Chia sẻ trên Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam cho biết, nguồn cung bất động sản công nghiệp tại thị trường phía Bắc năm nay không nhiều và có thể cũng chưa dồi dào trong vài năm tới.
Thay vì ở miền Bắc, sức nóng bất động sản công nghiệp đang dồn về thị trường phía Nam, khu vực này sẽ đón nhận nhiều nguồn cung mới trong năm 2021 và 2022.
Theo ông Hà Văn Cung, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, trong tháng 1/2021, Tây Ninh ước đón thêm khoảng 400 triệu USD vốn FDI từ các dự án điều chỉnh tăng vốn. Trong đó, dự án sản xuất của Công ty TNHH Sailun Việt Nam do Tập đoàn Sailun Jinyu - một trong 3 nhà sản xuất lốp xe lớn nhất Trung Quốc và dự án dệt may của Công Ty TNHH Lian-Ta-Hsing (Việt Nam) thực hiện vốn tăng thêm tổng cộng 352 triệu USD.
Để chuẩn bị đón sóng đầu tư mới, ngoài Khu công nghiệp Hiệp Thạnh có quy mô 573,81 ha tại huyện Gò Dầu vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch Phát triển các khu công nghiệp Việt Nam, Tây Ninh cũng đã lên kế hoạch phát triển một số khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong thời gian tới.
Ngoài Tây Ninh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây cũng đề xuất phát triển thêm 6 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 4.800 ha, đáng chú ý là Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Xuyên Mộc (diện tích 1.143 ha) và Khu công nghiệp Đất Đỏ II (dự án mở rộng của Khu công nghiệp Đất Đỏ I) trên diện tích 1.000 ha.
Theo đánh giá của đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhu cầu thuê đất trong các dự án khu công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay rất lớn, do vậy, việc xây dựng quy hoạch phát triển các khu công nghiệp mới và mở rộng để tạo quỹ đất sẵn sàng cho thuê trong thời gian tới là rất cấp thiết.
Bình Phước cũng là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp, tỉnh được ví như Bình Dương thứ hai trong tương lai.
Mới đây, gần 1.400 ha diện tích đất công nghiệp trong tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú giai đoạn II, diện tích 317 ha (TP.Đồng Xoài và huyện Đồng Phú); Khu công nghiệp Nam Đồng Phú giai đoạn II, diện tích 480 ha (huyện Đồng Phú); Khu công nghiệp Minh Hưng 3, giai đoạn II, diện tích là 577,53 ha (huyện Chơn Thành).
Với việc thêm 3 khu công nghiệp này, Bình Phước hứa hẹn đón làn sóng đầu tư lớn trong thời gian tới.
Song song với việc nguồn cung bất động sản công nghiệp tăng mạnh, các tỉnh phía Nam đang tiếp tục đón làn sóng dịch chuyển sản xuất trong năm 2021.
Nhận định về xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp trong năm 2021, các chuyên gia cho rằng, dư địa phát triển của phân khúc này chủ yếu đến từ yếu tố dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Đại dịch kéo dài là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc, đáng chú ý nhất là các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan; Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản; Lenovo từ Hồng Kông đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Làn sóng dịch chuyển mạnh ra khỏi Trung Quốc tới các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ tiếp tục dâng cao do các công ty đa quốc gia sản xuất những mặt hàng công nghệ hay tiêu dùng phải chịu áp lực cắt giảm chi phí, bên cạnh việc lạm phát tiền lương có xu hướng tăng cao sau COVID-19.
(Tổng hợp)