Thương mại điện tử đã và đang trở thành một mô hình đặc biệt thành công ở châu Á, một phần là do dịch vụ giao hàng giá rẻ. Ở Mỹ và châu Âu, việc giao bữa trưa có giá khoảng 6-7 USD, trong khi dịch vụ tương đương ở Indonesia và Trung Quốc chỉ có 1-2 USD.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, ngành giao hàng là một mô hình thu nhỏ của những bất bình đẳng kinh tế ngày càng trầm trọng do đại dịch. Những người lái xe và chở hàng đã phải chịu đựng nhiều giờ làm việc tàn khốc, làm gia tăng tai nạn giao thông đường bộ, chưa kể đến nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 luôn hiện hữu.
Gần đây, cái chết của Jang Dug-joon, một nhân viên giao hàng 27 tuổi của công ty Coupang Hàn Quốc một lần nữa làm nổi bật hoàn cảnh của những người lao động trong tầng lớp thấp.
Anh Jang đã làm việc trung bình 44 giờ mỗi tuần và liên tục suốt 7 ngày trong dịp lễ Chuseok, một trong những kỳ nghỉ lễ chính của Hàn Quốc. Cuối cùng, anh ấy được bố mẹ phát hiện trong nhà tắm và ra đi vĩnh viễn.
"Chính phủ của chúng tôi tự hào về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội, thuộc G-20 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nhưng họ chưa bao giờ giải quyết thực tế khắc nghiệt này", Yang Dong-kyu, một nhà tổ chức công đoàn, nói.
Chi phí tiện lợi
Các câu chuyện tương tự xảy ra trên khắp châu Á. Nhiều công nhân phàn nàn về thời gian làm việc liên tục, nguy cơ tai nạn giao thông ngày càng gia tăng và trên hết là nỗi sợ hãi về việc lây nhiễm COVID-19.
Mặc dù khối lượng công việc của họ tăng lên nhưng mức lương cơ bản của họ đã giảm xuống. Vì các tính toán định tuyến về quãng đường và thời gian, cũng như giao hàng được tối ưu hóa để ép ra nhiều lần giao hàng hơn.
Cuối tháng 10, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho biết, các tài xế giao hàng đã làm việc trung bình 71,3 giờ mỗi tuần, tương đương với "tiêu chuẩn quốc tế của 100 năm trước".
Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, sự cạnh tranh gay gắt trong ngành hậu cần đã khiến tiền lương trên mỗi lần giao hàng giảm. Đơn giá trung bình của một lần gửi bưu kiện là 2.269 won Hàn Quốc (2,05 USD) vào năm 2019, giảm so với 2.506 won (2,27 USD) vào năm 2012.
Và đại dịch đã làm sai lệch thêm tỷ lệ này. Khối lượng gói hàng ở Hàn Quốc đã tăng 20% trong 8 tháng đầu năm 2020 và 31% ở Trung Quốc vào năm 2020. Trong khi đó, tổng giao dịch thương mại điện tử ở Indonesia cũng tăng 52% vào năm ngoái.
Tuy nhiên, trên thực tế, thu nhập trên mỗi gói hàng của các nhân viên giao hàng đã giảm ở một số quốc gia, theo các cơ quan quyền lao động. Do đó, các nhân viên giao hàng phải làm việc nhiều giờ hơn để kiếm được số tiền tương tự hoặc trong nhiều trường hợp, số tiền ít hơn so với một năm trước.
Quan trọng hơn, dưới trạng thái "đối tác", hầu hết các tài xế không được bảo hiểm.
Gần đây, những cái chết của công nhân Trung Quốc đã làm dấy lên cuộc thảo luận về điều kiện khắc nghiệt của các nền tảng internet ở nước này. Vào ngày 21/12, một nhân viên giao đồ ăn có tên là Han, người làm việc cho công ty con Ele.me của Alibaba, đột ngột qua đời khi đang giao đơn hàng thứ 34 trong ngày.
Công ty nói với gia đình Han rằng, họ sẵn sàng trả 2.000 CNY (307 USD), vì lòng trắc ẩn, vì Han không trực tiếp làm việc. Giống như nhiều người giao hàng, anh ấy làm việc với một nhà thầu phụ.
Tin tức đã gây ra cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội, khiến Ele.me phải đưa ra lời xin lỗi vào ngày 8/1 và tăng khoản tiền trả cho gia đình Han. Họ đã nhận được 600.000 CNY từ quỹ lương hưu đặc biệt của công ty. Quỹ này được hình thành trên khoản đóng góp 3 CNY từ mỗi người chuyển phát nhanh hàng ngày.
Tuy nhiên, sự việc không kết thúc ở đó. Vào ngày 11/1, một người giao hàng khác của Ele.me đã tự thiêu trước trạm làm việc của mình ở thành phố Taizhou.
Hành động này được ghi lại trên camera của điện thoại thông minh và đăng trên Weibo, nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc. Sau đó, anh đã được những người qua đường cứu nhưng người xem vẫn nghe được giọng của anh phát ra qua video: "Tôi thực sự muốn kiếm tiền".
Lợi nhuận không đều
Giá trị do người giao hàng tạo ra được thể hiện qua việc giá cổ phiếu và định giá của các công ty thương mại điện tử tăng vọt.
Coupang, một công ty thương mại điện tử tư nhân do SoftBank hậu thuẫn, đã mở rộng quy mô trong thời gian đại dịch, tung ra dịch vụ giao hàng tạp hóa trong ngày với tên gọi "Rocket Wow". Nó cũng đang tích cực mở rộng kinh doanh giao đồ ăn.
