao hơn so với giá heo hơi trong nước. Điều này đã khiến không ít các doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đã phải dừng nhập khẩu heo.
Trước đó để giải bài toàn thiếu hụt nguồn cung thịt heo trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan về Việt Nam để nuôi hoặc giết mổ làm thực phẩm. Đã có hàng chục doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu heo thịt và heo giống với chủ trương này.
Song, trước tình trạng vận chuyển trái phép heo qua biên giới giữa Việt Nam và các nước làm tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng,…
Bộ đã đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát, vận chuyển heo và các sản phẩm thịt heo ra, vào Việt Nam.
Về việc kiểm soát dịch bệnh khi nhập khẩu thịt heo và heo giống, lãnh đạo Bộ cho biết, cần bảo đảm nhiều tiêu chí về chăn nuôi theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).
Khi nhập khẩu vào Việt Nam, heo sống tiếp tục được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh, khi kết quả âm tính, bảo đảm an toàn mới cho phép vận chuyển, chế biến, giết mổ.
(Tổng hợp)