Dù sau đó thị trường có những phiên hồi phục mạnh về điểm số, nhưng thanh khoản đang giảm dần cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư.
Giới phân tích cho rằng, không thể xem nhẹ vùng đỉnh lịch sử 1.200 và rủi ro tiếp tục giảm điểm của VN-Index vẫn hiện hữu.
Nhịp hồi phục kỹ thuật có thể đã dần đạt đến giới hạn
Theo Công ty Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), VN-Index đã xuất hiện phiên giảm điểm mạnh sau khi chỉ số chạm vùng đỉnh lịch sử 1.200, diễn biến hồi phục trong 3 phiên cuối tuần đang mang tính chất bắt đáy ngắn hạn.
Rủi ro tiếp tục giảm điểm của VN-Index vẫn hiện hữu do tâm lý chốt lãi cổ phiếu bắt đáy giá thấp.
Ở góc độ kỹ thuật VN-Index đang có kháng cự gần nhất tại 1.175 và hỗ trợ quan trọng của chỉ số này là ngưỡng 1.100.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng - PHS cho biết, thị trường chốt lại phiên giao dịch cuối tuần với diễn biến thiên về giằng co quanh mốc tham chiếu.
Nỗ lực kéo điểm của thị trường trong phiên sáng cuối tuần đã không thể duy trì đến cuối phiên khi lực cầu giá cao suy yếu. Nỗi lo ngại từ phiên giảm sâu hơn 60 điểm hôm trước đó là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc giải ngân mua mới.
Bên cạnh đó là sức ép từ việc khối ngoại quay trở lại bán ròng.
Trong trung và dài hạn, chỉ số có cơ hội vượt qua vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Tuy nhiên, các chỉ số kỹ thuật trên đồ thị ngày cho thấy nhịp hồi ba phiên sau phiên bán thoát 19/1 vừa qua có dấu hiệu kết thúc.
Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số cần thêm một nhịp rũ bỏ về thử thách lại ngưỡng tâm lý 1.100 điểm, trước khi có thể quay lại xu hướng phục hồi chính.
"Nhìn chung, nhịp điều chỉnh rũ bỏ bắt đầu từ phiên 19/1 có thể vẫn chưa kết thúc, thị trường có thể sớm chịu áp lực rũ bỏ trở lại. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng và chờ đợi tín hiệu kết thúc nhịp điều chỉnh ngắn hạn để tái gia nhập thị trường", PHS khuyến nghị.
Về diễn biến thị trường tuần qua, sau 11 tuần tăng điểm liên tục, VN-Index đã có tuần (từ 18 – 22/1) giảm điểm đầu tiên sau 4 phiên kiểm định mốc 1.200. VN-Index đã có 2 phiên giảm điểm đầu tuần; trong đó, phiên thứ 3 ngày 19/1, VN-Index đã có phiên giảm gần 61 điểm.
Trong tuần có lúc chỉ số chạm mức thấp nhất tại 1.098, giảm hơn 100 điểm so với đỉnh 1.200, lực cầu bắt đáy sau đó đã xuất hiện giúp VN-Index hồi phục trong 3 phiên còn lại để chốt tuần tại 1.166,78, giảm 27,4 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng mạnh 14,65 điểm lên 240,12 điểm.
Về diễn biến các nhóm cổ phiếu, theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với 3,9% giá trị vốn hóa, với các đại diện trong nhóm như VCB giảm 0,2%, VPB giảm 2%, MBB giảm 4,3%, CTG giảm 4,8%, ACB giảm 5,3%, BID giảm 7,4%, SHB giảm 9,4%... là nguyên nhân chính khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.
Tiếp theo là nhóm tiện ích cộng đồng với mức giảm 3,5% giá trị vốn hóa, chủ yếu do đà giảm của trụ cột GAS giảm 5,5%...
Nhóm dầu khí với mức giảm 3,4% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu trong ngành như PLX giảm 3%, BSR giảm 5,6%, OIL giảm 6,3%, PVD giảm 6,6%, PVS giảm 7,9%, PVC giảm 9,6%, PVB giảm 10,4%...
Các nhóm ngành còn lại đều chịu áp lực giảm giá như dược phẩm và y tế giảm 2,9%, hàng tiêu dùng giảm 2,4%, nguyên vật liệu giảm 1,1%, công nghiệp giảm 0,9%, dịch vụ tiêu dùng giảm 0,7%, tài chính giảm 0,5%...
Về giao dịch khối ngoại, tuần qua khối ngoại bán ròng 8,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 534 tỷ đồng.
