Trong tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký các văn bản khuyến khích đổi mới công nghệ kỹ thuật số.
Cụ thể, các văn kiện đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của "nền kinh tế số" vào tổng sản phẩm quốc nội lên khoảng 20% vào năm 2025.
Đến năm 2030, con số này dự kiến đạt 30% GDP, trong đó chuyển dịch sang các sản phẩm chất lượng cao và giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng lớn.
Đây là một phần trong mục tiêu kinh tế chính của Việt Nam, nhằm thoát khỏi nền kinh tế có thu nhập thấp như hiện nay vào năm 2025 và đạt được vị thế quốc gia phát triển vào năm 2045.
Việt Nam đang tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc và sẽ kết thúc vào ngày 2/2. Tại đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip của đất nước, vì các công ty nước ngoài bắt đầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Hôm 26/1, Ban quản lý Khu Công nghiệp và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cho biết, họ đã cấp giấy phép đầu tư cho dự án bán dẫn trị giá 110 triệu USD của Hayward Quartz Technology, có trụ sở tại Thung lũng Silicon. Nhà máy này sẽ chuyên sản xuất chất bán dẫn.
Trong tuần này, tập đoàn chip khổng lồ của Mỹ là Intel cũng cho biết, họ đã đầu tư 475 triệu USD vào Việt Nam trong lĩnh vực lắp ráp và thử nghiệm.
Các khoản đầu tư của các công ty Mỹ diễn ra sau động thái của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 10. Thời điểm đó, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, Lee Jae-yong, có chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội. Thủ tướng đã đề nghị ông Lee đầu tư vào một nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc Samsung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn ở Việt Nam vẫn chưa có gì chắc chắn. Ông Lee nói với Thủ tướng rằng, ông sẽ đến thăm khu phức hợp của Samsung tại TP.HCM để xem xét kế hoạch mở rộng.
Trong khi đó, trang Businesskorea đưa tin rằng, ưu tiên hiện tại của Samsung là hoàn thành việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển, sẽ tuyển dụng 3.000 người tại Việt Nam vào năm 2022.
Mặt khác, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng giá trị đầu tư là 17 tỷ USD. Việt Nam đã xuất khẩu điện thoại thông minh và linh kiện trị giá 51,38 tỷ USD vào năm 2019, phần lớn do Samsung sản xuất.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam đối phó hiệu quả với đại dịch đã nâng tầm thương hiệu của đất nước và trở thành điểm đến hàng đầu cho việc đa dạng hóa vượt ra khỏi Trung Quốc. Điều này có khả năng thúc đẩy đất nước vươn lên như một trung tâm sản xuất công nghệ của khu vực.
"Tuy nhiên, hai yếu tố hạn chế khả năng của Việt Nam trong việc tăng cường sản xuất và phát triển chuỗi giá trị chính là sự phụ thuộc quá nhiều vào đầu vào nước ngoài để sản xuất và quy mô dân số nhỏ", Trinh Nguyen, một học giả tại Carnegie Endowment for International Peace, nhận định.
Do đó, việc xây dựng một cụm công nghiệp chip trong nước là động thái tiềm năng để Việt Nam leo lên chuỗi giá trị.
Chiến lược kinh tế số của Hà Nội bao gồm một loạt các yếu tố như số hóa chính phủ, triển khai hệ thống thanh toán kỹ thuật số và mạng viễn thông 5G. Việt Nam cũng sẽ "tận dụng tối đa những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4".
Cụ thể, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đề cập đến quá trình tự động hóa, sử dụng công nghệ bao gồm in 3D, trí tuệ nhân tạo và giao tiếp giữa máy với máy.