Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là bước sang năm mới Quý Mão 2023, những ngày cuối năm này, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kế hoạch thưởng Tết. Mức thưởng Tết Âm lịch có những biến động qua các năm, song đều có xu hướng tăng lên so với năm trước.
Toàn cảnh thưởng Tết Nguyên đán 2023
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hoàn thành việc tổng hợp tình hình tiền lương năm 2022 và thưởng Tết năm 2023 của các doanh nghiệp trên cả nước.
Cụ thể, mặt bằng thưởng Tết 2023 được cho là thấp hơn so với năm ngoái, chỉ bằng khoảng 91% của năm 2022. Mức thưởng bình quân Tết Dương lịch là 1,24 triệu đồng/người. Trong đó, khối doanh nghiệp Nhà nước có mức thưởng cao nhất là hơn 2 triệu đồng/người, khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước chỉ 870.000 đồng/người.
Trong "bức tranh" này, mức thưởng Tết Dương lịch của các doanh nghiệp miền Bắc tăng so với năm ngoái, trong khi đó, mức thưởng của các doanh nghiệp miền Trung và miền Nam giảm hơn, do các doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng từ việc bị cắt giảm đơn hàng sau đại dịch.
Mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là hơn 606 triệu đồng tại TP.HCM. Một số địa bàn khác có mức thưởng cao nhất tập trung tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Tại Bắc Ninh là 257 triệu đồng, tại Ninh Thuận là 218 triệu đồng, Bến Tre là 323,12 triệu đồng...
Tuy nhiên, trên bình diện toàn thị trường lao động, mức thưởng Tết Âm lịch tăng 11%, bình quân 6,86 triệu đồng/người. Doanh nghiệp nhà nước thưởng 6,5 triệu đồng/người (tăng 15%); doanh nghiệp tư nhân khoảng 6,6 triệu đồng (tăng 10%) và doanh nghiệp FDI dự kiến thưởng Tết 7,2 triệu đồng, theo qdnd.vn.
Trong khi đó, mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất là hơn 1 tỷ đồng tại Đà Nẵng. Một số địa bàn có mức thưởng cao tập trung tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Tại Hà Nội là 400 triệu đồng; tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 535,71 triệu đồng, tại TP.HCM là 759,9 triệu đồng... Trái lại, có nơi mức thưởng chỉ mang tính chất động viên là 50.000 đồng, 100.000 đồng hoặc 500.000 đồng.
Mức thưởng Tết cao vậy chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số tiền thưởng Tết cao nhất không phổ biến rộng rãi mà chỉ một số cá nhân xuất sắc trong một doanh nghiệp được nhận, là sự ghi nhận của chủ doanh nghiệp đối với đóng góp của người lao động. Khi đánh giá về thưởng Tết thì cần quan tâm là mức thưởng bình quân để thấy được tình hình thưởng Tết chung.
"Theo quy định, tiền lương là khoản bắt buộc phải trả cho người lao động, còn tiền thưởng là khoản do hai bên thỏa thuận và quyết định. Tại Việt Nam, tiền thưởng gần với dịp Tết Nguyên đán nên được người lao động gọi là thưởng Tết. Đây là khoản quan trọng, dù nhiều hay ít. Nhìn chung, tiền lương, tiền thưởng của người lao động có sự ổn định và tăng trưởng so với năm 2021", ông Tống Văn Lai - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho biết.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp Tết, tùy theo điều kiện mà các doanh nghiệp còn có các hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết truyền thống như: Tặng giỏ quà, tặng tiền tàu xe về quê đón tết hoặc bố trí xe đưa người lao động về quê, bố trí hợp lý thời gian nghỉ tết để người lao động có lịch trình thích hợp, đặc biệt đối với lao động làm việc xa quê.
Theo nhận định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nhìn chung mức thưởng Tết Dương lịch có xu hướng giảm hơn so với năm ngoái là bởi năm nay hai kỳ nghỉ Tết gần nhau nên các doanh nghiệp tập trung cho việc chăm lo Tết Nguyên đán hơn.
Dù là thưởng Tết hay thưởng nói chung thì doanh nghiệp đều phải công bố công khai
Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Theo đó, doanh nghiệp được quyền quyết định quy chế thưởng sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Dù là thưởng Tết hay thưởng nói chung thì doanh nghiệp đều phải công bố công khai tại nơi làm việc để cho người lao động được biết.
Trường hợp không công khai quy chế thưởng theo đúng quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.
Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện: thang lương, bảng lương; mức lao động; quy chế thưởng. Theo đó, nếu vi phạm, người sử dụng lao động là cá nhân sẽ bị phạt cao nhất đến 10 triệu đồng, còn người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi lên đến 20 triệu đồng.
(Tổng hợp)