Chuyên gia từ SHS nhận định, thị trường thất bại trước ngưỡng kháng cự quan trọng quanh 1.200 điểm trong tuần thứ 2 liên tiếp và đây là nguyên nhân khiến áp lực bán tăng mạnh khiến thị trường có lúc điều chỉnh về dưới ngưỡng 1.100 điểm trong tuần qua.
Theo đó, kịch bản sóng Elliott lập ra trước đó đã được xác nhận với việc sóng tăng 3 đã kết thúc khi tăng từ ngưỡng 925 điểm lên ngưỡng 1.200 điểm và hiện tại đang là sóng điều chỉnh 4 với mục tiêu hướng đến theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.040 điểm.
Sóng Elliot là công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu. Theo nguyên tắc sóng Elliot, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.
Với diễn biến ba phiên hồi phục kỹ thuật liên tiếp vào cuối tuần với mức tăng gần khoảng gần 40 điểm.
Tuy nhiên, thanh khoản trong các phiên tăng luôn thấp hơn các phiên giảm thì có thể là nhịp hồi phục kỹ thuật đã dần đạt đến giới hạn.
Theo đó, xu hướng trong tuần tới có thể sẽ tiếp tục là điều chỉnh khi mà lực cầu mua lên đang yếu dần và lực bán đang có dấu hiệu tăng trở lại quanh kháng cự gần nhất 1.170 điểm, SHS nhận định.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua có những biến động mạnh, giảm sâu rồi hồi phục, trong khi các thị trường chứng khoán trên thế giới có diễn biến ngược lại khi tăng mạnh trong những phiên đầu tuần và giảm trở lại vào phiên cuối tuần
Còn quan ngại về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ
Phần lớn các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 22/1 giảm điểm sau khi ghi nhận các mức cao kỷ lục mới vào đầu tuần, khi các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gây ra những thiệt hại kinh tế ở châu Ấu và đề xuất của Tổng thống Mỹ về gói kích thích mới vấp phải sự phản đối tại Thượng viện.
Tuy nhiên trong cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,9%, và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 4,2%.
Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 179,03 điểm, hay 0,57%, xuống 30.996,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,6 điểm, hay 0,3%, xuống 3.841,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,15 điểm, hay 0,09%, lên 13.543,06 điểm.
Các nhà đầu tư không tìm được nhiều lý do để mua cổ phiếu trong phiên cuối tuần sau khi các kỷ lục được lập trong tuần, khi số ca mắc Covid-19 mới gia tăng và các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu đã làm giảm sự hỗ trợ đối với các chỉ số chứng khoán.
Số liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mức 97,5 triệu vào ngày 22/1, trong khi số ca tử vong tăng lên trên 2,09 triệu.
Trong phiên giao dịch ngày 22/1, thị trường chứng khoán châu Á đi xuống giữa bối cảnh giới đầu tư đang "nghỉ xả hơi" sau một tuần tăng điểm mạnh mẽ của các sàn giao dịch cổ phiếu toàn cầu, sau khi ông Joe Biden chính thức trở thành tân Tổng thống Mỹ. Dù vậy, thị trường vẫn quan ngại về triển vọng gói kích thích kinh tế mới mà ông Biden đã đề xuất.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 125,41 điểm (0,44%), xuống 28.631,45 điểm. Xu hướng bán tháo chốt lời đã đẩy chỉ số Nikkei 225 vào vùng đỏ, giữa lúc thị trường khan hiếm các nhân tố định hướng và giới đầu tư đang ở trạng thái "án binh bất động" trước khi khối doanh nghiệp bước vào mùa công bố lợi nhuận quý IV/2020.
Tại thị trường Seoul, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 20,21 điểm (0,64%), xuống 3.140,63 điểm, sau khi đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên trước đó.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành trọn ngày đầu tiên trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ để sa thải một loạt lãnh đạo cấp cao trong chính phủ tiền nhiệm để khởi động cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 với mong muốn giúp nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đứng vững trở lại, bao gồm cả việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng.
Kế hoạch giải cứu nền kinh tế khỏi tác động của đại dịch Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden là động lực chính để giới đầu tư chứng khoán tăng cường mua vào trong những tuần gần đây, nhưng thị trường vẫn hoài nghi rằng kế hoạch này có thể không nhận được sự ủng hộ của một số đảng viên Cộng hòa và đảng Dân chủ, sau khi gói kích thích 900 tỷ USD mới được thông qua tháng trước.
Cũng trong phiên này, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt mất điểm. Chỉ số Hang Seng lùi 479,91 điểm xuống 29.447,85 điểm. Trong khi chỉ số Shanghai Composite hạ 14,51 điểm xuống 3.606,75 điểm.
Các thị trường chứng khoán Sydney của Australia, Singapore, Manila của Philippines và Manila cũng đều giảm điểm trong phiên này.
(Nguồn TTXVN)