Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã tiếp nhận danh sách chính thức các sản phẩm của Mỹ có thể bị áp thuế trả đũa trong trường hợp Washington đánh thuế nhập khẩu 5% đối với các sản phẩm của nước này.
Nguồn tin địa phương cho biết các sản phẩm được nhắm đến tương tự như danh sách trước đó mà Mexico đáp trả thuế quan khi Mỹ áp thuế với sản phẩm nhôm và thép vào năm 2018.
Danh sách đưa ra được thiết kế chủ yếu đánh vào các bang ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, bao gồm các bang mà nông nghiệp đóng vai trò thiết yếu với kinh tế địa phương như Michigan, Pennsylvania và Ohio.
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Graciela Márquez Colín thông báo chính phủ nước này đang đánh giá khả năng áp dụng các biện pháp trả đũa trước việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mexico.
Trong khi đó, Thứ trưởng phụ trách Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Mexico Jesús Seade khẳng định việc Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 5% đối với hàng hóa của nước này là một thảm họa và Mexico sẽ đáp trả mạnh mẽ. Trong trường hợp Mỹ áp mức thuế trên, xuất khẩu của Mexico sẽ bị thiệt hại tới 17,2 tỷ USD/năm.
"Người di cư bất hợp pháp” vào Mỹ là nguyên nhân khiến Washington sẽ áp thuế 5% đối với tất cả hàng hóa Mexico nhập khẩu Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/6. |
Hôm 30/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ áp thuế 5% đối với tất cả hàng hóa Mexico nhập khẩu Mỹ bắt đầu từ ngày 10/6 tới và biện pháp này sẽ kéo dài cho tới khi Mexico ngăn chặn hiệu quả “người di cư bất hợp pháp” vào Mỹ.
Trong một báo cáo công bố ngày 5/6, Ủy ban Kinh tế, Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc nhận định chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng khiến Hàn Quốc đối mặt với rủi ro gián tiếp lớn nhất từ các biện pháp thuế quan của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Tỷ trọng mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng là 1,21%, trong khi tỷ trọng này ở Nhật Bản là 0,46% và Singapore là 0,34%.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng ở trong vùng ảnh hưởng lớn nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, do Mỹ áp thuế cao. Dự báo 19,5% mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng, sau Mông Cổ (58%) và Australia (21,8%).
Phân tích của ESCAP cho thấy, Mỹ nhiều khả năng sẽ áp thuế cao nhắm vào mặt hàng thiết bị điện tử, quang học, lĩnh vực chiếm gần 40% xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Trong khi đó, các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản lại có sự kết nối chặt chẽ với Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu, nên sẽ không tránh khỏi cú sốc lớn.
Mặt khác, ESCAP nhận định chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mặc dù là một rủi ro lớn, nhưng cũng có thể trở thành cơ hội đối với Hàn Quốc. Nếu Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất của Mỹ sẽ phải tìm kiếm nhà cung cấp và nơi sản xuất khác, tạo cơ hội thương mại, thu hút đầu tư cho một số quốc gia.
Theo ESCAP, Hàn Quốc xếp thứ nhất về cơ hội có được từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vượt qua các nước khác như Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam. Tuy vậy, để nắm bắt được cơ hội, Hàn Quốc cần một chiến lược đầu tư hiệu quả và tích cực mở rộng năng lực sản xuất quốc gia.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp của Fed tại Chicago, Mỹ ngày 4/6, Chủ tịch Fed-Powell cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát sao những hệ lụy của căng thẳng thương mại tới triển vọng kinh tế Mỹ”. Người đứng đầu Fed khẳng định, như thường lệ, Fed sẽ có hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Một số nhà phân tích nhìn nhận bình luận của ông Powell “hé mở” cánh cửa Fed sẽ hạ lãi suất ít nhất một lần, thậm chí nhiều hơn hai lần từ nay cho đến cuối năm, mà một phần nguyên nhân là do các hậu quả của cuộc chiến thương mại. Hiện còn xuất hiện lo ngại đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt nguy cơ suy thoái gia tăng khi thuế trả đũa của các nước làm giảm xuất khẩu của nước này.