Trong quý đầu tiên của năm 2020, Coupang trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất tính theo giá trị giao dịch, nâng thị phần của mình lên gần 25%. Một nguồn tin cho biết, đây là mối đe dọa ngày càng lớn cho các nhà bán lẻ ngoại tuyến lớn như Lotte Shopping.
Mặc dù chưa công bố kết quả tài chính cho năm 2020, nhưng cổ phiếu của Coupang gần đây đã được giao dịch trên thị trường tư nhân với mức định giá 30 tỷ USD, tăng từ mức định giá 10 tỷ USD trong vòng gọi vốn cuối cùng vào năm 2018.
Ở thị trường Hàn Quốc, Coupang là một cái tên tương đối mới, ra mắt vào năm 2010. Coupang khác biệt với các đối thủ cũ, như CJ Logistics, Lotte Globis và Hanjin Express, ở chỗ, tài xế của họ được thuê như nhân viên toàn thời gian.
Cụ thể, các tài xế giao hàng, mà công ty gọi là "Coupang Friends", phải tuân theo giới hạn pháp lý là 52 giờ làm việc mỗi tuần và nhận được các quyền lợi việc làm, chẳng hạn như bảo hiểm và nghỉ phép có lương.
Ngược lại, Park Seung-hwan, một tài xế giao hàng đã làm việc 5 năm cho CJ Logistics, được phân loại hợp pháp là một nhà thầu độc lập. Không giống như Coupang Friends, giờ làm việc của anh không bị giới hạn và anh không có mức lương tối thiểu được đảm bảo.
Vào ngày 14/10/2020, một tài xế giao hàng khác của CJ, tên là Kim Won-Jong, đã ngã gục tại nơi làm việc và sau đó đã chết trong bệnh viện. Vài ngày sau, khi công ty phải đối mặt với làn sóng chỉ trích của dư luận, CEO của CJ Logistics, Park Keun-hee, đã tổ chức một cuộc họp báo.
Tại đây, ông lên tiếng xin lỗi về cái chết của anh Kim và cho biết, công ty sẽ cải thiện điều kiện làm việc cho tài xế và ngăn chặn bất kỳ trường hợp tử vong nào khác.
"Điều khiến tôi buồn và tức giận là bất cứ ai cũng có thể thấy điều này xảy ra nhưng không ai có biện pháp ngăn chặn nó", Park Seung-hwan nói về chuỗi cái chết trong ngành.
"Bắt đầu từ năm ngoái, khối lượng giao hàng bắt đầu tăng lên, nhưng các công ty không có biện pháp giải quyết vấn đề đó. Các tài xế chỉ còn cách đối phó với nó mà không có sự hỗ trợ", anh nói thêm.
"Đây là đất nước các vị đã tạo ra?"
Các chuyên gia cho rằng, chính phủ Hàn Quốc phải thực hiện các bước để quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực chuyển phát.
Lee Byoung-hoon, giáo sư và chuyên gia về quan hệ lao động tại Đại học Chung-Ang, nói với Nikkei: "Chính phủ nên tạo một cơ quan đối thoại giữa các công ty hậu cần, công ty trực tuyến, lái xe giao hàng và các nghiệp đoàn, để tổ chức các cuộc thảo luận nhằm hướng tới một số giải pháp lâu dài".
Kang Kyung-woo, giáo sư tại Khoa Giao thông Vận tải & Logistics tại Đại học Hanyang, cho biết: “Để giảm thiểu vấn đề phí giao hàng và cái chết của người lái xe do làm việc quá sức, chúng ta cần phải ban hành hệ thống lương tối thiểu cho người lái xe".
Vào cuối tháng 11, các nhà hoạt động công đoàn đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng của đảng Dân chủ cầm quyền. Bà Kim Mi-sook là một trong những người tham gia cuộc biểu tình để đấu tranh cho con trai của mình, một thanh niên 20 tuổi đã chết vào năm 2018 khi đang làm việc tại một nhà máy điện than.
Anh tử vong sau khi rơi xuống băng chuyền và bị đè khi đang làm ca đêm một mình. Những người ủng hộ công đoàn cho rằng, công ty đã không quan tâm đến tính mạng của công nhân khi để anh ấy làm việc một mình. Thay vào đó, cần phải có một công nhân khác để có thể nhấn nút dừng băng chuyền sau khi có người ngã.
Sau cái chết của con trai, bà Kim trở thành một nhà hoạt động nổi tiếng kêu gọi luật pháp để cải thiện sự an toàn của người lao động. Đứng trước văn phòng đảng Dân chủ, bà thẳng thắn nói: "Đây là đất nước mà các vị đã tạo ra ư? Các vị đã hứa sẽ cải thiện tình hình này. Và bây giờ, các vị không chịu trách nhiệm trước những cái chết xảy ra".
Có những dấu hiệu cho thấy, chính phủ và các công ty đang ứng phó với áp lực. Vào tháng 12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua luật cung cấp bảo hiểm việc làm cho các tài xế giao hàng.
Vào ngày 21/1, với sự hòa giải của chính phủ, các nhân viên giao hàng đã đạt được thỏa thuận với các công ty để giảm bớt khối lượng công việc. Các công ty cũng đồng ý giới hạn thời gian làm việc của tài xế ở mức 12 giờ mỗi ngày và 60 giờ mỗi tuần, đồng thời giảm thiểu việc giao hàng sau 9 giờ tối
Tại cuộc họp báo công bố thỏa thuận, công đoàn đại diện cho các tài xế giao hàng đã cảm ơn sự ủng hộ của công chúng, đồng thời nói rằng, dư luận đã gây sức ép buộc các công ty phải thay đổi những điều mà tài xế đã đòi hỏi trong nhiều năm.